'Cơn sốt' AI thổi giá cổ phiếu công nghệ: Nỗi lo bong bóng
(VNF) - Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã đưa cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chinh phục những đỉnh cao mới. Tuy nhiên, đà tăng bằng lần không chỉ tạo ra sự hưng phấn cho các nhà đầu tư mà còn dấy lên lo ngại về khả năng hình thành bong bóng giá.
Cổ phiếu công nghệ tăng “chóng mặt”
Thời gian gần đây, hiếm có ngày nào trôi qua mà không có tin tức về việc một cổ phiếu công nghệ nào đó vừa “phá đỉnh”. Bất chấp việc thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay ở trong trạng thái giằng co với các phiên tăng giảm đan xen, nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn “miệt mài” đi lên.
Đáng chú ý nhất có lẽ phải nhắc tới cổ phiếu VGI của Viettel Global. Từ mức 25.800 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu năm (2/1/2024), sau 5 tháng, mã này đã tăng tới 238%, đạt mức 87.300 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, trong phiên giao dịch ngày 22/5, cổ phiếu VGI đã chạm mốc 94.200 đồng/cổ phiếu, đẩy vốn hoá thị trường lên mức kỷ lục 286.700 tỷ đồng (tương đương 11,8 tỷ USD). Pha “bứt tốc” ngày hôm đó đã đưa Viettel Global vượt qua hàng loạt tên tuổi “sừng sỏ” như Vingroup, Vinhomes, Hòa Phát, Vinamilk, BIDV và “ngạo nghễ” đứng tại vị trí á quân vốn hoá, chỉ chịu thua Vietcombank.
Không tạo ra đà tăng “tên lửa” như VGI song cổ phiếu FPT của tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam lại cho thấy sự bền bỉ và ổn định khi “vẽ” một đường đi lên gần như “thẳng băng”. Tính đến ngày 22/5/2024, sau 93 phiên giao dịch, mã này đã thực hiện 24 “cú phá đỉnh”, đạt thị giá 138.000 đồng/cổ phiếu. Nhờ đó, Tập đoàn FPT đã kịp cùng đại diện “nhà Viettel” chen chân vào tốp 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sàn HoSE với mức vốn hoá 175.255 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD). Sau vài nhịp điều chỉnh nhẹ vào cuối tháng 5, bước sang tháng 6, cổ phiếu FPT đã thực hiện thêm 3 cú phá đỉnh nữa để chinh phục mức giá 142.000 đồng/cổ phiếu. Với vốn hoá vượt mốc 180.000 tỷ đồng (7,3 tỷ USD), FPT đã lọt vào top 5 doanh nghiệp quy mô nhất sàn HoSE.
Một loạt cổ phiếu công nghệ - viễn thông khác thuộc “họ” Viettel và FPT cũng tăng mạnh. CTR của Viettel Construction thậm chí bứt tốc và công phá mức đỉnh lịch sử 142.700 đồng/cổ phiếu ngay trong quý I. Dù rằng sau đó đã hạ nhiệt nhưng mã này vẫn duy trì được mức tăng trên 40% trong nửa đầu năm. Ở phía FPT, phải đến đầu tháng 5, cổ phiếu FOX của FPT Telecom và FOC của FPT Online mới chính thức “gia nhập” cuộc đua tăng giá. Đầu tháng 6, FOC tăng tới 115% so với đầu năm, lần đầu tiên lọt nhóm cổ phiếu giá trị 3 chữ số. Trong khi đó, với mức tăng trưởng hơn 50%, “người anh em” FOX cũng trở lại nhóm này sau hơn một năm “vắng bóng”.
Trong khi đó, tháng 5 là thời điểm cổ phiếu CMG của CMC Corp bắt đầu “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán khi liên tục tự xô đổ các kỷ lục về giá của mình, tiến thẳng lên vùng giá 60.000 đồng/cổ phiếu. Vừa bước sang tháng 6, mã này đã thiết lập đỉnh mới ở mức 68.500 đồng/cổ phiếu, “thổi” vốn hoá vượt ngưỡng 13.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dòng tiền cũng lan toả khá rộng tới các cổ phiếu vừa và nhỏ như ELC của Elcom, ITD của ITD Corp hay TTN của VNTT. Nếu như ELC được ví như một “ngôi sao mới nổi” khi giao dịch ở vùng giá cao nhất từ trước tới nay thì ITD và TTN cũng đang trên đường trở về đỉnh cũ. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm của các mã này dao động trong khoảng 33% - 57%.
Giới quan sát đánh giá, đà thăng hoa của nhóm cổ phiếu công nghệ dưới sự “dẫn dắt” của bộ đôi VGI – FPT đã góp phần làm cân đối hơn cơ cấu các nhóm ngành trong thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù nhóm ngân hàng và bất động sản vẫn áp đảo cả về số lượng và tỷ trọng vốn hoá nhưng không thể phủ nhận các cổ phiếu ngành công nghệ đang ngày càng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Nếu như vào thời điểm cuối năm 2023, các doanh nghiệp công nghệ vẫn “biệt tăm” trong danh sách 10 cái tên giá trị nhất sàn chứng khoán thì hiện nay, Viettel Global và FPT đã “chễm chệ” tại các thứ hạng cao trong danh sách này.
Nhiều thông tin tích cực hỗ trợ
Sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ Việt Nam thời gian vừa qua diễn ra trong bối cảnh “cơn sốt” AI đang làm “khuynh đảo” thị trường chứng khoán toàn cầu. Tại Phố Wall, cổ phiếu của các đại gia công nghệ như Nvidia, Microsoft, Amazon, Apple, Meta (Facebook) và Alphabet (Google) vẫn đang giao dịch trên vùng đỉnh, là trụ cột cho sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán Mỹ. Trong đó, Nvidia vẫn “miệt mài” thiết lập những kỷ lục mới và đã có lần đầu tiên vượt mốc vượt mốc vốn hoá 3.000 tỷ USD vào ngày 5/6. Tại Nhật Bản và Đài Loan, các cổ phiếu chip cũng ghi nhận mức tăng hàng chục %.
Với sự góp mặt của AI, thị trường công nghệ được nhận định có tiềm năng tăng trưởng lớn. Goldman Sachs đánh giá, AI có thể góp phần giúp GDP toàn cầu tăng lên 7% trong 10 năm tới, tác động to lớn đến các doanh nghiệp và toàn xã hội. Còn theo Gartner, AI sẽ tạo ra 10% tổng số dữ liệu của thế giới vào năm 2025.
Cũng theo đơn vị này, chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin trong năm 2024 sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 8%, đạt 5.100 tỷ USD nhờ kỳ vọng đầu tư vào Cloud, bảo mật thông tin, AI và tự động hoá. Lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 13,8% và 10,4%.
Giới phân tích cho rằng, những yếu tố nói trên khiến các nhà đầu tư chứng khoán quyết tâm sở hữu cổ phiếu công nghệ. Như một lẽ tự nhiên, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Nhìn vào triển vọng của ngành, các công ty công nghệ của Việt Nam cũng được đánh giá là nhận được nhiều câu chuyện hỗ trợ tích cực. Hiện nay, công nghệ thông tin được xác định là động lực tăng trưởng kinh tế và đang thu hút nhiều “đại bàng” quốc tế. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đang có 14 dự án FDI đầu tư trong các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dự án hợp tác Mỹ - Hàn Quốc - Việt Nam về khai thác, chế biến đất hiếm đang được thương thảo, trong đó một số dự án được thực hiện trong năm 2024.
Các công ty chứng khoán cũng chỉ ra rằng, nhờ dư địa còn nhiều, tiềm năng tăng trưởng của trung tâm dữ liệu và Cloud ở Việt Nam là rất lớn. Báo cáo của Savills châu Á - Thái Bình Dương cho thấy Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có ít trung tâm dữ liệu hơn Hong Kong và Singapore, mặc dù có dân số đông gấp 30 lần. Chưa kể, Chính phủ cũng đang đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng.
Bên cạnh đó, chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tiếp tục tăng trưởng do sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với xu thế tất yếu; thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ thông tin; Chính phủ các nước ưu tiên phát triển công nghệ để bắt kịp sự thay đổi của thế giới. Với triển vọng vững chắc về nhu cầu, các tổ chức tài chính dự báo, các công ty công nghệ vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai chữ số.
“Biến động giá các cổ phiếu công nghệ thông tin trên sàn chứng khoán Việt Nam hầu hết đều tương đối tích cực, phản ánh kỳ vọng lớn của nhà đầu tư vào những xu hướng công nghệ đang và sẽ bùng nổ trong 3 – 5 năm tới, ví dụ như AI tạo sinh (Generative AI), điện toán đám mây (Cloud) và trung tâm dữ liệu (Data Center),…”, ông Trần Lâm Tùng, đại diện Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) chia sẻ với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance.
Ông Tùng nói thêm, các xu hướng nói trên đều được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 10% - 30% CAGR/năm trong giai đoạn 2024 – 2030, thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số tại các thị trường chính của xuất khẩu phần mềm Việt Nam (Mỹ, Nhật Bản, APAC,…). Trước nhu cầu và xu hướng mạnh như vậy, những cổ phiếu như FPT, CMG được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ hưởng lợi đầu tiên và biến động giá cổ phiếu cũng đã phản ánh phần nào kỳ vọng của đó. Thực tế, sau cái bắt tay với Nvidia – doanh nghiệp hiện đang được xem là “người làm chủ cuộc chơi AI” toàn cầu, cổ phiếu FPT và CMG đã tăng chóng mặt.
Nói thêm về những câu chuyện riêng, theo ông Trần Lâm Tùng, bộ đôi CTR - VGI “nhà Viettel” còn được hưởng lợi từ xu hướng thương mại hóa mạng 5G hay triển vọng kinh doanh tích cực tại các thị trường nước ngoài của Tập đoàn Viettel. Hiện tại, Viettel đang đứng số 1 thị phần tại 5 trong tổng số 9 thị trường, tỷ lệ hoàn vốn đã đạt 77% và kỳ vọng tăng lên mức 84% trong 2024.
Trong khi đó, nhóm giao thông thông minh như ELC, ITD nhìn chung đang được nhà đầu tư đánh giá là có triển vọng nhận về nguồn việc lớn, đặc biệt là sau khi Quốc hội chuẩn bị thông qua việc thu phí trên các cao tốc do nhà nước đầu tư để giải quyết vấn đề chi phí vận hành hệ thống giao thông thông minh. Chưa kể, giai đoạn 2024 – 2025 cũng sẽ là thời điểm hoàn thành hàng loạt các dự án cao tốc thuộc cao tốc Bắc – Nam.
Liệu có đang hình thành bong bóng?
Thị giá cổ phiếu công nghệ tăng chóng mặt trong khi thị trường mới đang từng bước phục hồi đã khiến không ít nhà đầu tư tự hỏi mức giá hiện tại đã đạt đỉnh chưa, thậm chí hoài nghi có hay không câu chuyện “bong bóng” cổ phiếu công nghệ.
Trả lời về vấn đề này, ông Trần Lâm Tùng, đại diện BSC, cho hay ở thời điểm hiện tại, nhìn chung hầu hết các nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin đều đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 30% - 55% (riêng đặc biệt VGI là 246%) và được giao dịch ở mức định giá khá cao. Do đó, việc xảy ra những điều chỉnh trong ngắn hạn là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, đây là điều bình thường trên thị trường chứng khoán.
Ông Tùng cho biết xét trên tầm nhìn dài hạn, dư địa tăng trưởng của những cổ phiếu công nghệ tại Việt Nam là rất lớn và chưa có tín hiệu chậm lại trong ít nhất 3 năm tới, đặc biệt là khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ hồi phục rõ rệt hơn từ 2025 trở đi.
“Chưa hẳn đã có tình trạng nhóm công nghệ thông tin đã ở trạng thái bong bóng”, đại diện BSC khẳng định. Cũng theo ông Trần Lâm Tùng, thời điểm hiện tại, duy nhất nhóm cổ phiếu công nghệ là giữ được đà tăng trưởng tốt và ổn định qua các năm so với các ngành khác nên sẽ được trả định giá cao lên. Chưa kể, trong chu kỳ đầu của hồi phục, đây cũng là nhóm được giới đầu tư kỳ vọng nhiều.
Ông Tùng khuyến nghị các nhà đầu tư đang quan sát và có ý định đầu tư vào những cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ - viễn thông cần chú ý đến định giá và tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn 2024 – 2025. Đặc biệt là những cổ phiếu như FPT khi triển vọng và nhu cầu chuyển đổi số ở các thị trường nước ngoài là lớn và có thể đảm bảo tăng trưởng cho FPT trong giai đoạn 2024 - 2025 và xa hơn nữa. Ngoài ra, việc hợp tác và được mua chip của NVIDA cũng sẽ là yếu tố thuận lợi cho tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam trong phát triển thêm các mảng khác liên quan đến AI, trung tâm dữ liệu.
Cổ phiếu công nghệ và BĐS KCN 'khởi nghĩa', VN-Index lấy lại gần 9 điểm
Tăng hơn 12.000% trong 10 năm, một cổ phiếu công nghệ tiếp tục lập đỉnh mới
Cổ phiếu công nghệ 'bay cao', thị giá 7 gã khổng lồ Mỹ vượt 12 nghìn tỷ USD
- ‘Đói’ vốn, HBC bán công ty liên kết, phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ 19/06/2024 06:00
- ‘Dòng tiền luân chuyển nhanh chóng, nhà đầu tư không kịp trở tay’ 19/06/2024 07:45
- Bamboo Capital bán thành công 99,99% cổ phiếu phát hành 15/06/2024 02:30
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.