Cổ phiếu TNG trước cơ hội vượt đỉnh lịch sử

Hoàng Anh - 13/08/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Với xu hướng tăng giá ổn định, cổ phiếu TNG hoàn toàn sáng cửa để vượt đỉnh lịch sử năm 2021.

Phiên giao dịch sáng ngày 13/8, thị trường chứng khoán không thể nối dài mạch hồi phục do sự phân hóa của dòng tiền. Chỉ số VN-Index giảm gần 6 điểm, thanh khoản giao dịch “vỏn vẹn” hơn 5.700 tỷ đồng. Song song với đó, nhóm VN30 cũng giảm 6,86 điểm, với hơn 77 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Sau khi vượt mức kháng cự, cổ phiếu TNG điều chỉnh nhẹ gần 2%, xuống còn 27.000 đồng/cp. Theo đó, vốn hóa của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã vượt qua ngưỡng 3.300 tỷ đồng.

Cổ phiếu TNG vẫn đang trong đà đi lên

Mặc dù giảm nhẹ nhưng cổ phiếu TNG vẫn giữ được xu hướng tăng giá và tiến gần vùng đỉnh lịch sử năm 2021.

Nhìn chung, đà tăng của được thúc đẩy bởi sự kiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt và kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trong quý II vừa qua.

Cụ thể, vào ngày 19/8 tới, TNG sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức tạm ứng đợt 1/2024 bằng tiền với tỷ lệ 4% (mỗi cổ phiếu sẽ nhận 400 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/8/2024. Với 122,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính, TNG sẽ phải chi 49 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này. Ngày thanh toán dự kiến là 30/8/2024.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, TNG đã thông qua kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 16%, trong đó 8% bằng tiền và 8% bằng cổ phiếu. Như vậy, sau đợt tạm ứng này, công ty sẽ còn ít nhất một lần chi trả 4% còn lại để hoàn thành tỷ lệ 8% bằng tiền.

Về kết quả kinh doanh quý II/2024, TNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.173 tỷ đồng, tăng 9%. Đây là mức doanh thu theo quý cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp may mặc này. Lợi nhuận gộp tăng 48%, lên 358 tỷ đồng, giúp biên lợi nhuận gộp mở rộng từ từ 12% lên 16,5%.

TNG cho biết, sự gia tăng đáng kể trong lợi nhuận sau thuế quý II/2024 nhờ việc tập trung khai thác các dòng sản phẩm khó, phức tạp và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đã đóng góp lớn vào tăng trưởng doanh thu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của TNG đạt hơn 3.526 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt hơn 129 tỷ đồng, tăng 38%, hoàn thành 42% kế hoạch kinh doanh năm 2024 (đạt 311 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của TNG đạt 5.894 tỷ đồng, tăng 747 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 238 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Hàng tồn kho tăng mạnh 51% lên 1.343 tỷ đồng.

Phía bên kia bảng cân đối, TNG ghi nhận nợ phải trả đạt 4.089 tỷ đồng, tăng 668 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng lên 2.185 tỷ đồng.

Ngành dệt may hồi phục, TNG được dự báo vượt đỉnh

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 7/2024 đạt 4,29 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 16,1% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng năm 2024, xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 1,33 tỷ USD.

Ngành dệt may Việt Nam đang chứng kiến những dấu hiệu khởi sắc nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II và những lợi thế từ yếu tố bên ngoài

Về triển vọng của ngành, theo SSI Research, trong thời gian trước mắt, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, dệt may Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự gián đoạn của ngành dệt may Bangladesh. Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cùng chung quan điểm khi cho rằng sẽ dệt may Việt Nam sẽ có một số lợi thế khi ngành dệt may Bangladesh gặp khó khăn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn. Cụ thể, tại các thị trường như EU, Mỹ, yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, lao động, thiết bị đến năng lượng, vận chuyển đều được luật hoá và triển khai đồng bộ.

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam cũng chịu áp lực ngày càng lớn về lao động để hoàn thành các đơn hàng cho mùa vụ cuối năm. Từ giờ đến hết năm, nếu duy trì "phong độ" xuất khẩu hơn 4 - 4,2 tỷ USD/tháng, ngành dệt may có thể về đích với doanh thu 44-45 tỷ USD.

Trong bối điều kiện thuận lợi của ngành dệt may, Chứng khoán Beta dự báo cổ phiếu TNG có thể chạm mốc 31.000 đồng/cp, qua đó vượt đỉnh lịch sử. Cùng quan điểm nhưng có phần tích cực hơn, Mirae Asset kỳ vọng TNG sẽ vươn tới mốc 32.900 đồng/cp trong thời gian tới.

Xét trên góc độ phân tích kỹ thuật, dựa trên góc tăng của đường giá, có thể thấy khả năng chinh phục đỉnh cũ của cổ phiếu này tương đối cao. Tuy nhiên, việc mua và nắm giữ tại thời điểm này sẽ có phần rủi ro, bởi cổ phiếu chỉ còn cách “vạch đích” khoảng 10%.

Đối thủ Bangladesh bất ổn, dệt may Việt Nam đón cơ hội vàng

Đối thủ Bangladesh bất ổn, dệt may Việt Nam đón cơ hội vàng

Doanh nghiệp
(VNF) - Ngành dệt may Việt Nam đang chứng kiến những dấu hiệu khởi sắc nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II và những lợi thế từ yếu tố bên ngoài. Đặc biệt, sự gián đoạn trong ngành may mặc Bangladesh đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng chuyên mục
Tin khác