Thị trường

Công nghiệp Việt Nam và 3 ‘điểm nghẽn’ then chốt chưa được khắc phục

(VNF) - “Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên một số ‘điểm nghẽn’ then chốt của công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vẫn còn chưa được khắc phục”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nói.

Những điểm nghẽn then chốt

Sáng 4/11, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Công Thương và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng 2022.

Thông tin tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết trong những năm gần đây, công nghiệp – đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công nghiệp trở thành ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước cũng như ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.

“Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên một số điểm nghẽn then chốt của công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vẫn còn chưa được khắc phục”, ông Phạm Tuấn Anh nói.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ thông tin tại Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng 2022.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã chỉ ra các "điểm nghẽn" cụ thể.

Thứ nhất, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu. Mặc dù được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng trình độ đạt được của nền công nghiệp – đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay còn thấp so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao. Trình độ nguồn nhân lực và kỹ thuật sản xuất còn rất thấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Do đó, chưa hình thành được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong nước và đa số các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Thứ hai, công nghiệp Việt Nam phát triển mất cân đối nghiêm trọng, phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài.

Cụ thể, công nghiệp nặng là ngành tạo ra nền tảng vật chất xã hội, là động lực quan trọng nhất thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh và bền vững, chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế.

Công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp; đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.

“Tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong công nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp 100% vốn FDI đang đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam. Mối liên hệ, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, không tạo ra tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, dẫn đến tình trạng ‘một quốc gia, hai nền kinh tế’ (khu vực FDI và khu vực trong nước)”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thứ ba, phát triển công nghiệp chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế để hình thành các chuỗi giá trị công nghiệp. Hầu hết các địa phương hiện nay không có chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong phát triển công nghiệp, cạnh tranh xuống đáy thay vì hợp tác để thu hút đầu tư nên thường bị các nhà đầu tư lợi dụng để đàm phán có lợi cho mình. Phân bố khu công nghiệp và khu kinh tế không tạo động lực và điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm ngành công nghiệp, chuỗi giá trị và liên kết ngành.

Giải pháp nào phát triển công nghiệp?

Ông Phạm Tuấn Anh đã đưa ra những giải pháp phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để làm nền tảng, cơ sở cho các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành Luật về phát triển công nghiệp để tạo nền tảng pháp lý thống nhất, vững chắc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Công Thương cũng sẽ bố trí nguồn lực phù hợp, phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là chế tạo, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như vật liệu, cơ khí, chế biến, công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành Việt Nam có lợi thế sử dụng lao động và xuất khẩu như dệt may, da – giày, điện tử... Nâng cao vai trò, vị trí và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp tại địa phương đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Cùng với đó, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp thông qua điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế cũng như các công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Công nhân Công ty CP Trung Nam EMS (Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng) đang làm các công đoạn trong quy trình sản xuất máy tính bảng

Giải pháp tiếp theo được Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đưa ra là thúc đẩy phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp. Đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước. Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng của các Tập đoàn toàn cầu, xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để công nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên.

Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thúc đẩy khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp…

Tin mới lên