Cố Tổng thư ký LHQ Kofi Annan: ‘Tôi nhận ra rằng nghỉ hưu là công việc rất vất vả’

Minh Đăng - 20/08/2018 10:50 (GMT+7)

(VNF) - Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hồi tháng 4/2018 nhân dịp sinh nhật lần thứ 80, cố Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Kofi Annan đã nói vui rằng: "Tôi nhận ra rằng nghỉ hưu là công việc rất vất vả".

VNF
Ông Kofi Annan vừa qua đời ở tuổi 80 vào ngày 18/8 tại Thụy Sĩ.

Ông Kofi Annan vừa qua đời ở tuổi 80 vào ngày 18/8 tại Thụy Sĩ, nơi ông đã sống trong vài năm cuối đời. Ông là người châu Phi da đen đầu tiên đảm nhận vị trí này trong hai nhiệm kỳ, từ năm 1997 đến 2006.

Trong quá trình 10 năm nắm quyền, ông Annan từng được trao giải Nobel Hoà bình và đã xây dựng được danh tiếng là một trong những nhà ngoại giao được yêu quý nhất dù ông giữ chức Tổng thư ký LHQ trong giai đoạn có nhiều cuộc chiến và khủng bố xảy ra.

Ông Kofi Annan đã cống hiến gần như cả cuộc đời của mình cho các hoạt động nhân đạo chống đói nghèo và bệnh tật trên khắp thế giới.

Vài nét về cuộc đời của Kofi Annan

Kofi Atta Annan và chị gái song sinh Efua Atta sinh ra tại thành phố Kumasi vào ngày 8/4/1938. Ông Annan lớn lên trong một gia đình khá giả, có ông nội và ông ngoại từng là những nhà lãnh đạo còn cha là thị trưởng tại một đất nước khi đó vẫn nằm dưới sự quản lý của Anh.

Hai ngày trước khi ông Kofi Annan bước sang tuổi 19, đất nước của ông mới giành độc lập và trở thành Ghana như ngày nay. Đây là sự kiện đã tác động tới cuộc đời của Annan sau này.

Sau khi học đại học ở Ghana và Mỹ, năm 1962, ông nhận được công việc đầu tiên ở Liên Hợp Quốc là nhân viên phụ trách ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Năm 1965, ông kết hôn với người phụ nữ Nigeria có tên Titi Alakija. Họ có hai con nhưng ly hôn vào cuối những năm 1970. Ông tái hôn vào năm 1984 với Nane Lagergren, luật sư Thụy Điển tại LHQ và họ có một con gái.

Năm 1993, ông thăng tiến đến vị trí phó tổng thư ký LHQ và là người đứng đầu lực lượng giữ gìn hòa bình.

Ông Kofi Annan cùng vợ tham gia các sự kiện xã hội.

Tới năm 1997, ở tuổi 59, ông Annan được chọn làm tổng thư ký LHQ. Sau 52 năm hoạt động, LHQ khi đó đang trên bờ vực phá sản.

Ông Annan đã cải cách tổ chức, cắt giảm 1.000 việc làm trong số 6.000 vị trí tại trụ sở New York, đồng thời cố gắng thuyết phục các nước thành viên hành động để phản ứng trước nhiều bi kịch của thế giới. Ông cũng thúc giục được Mỹ trả khoản nợ tồn đọng của họ với LHQ.

Tổng thư ký chú ý đến việc tạo ra một tương lai tươi sáng với việc thiết lập Mục tiêu Thiên niên kỷ - một loạt các ưu tiên cần đạt được trước năm 2015, từ việc giảm một nửa tỷ lệ người rất nghèo cho đến ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS.

Năm 2001, ông Annan và Liên Hợp Quốc được trao giải Nobel Hòa bình đồng thời tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

Năm 2003, Mỹ, một trong những bên ủng hộ lớn nhất của ông Annan, đã tiến hành chiến tranh ở Iraq. Động thái này làm rạn rứt quan hệ giữa Annan và Mỹ. "Với quan điểm của chúng tôi, đây là hành động bất hợp pháp", ông tuyên bố.

Năm 2004, ông vướng vào bê bối khi con trai duy nhất của mình, Kojo, bị phát hiện nhận tiền từ một công ty được thuê để theo dõi chương trình "Đổi dầu lấy thực phẩm". Chương trình này được bắt đầu từ năm 1996 để bán lượng dầu hạn chế từ Iraq, nước hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế, nhằm đổi lấy nhu yếu phẩm nhân đạo. Kết quả cuộc điều tra cho thấy ông đã không lạm dụng quyền lực để làm lợi cho con mình, tuy nhiên, ông có sai sót trong quá trình giám sát chương trình.

Kofi Annan tại một cuộc họp báo ở New York năm 2005. Ảnh: AFP.

18 tháng sau đó, ông Annan từ chức ở tuổi 70 vào tháng 12/2006. Một năm sau, ông thành lập quỹ Kofi Annan, thúc đẩy sự phát triển bền vững toàn cầu, an ninh và hòa bình. Ông cũng trở thành thành viên của The Elders, nhóm các lãnh đạo toàn cầu làm việc vì vấn đề nhân quyền do Nelson Mandela sáng lập. Ông sau đó giữ chức chủ tịch của tổ chức này năm 2013.

Năm 2012, Annan được Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab bổ nhiệm làm Đại diện chung đặc biệt về vấn đề Syria khi họ tìm cách chấm dứt chiến tranh ở đây. Ông cũng liên tục bày tỏ quan điểm về các vấn đề nóng như biến đổi khí hậu.

'Là một sức mạnh chỉ đường mãi mãi'

Quỹ Kofi Annan mô tả ông là "một chính khách toàn cầu và là người am hiểu các vấn đề quốc tế đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh cho một thế giới hòa bình và công bằng hơn".

"Ở đâu có cực khổ hay túng thiếu, ông đều tìm đến để giúp đỡ và làm nhiều người cảm động về lòng trắc ẩn và cảm thông sâu sắc của ông. Ông luôn quên mình và đặt người khác lên trên, luôn toát lên lòng tốt chân thành, sự nồng hậu và tỏa sáng trong mọi điều ông làm", trích công bố của quỹ Kofi Annan.

Tổng thư ký LHQ đương nhiệm, ông Antonio Guterres là một trong những người đầu tiên gửi lời từ biệt người tiền nhiệm của mình, và mô tả ông Annan là "một sức mạnh chỉ đường mãi mãi".

Ông Kofi Annan đã cống hiến gần như cả cuộc đời của mình cho các hoạt động nhân đạo chống đói nghèo và bệnh tật trên khắp thế giới.

"Về nhiều phương diện, Kofi Annan chính là Liên Hiệp Quốc. Ông đã vươn lên qua các cấp bậc và trở thành người dẫn dắt tổ chức này sang thiên niên kỷ mới với tư cách và quyết tâm không ai sánh được," ông Guterres nói trong một thông cáo.

Ông cũng đóng vai trò then chốt trong việc thành lập quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao, sốt rét và làm trung gian giải quyết tại một số điểm nóng trên thế giới.

Vợ ông, bà Nane, và ba người con đã "ở bên ông trong những ngày cuối đời," Quỹ Kofi Annan cho biết.

Tổng thống Ghana ông Nana Akufo-Addo đã ra lệnh treo cờ rủ ở nước này và các cơ quan ngoại giao của Ghana trên thế giới trong bảy ngày, bắt đầu từ thứ Hai (20/8).

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 19/8 đã gửi điện chia buồn đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guteress cùng Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nhập Khu vực Ghana Shirley Ayorkor Botchway, sau khi biết tin ông Kofi Annan qua đời ngày 18/8.

Xem thêm >> Giáo sư Trần Văn Thọ và nỗi niềm đau đáu cho quê hương Việt Nam

Theo TH
Cùng chuyên mục
Tin khác