Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Thị giá mất trên 50%
Ðóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (28/2), cổ phiếu VTR chốt ở mức giá 43.000 đồng/cổ phiếu, mất gần 19% so với thời điểm đầu năm 2020.
Thậm chí, trước đó, phiên 25/2, thị giá cổ phiếu VTR rớt xuống còn 41.500 đồng/cổ phiếu, mất hơn 50% so với mức đỉnh 85.100 đồng/cổ phiếu thiết lập trong phiên 2/10/2019, phiên giao dịch thứ 4 sau ngày chào sàn UPCoM.
Ðà giảm giá mạnh này khiến cho những nhà đầu tư không khỏi ngậm ngùi khi đánh cược vào triển vọng lên giá của cổ phiếu “vàng” trong ngành du lịch.
Nhìn vào hiệu quả kinh doanh, cũng như những khó khăn, bất lợi mà VTR đang đối mặt, không khó hiểu vì sao thị giá cổ phiếu này lao dốc mạnh như vậy.
Quý cuối năm 2019, VTR bất ngờ báo lỗ gần 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 8 tỷ đồng.
Tình trạng thua lỗ là do VTR mở rộng đầu tư vào các công ty con, trong khi các đơn vị này đang trong quá trình tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và hoàn thiện bộ máy nhân sự.
Việc VTR phát triển kênh bán hàng qua các đại lý môi giới và các trang mạng trực tuyến khiến chi phí đầu tư và hoa hồng môi giới tăng so với cùng kỳ năm trước.
Hiện trạng cạnh tranh gay gắt giữa các công ty du lịch cũng khiến VTR thua lỗ. Cùng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch, chu kỳ kinh doanh của Công ty đang ở vào thời điểm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư với chi phí vốn lớn, cánh cửa để VTR thoát lỗ trong thời gian tới thêm hẹp...
Nợ vượt gần 9 lần vốn chủ sở hữu
Sức khỏe tài chính của VTR hiện tại xuất hiện những yếu tố đáng quan ngại, bởi tình trạng nợ nần gia tăng mạnh, trong khi lượng vốn lớn huy động về để triển khai các dự án kinh doanh gặp khó trong việc nhanh chóng giải ngân để hy vọng mang lại nguồn trả nợ.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2019, nợ phải trả ở thời điểm cuối năm 2019 lên tới hơn 1.845 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức gần 903 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm. Như vậy, chốt năm 2019, tổng nợ của VTR đã vượt gần 9 lần vốn chủ sở hữu.
Ðáng nói là, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng áp đảo với 1.097,6 tỷ đồng. Cùng với đó, nợ dài hạn tăng mạnh từ 56,3 tỷ đồng hồi đầu năm 2019 lên 747,4 tỷ đồng vào cuối năm.
Nợ tăng chóng mặt này có nguyên nhân từ quyết định huy động 700 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ vào trung tuần tháng 9/2019 để thành lập hãng hàng không.
Ðây là loại trái phiếu có lãi suất cố định 9,25%/năm trong 15 tháng đầu, sau đó tăng lên 11% trong thời hạn còn lại của trái phiếu.
Nước cờ lập hãng hàng không của VTR được tung ra trong năm 2019 với tính toán, hãng hàng không này sẽ phục vụ khoảng 1 triệu khách với hơn 300 chuyến bay thuê bao nguyên chuyến, chi phí phải trả tiền vé máy bay gần 3.000 tỷ đồng.
Ðứng mũi chịu sào ở hãng hàng không này không ai khác là ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc VTR.
Theo phương án phát hành, tròn 15 tháng kể từ ngày phát hành (17/9/2019), VTR bắt đầu phải trả lãi.
Có nghĩa là vào tháng 12 năm nay, VTR bắt đầu đối mặt với gánh nặng trả lãi tiền tỷ. Ðáng chú ý, thời điểm 17/9/2021, ngoài phải trả lãi, VTR còn phải thanh toán khoản gốc huy động trái phiếu 700 tỷ đồng, do kỳ hạn trái phiếu là 24 tháng.
Thời điểm này, khi dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành hàng không, du lịch, nhiều hãng hàng không phải co lại hoạt động, VTR lại ở tình thế “đâm lao phải theo lao” khi thúc đẩy thành lập Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt, với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, nhằm sớm đưa Hãng hàng không Vietravel Airlines “cất cánh”.
Ðáng chú ý, trong khi VTR đang thúc đẩy Vietravel Airlines đi vào hoạt động thì một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vượt trội so với VTR là Vingroup đã tuyên bố rút lui khỏi lĩnh vực hàng không, vốn tiềm ẩn những rủi ro lớn, khó lường, mà dịch Covid -19 là một minh chứng.
Ngoài Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt, Hội đồng quản trị của VTR cũng vừa chốt phương án thành lập Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ du lịch TripU, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
VTR bung ra lập nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh ngành du lịch gặp khó đang khiến cho Công ty đối mặt thêm nhiều thách thức. Ðiều này phần nào khiến VTR “nếm mùi” thua lỗ trong quý IV/2019.
Trong bối cảnh khó khăn trên, Ðại hội cổ đông bất thường của VTR vừa thông qua phương án điều chỉnh thời gian dự kiến phát hành 2,3 triệu cổ phiếu (tương đương 23 tỷ đồng theo mệnh giá), với mức giá 10.100 đồng/cổ phiếu cho đối tác chiến lược đã được Ðại hội đồng cổ đông năm 2019 thông qua theo hướng ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định thời điểm phát hành phù hợp.
Ðối tượng chào bán cổ phiếu trong đợt này là cán bộ Công ty có chức vụ từ Phó giám đốc các đơn vị đến Ban Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cổ đông chiến lược và các cổ đông liên kết. Ðiều này phần nào cho thấy chính lãnh đạo Công ty hiện chưa mặn mà bỏ thêm tiền vào VTR trong bối cảnh nợ nần tăng cao.
Trong khi dòng tiền trả lãi lẫn gốc của thương vụ huy động vốn trái phiếu trông chờ vào hoạt động kinh doanh, thì bối cảnh thị trường nhiều thách thức đang khiến VTR thêm sức ép trong tìm đầu ra dòng tiền để trả lãi cũng như đảm bảo hoạt động kinh doanh. Sức ép chi phí tài chính lớn dần đòi hỏi VTR phải có cách giải mới để tránh thua lỗ.
Ði tìm câu trả lời cho những câu hỏi này, phóng viên Ðầu tư Chứng khoán đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Minh Ngọc, thành viên thường trực Hội đồng quản trị, Người công bố thông tin của VTR nhưng không có được sự kết nối, chia sẻ thông tin.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt VTR 300 triệu đồng, do đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng. VTR trở thành công ty đại chúng trước thời điểm Thông tư 180/2015/TT-BTC (hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết) có hiệu lực nhưng đến ngày 4/6/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới nhận được hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu của Công ty.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.