Tiêu điểm

Công ty Thái Sơn của Út ‘trọc’: Có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, chuyển nhượng thầu trái phép, trốn thuế

(VNF) - Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng, công ty mà Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) từng làm Phó tổng giám đốc, có nhiều sai phạm về giả mạo hồ sơ, chuyển nhượng thầu, trốn thuế...

Công ty Thái Sơn của Út ‘trọc’: Có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, chuyển nhượng thầu trái phép, trốn thuế

Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) từng làm Phó Tổng giám đốc tại Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn

Chiều ngày 11/4, Thanh tra Chính phủ đã thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn (gọi tắt là Công ty Thái Sơn) thuộc Bộ Quốc phòng.

Có dấu hiệu giả mạo hồ sơ

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty Thái Sơn cùng các đơn vị, cá nhân liên quan có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính trong việc xin vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu các dự án góp vốn, chuyển nhượng cổ phần và thực hiện các dự án đầu tư nhằm hợp pháp hoá thủ tục thu chi tiền mặt với giá trị trên 192 tỷ đồng, vi phạm các quy định pháp luật về kế toán; chiếm dụng vốn, sử dụng tiền sai mục đích hơn 695 tỷ đồng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước 26,8 tỷ đồng…

Kết quả kiểm tra hồ sơ, tài liệu hiện có của Công ty Thái Sơn cho thấy hầu hết các báo cáo tài chính từ khi thành lập năm 2009 đến năm 2017 được sử dụng để kê khai quyết toán thuế hằng năm với các cơ quan thuế nhưng không được kiểm toán.

Tuy nhiên, trong các hồ sơ xin vay vốn của Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng tại các chi nhánh của Ngân hàng BIDV (Thành Đô, Bà Chiểu…); hồ sơ tham gia liên danh nhà đầu tư các dự án BOT, BT (cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20 đoạn Km123 - Km268) và hồ sơ dự thầu một số gói thầu xây lắp cho thấy các báo cáo tài chính có đóng dấu, ký xác nhận của một số công ty kiểm toán như: FAC, HDT, VNASC, SG-VN, Đệ Nhất...

Qua xác minh, một số đơn vị tư vấn đã xác nhận không thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Công ty Thái Sơn.

Số liệu tại các báo cáo tài chính được cho là đã kiểm toán để xin vay vốn, dự thầu đều phản ánh Công ty Thái Sơn có đủ năng lực nhưng so với báo cáo tài chính để quyết toán thuế hàng năm có nhiều sai khác, không đúng thực tế, tình hình tài chính rất yếu kém, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu luôn âm, lỗ (năm 2015 lỗ 4,21 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 5,975 tỷ đồng; năm 2017 lỗ 628 triệu đồng).

Chuyển nhượng thầu trái quy định để hưởng lợi

Sau khi được lựa chọn là nhà thầu của nhiều gói thầu, dự án với giá trị lớn như cầu Việt trì, Quốc lộ 20... Công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng thầu trái quy định cho các doanh nghiệp khác để hưởng lợi.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đối với hai dự án cầu Việt Trì và Quốc lộ 20, các Ban quản lý dự án phê duyệt yêu cầu hồ sơ mời thầu, Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư không đúng quy định về vốn chủ sở hữu, dẫn đến đánh giá năng lực tài chính không chính xác.

Tuy nhiên Công ty Thái Sơn vẫn được Bộ Giao thông vận tải thẩm định, nhận xét, đánh giá đạt và quyết định lựa chọn là nhà đầu tư dự án trong liên danh. Ngay sau đó công ty ty này lại chuyển nhượng thầu.

"Nhà đầu tư đề xuất mức thu phí không đúng quy định nhưng vẫn được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận là vi phạm quy định", kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Mặc dù Công ty Thái Sơn thiếu năng lực cả về tài chính, máy móc, thiết bị, kinh nghiệm nhưng vẫn được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giao thầu xây lắp gói thầu số 23 thuộc dự án Quốc lộ 20. Sau đó, công ty này đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho các doanh nghiệp khác, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Tính giá trị quyền thu phí trạm Bảo Lộc đưa vào tổng vốn đầu tư không đúng giá trị trên 284,7 tỷ đồng; lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu thanh toán các gói thầu còn nhiều sai sót, vi phạm nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. 

“Công ty Thái Sơn không đủ năng lực nhưng vẫn tham gia dự thầu các gói thầu xây lắp tại các dự án và được lựa chọn bằng hình thức chỉ định hoặc trúng thầu, sau đó, chuyển nhượng thầu không đúng quy định hầu hết khối lượng công việc cho các nhà thầu khác thi công để hưởng lợi... Việc làm trên là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về đấu thầu, thuế và quản lý đầu tư xây dựng” kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Hạch toán thiếu doanh thu để trốn thuế

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hồ sơ, sổ sách kế toán cho thấy tổng doanh thu từ các dự án là 1.214,6 tỷ đồng, tổng chi phí phục vụ cho các dự án là 1.079,5 tỷ đồng, chênh lệch 135 tỷ đồng không được Công ty Thái Sơn hạch toán, phản ánh trên tài sản doanh thu và nộp thế theo quy định.

Như vậy, Công ty Thái Sơn đã hạch toán thiếu doanh thu trên 135 tỷ đồng, có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước tạm tính là 31 tỷ đồng.

Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra của Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm vừa nêu trên của Công ty Thái Sơn.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với các vi phạm trong việc góp, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm đã nêu tại kết luận thanh tra; chấn chỉnh công tác quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm (nếu có) đối với các dự án khác có liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ và Công ty Thái Sơn.

Tin mới lên