Công nhân đình công vô thời hạn và 'cơ hội duy nhất' của Samsung

Vy Ba - 12/07/2024 06:30 (GMT+7)

(VNF) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại thị trường lao động toàn cầu và gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung đang ở tuyến đầu.

Tuần vừa qua đáng lẽ phải là một tuần tốt lành đối với Samsung Electronics khi mọi sự chú ý đổ dồn vào các sản phẩm mới của hãng tại sự kiện ra mắt sản phẩm mùa hè thường niên vào ngày 10/7.

Nhưng thay vào đó, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã phải vật lộn với cuộc đình công kéo dài ba ngày với sự tham gia của khoảng 6.500 công đoàn viên thuộc Liên đoàn Công nhân Samsung Electronics (NSEU), chủ yếu từ bộ phận bán dẫn của công ty.

Các thành viên của NSEU tại một cuộc biểu tình ở Hwaseong, Hàn Quốc, ngày 8/7 (Ảnh: Hong Ki-won/Yonhap)

Cuộc đình công này không phải là vì trí tuệ nhân tạo (AI) lấy mất việc làm của các công nhân viên. Nhưng cuộc đình công có tổ chức lớn nhất trong lịch sử 55 năm của Samsung được cho là báo trước những gì các công ty trong và ngoài ngành công nghệ sẽ sớm phải đối mặt trên quy mô toàn cầu.

Khi công nghệ AI tạo ra ngày càng nhiều đe dọa làm đảo lộn toàn bộ các ngành công nghiệp và gây ra thêm bất ổn lao động, các công ty tạo ra sự hỗn loạn này có trách nhiệm to lớn trong việc hợp tác với các công đoàn và trao cho người lao động một vị trí tại bàn làm việc.

AI tác động tới thị trường việc làm

AI tác động đến thị trường việc làm như thế nào có thể sẽ mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ, để nhận thấy, nhưng đã có một số người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại Thung lũng Silicon, chính các công ty đang chạy đua để tạo ra AI gần đây đã cắt giảm hàng trăm nghìn việc làm cùng lúc với việc các nhà lãnh đạo công ty tăng gấp đôi khoản đầu tư hàng tỷ USD vào AI.

Ngoài lĩnh vực công nghệ, mối đe dọa của AI đối với sinh kế của người dân đã khiến hoạt động sản xuất phim ở Hollywood phải dừng lại vào năm ngoái khi các diễn viên và nhà biên kịch tiến hành cuộc đình công rầm rộ .

Ở một động thái nhận được nhiều sự hưởng ứng, cuối năm ngoái, công ty dẫn đầu ngành AI - Microsoft đã công bố rằng họ đang thành lập một liên minh lịch sử gồm 60 công đoàn để thảo luận về cách AI sẽ tác động đến người lao động.

Đây là một ví dụ hiếm hoi về một gã khổng lồ công nghệ thể hiện tầm nhìn xa và trách nhiệm về cách các sản phẩm mà họ tạo ra có thể tác động đến triển vọng việc làm của những người lao động.

Tại Samsung, những công nhân lắp ráp chip bình thường hiện cũng đang chứng kiến sự bùng nổ của AI khiến công ty của họ trở nên giàu có hơn và họ đang tìm kiếm một phương pháp rõ ràng hơn để liên kết các khoản thanh toán tiền thưởng với lợi nhuận hoạt động và một vài yêu cầu khác.

Công nhân tại tập đoàn công nghệ Samsung của Hàn Quốc bắt đầu cuộc tổng đình công kéo dài ba ngày để phản đối cơ chế tiền lương và phúc lợi. (Ảnh: Jung Yeon-Je / AFP/Getty Images)

Samsung đã công bố mức tăng lợi nhuận gấp 15 lần vào cuối tuần trước, được thúc đẩy bởi sự phục hồi nhu cầu về chip nhớ cho các trung tâm dữ liệu và phát triển AI. Những khoản thu nhập lạc quan này đến sau một năm khó khăn đối với bộ phận chip nhớ của công ty.

Cơ hội duy nhất của Samsung

Những cuộc đình công diễn ra vào thời điểm không thể quan trọng hơn đối với Samsung: Công ty từng dẫn đầu này đang tụt hậu so với đối thủ trong nước SK Hynix trong việc sản xuất chip nhớ băng thông cao có thể sử dụng cho AI.

Trong khi SK Hynix được hưởng lợi khi là nhà cung cấp chính các chất bán dẫn này cho công ty AI hàng đầu thế giới Nvidia, Samsung vẫn chưa có chip nhớ băng thông cao của riêng mình để vượt qua các cuộc kiểm tra chất lượng của Nvidia.

Cổ phiếu SK Hynix đã tăng hơn 60% kể từ đầu năm, trong khi cổ phiếu Samsung tăng khoảng 10%.

Một số đại diện công đoàn tại Samsung đã chỉ trích công ty vì không đáp ứng được nhu cầu về chip nhớ cao cấp. Những cảm giác bị “phản bội” này cũng nhấn mạnh mối quan hệ yêu-ghét mà nhiều người Hàn Quốc có với các chaebol (những gia tộc, tập đoàn kinh tế giàu có, quyền lực và có ảnh hưởng ở Hàn Quốc)

Trong nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, những người làm việc tại chaebol có xu hướng nhận được mức lương và phúc lợi cao hơn những người lao động khác. Nhiều người Hàn Quốc cũng rất yêu nước và tự hào về cách các công ty như Samsung và SK Hynix đã thành công trên toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ.

Ngay cả những người lao động công đoàn cũng không muốn đặt những người gắn bó chặt chẽ với sức mạnh kinh tế của quốc gia họ vào tình thế nguy hiểm.

Samsung cho biết đầu tuần qua rằng cuộc đình công không ảnh hưởng đến sản lượng chip và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gián đoạn kinh doanh.

Nhưng công đoàn đã tuyên bố đình công vô thời hạn sau khi cuộc đình công kéo dài 3 ngày “không nhận được sự phản hồi của công ty” và hình ảnh hàng nghìn công nhân tập hợp giữa thời tiết mưa gió mùa không mấy tốt đẹp đối với tập đoàn giàu có nhất đất nước.

Theo các nhà quan sát, các phong trào có tổ chức có xu hướng truyền cảm hứng cho nhau, và cuộc đình công của Samsung có thể thúc đẩy các hành động tương tự trên khắp lĩnh vực công nghệ ở Châu Á và xa hơn nữa.

Công ty hiện có cơ hội duy nhất để thể hiện vai trò quan trọng của mình, có thể bắt đầu bằng cách làm việc với chính nhân viên của mình khi công ty chạy đua để kiếm tiền từ sự bùng nổ của AI và trao cho công đoàn một vị trí xứng đáng tại bàn đàm phán.

Phát triển mối quan hệ này ngay bây giờ có thể giúp trao quyền cho lực lượng lao động và bắt kịp đối thủ cạnh tranh. Và khi AI tiếp tục định hình lại thị trường lao động toàn cầu, các công ty khác cũng sẽ cần phải làm như vậy.

Theo Channel News Asia.
Cơn sốt AI ‘thổi bùng’ lợi nhuận Samsung, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ

Cơn sốt AI ‘thổi bùng’ lợi nhuận Samsung, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ

Tài chính quốc tế
(VNF) - Samsung Electronics ước tính lợi nhuận hoạt động trong quý II tăng hơn 15 lần, nhờ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo kéo giá chip nhớ phục hồi.
Cùng chuyên mục
Tin khác