Bất động sản

Covid-19 ‘thổi bay’ 23 tỷ USD từ các hãng vận tải biển

(VNF) - Sea-Intelligence - một công ty phân tích chuyên ngành trong lĩnh vực hàng hải đánh giá: “Trong kịch bản xấu nhất, việc cắt giảm các chuyến tàu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến thiệt hại 23 tỷ USD cho các hãng vận tải”.

Covid-19 ‘thổi bay’ 23 tỷ USD từ các hãng vận tải biển

Thiệt hại gấp đôi so với khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2009

Công ty Sea-Intelligence phân tích: Hiện tại, nhiều tuyến dịch vụ đã bị ảnh hưởng bởi việc hủy chuyến trong khoảng thời gian từ nay cho đến cuối tháng 6/2020, mặc dù phần lớn các chuyến hủy này có lịch khai thác trong 5-6 tuần tới.

“Ngoài ra, số lượng tàu được rút khỏi tuyến Á-Âu trong 4 tuần qua đã được ghi nhận ở mức lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, tương đương 29-34%, và tổng số chuyến bị hủy bỏ lên tới 212 chuyến”, Công ty Sea-Intelligence lo lắng.

Còn theo Alphaliner -Tổ chức nghiên cứu hàng hải hàng đầu thế giới đánh giá: “Trong Quý 2/2020, sẽ có hơn 250 chuyến sẽ bị huỷ và số lượng tàu phải nằm lay-up tại tất cả các phân khúc có thể tăng lên mức gấp đôi so với năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009”.

“Thị trường đóng mới vốn dĩ đã ảm đạm ngay trước khi đại dịch diễn ra, và đến thời điểm này gần như ngừng trệ với số lượng hợp đồng trong Quý 1 giảm 55% so với cùng kỳ 2019, chỉ còn 6,6 triệu DWT cho cả 3 phân khúc tàu hàng khô, tàu dầu và tàu container, trong đó tàu hàng khô giảm 77%, tàu chở dầu sản phẩm giảm 17,8% và tàu container chỉ đạt 48,519 TEU”.

“Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã tạo nên một cuộc khủng hoảng về vỏ container chưa từng thấy trong ngành hàng hải thế giới, với số lượng vỏ container không được sử dụng theo dự kiến của Alphaliner lên tới con số kỷ lục: 3 triệu TEU”.

Alphaliner cũng nhận định: Thị trường phá dỡ tàu biển cũng là một trong những phân khúc chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thị trường vận tải biển phong tỏa ở hàng loạt các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt tại khu vực Ấn Độ và Bangladesh, rất nhiều tàu phá dỡ phải nằm chờ do không thể tiến hành thủ tục cập cảng giao tàu do toàn bộ cảng ở đây đã ngừng hoạt động theo yêu cầu của Chính phủ.

“Nhiều giao dịch mua bán đã buộc phải hủy bỏ khi cả người bán và người mua đều không thể giải quyết được vướng mắc về vấn đề giao tàu. Trong tuần vừa qua, toàn bộ thị trường giao dịch mua bán tàu đã phải tạm thời đóng cửa và ngừng giao dịch”, Alphaliner cho biết.

“Tia hy vọng” từ thị trường Trung Quốc

Trong bối cảnh các cảng biển tại một số quốc gia bị phong toả thì mới đây một số cảng container của Vũ Hán của Trung Quốc đã trở lại hoạt động bình thường, các hạn chế di chuyển dần được dỡ bỏ.

Công ty TNHH container quốc tế Vũ Hán - đơn vị quản lý cảng Vũ Hán Yangluo cho biết, “ngày 31/3/2020, đã có 05 tàu đã cập cảng và 519 TEU hàng hóa đã được thông qua gồm 300TEU hàng nhập khẩu và 219TEU hang xuất khẩu. Ngày 29/3/2020, cơ quan phòng chống dịch bệnh và kiểm soát dịch bệnh ở quận Tân Châu của Vũ Hán đã cho phép Công ty Container Quốc tế Vũ Hán bắt đầu hoạt động trở lại”.

Theo thống kê của Lloyd’s List Intelligence, mặc dù hàng loạt hãng tàu đã thông báo huỷ bỏ chuyến trên các tuyến vận tải chính, song số sản lượng container thông qua các cảng trung chuyển lớn ở Thượng Hải và Dương Sơn trong vài tuần qua vẫn đang ở mức tương đương, thậm chí cao hơn một chút so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã được đẩy mạnh trở lại.

Theo đề xuất mới đây của hãng tàu MSC, các dịch vụ đường biển ngắn ở châu Âu có thể đáp ứng mọi nhu cầu thương mại trong và ngoài nước, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn còn và thách thức môi trường vận chuyển.

“Đây là sự thay thế đáng tin cậy cho phương thức vận tải đường bộ qua biên giới khi mà các biện pháp mạnh được thực thi nhằm ngăn ngừa sự lây nhiễm tại châu Âu đang gây gián đoạn, làm chậm quá trình giao dịch và giao thông nội bộ của khu vực này”, đại diện hãng tàu MSC cho biết.

Cũng theo MSC, s”ự kết hợp giữa các dịch vụ vận tải đường biển ngắn với các phương thức vận chuyển trên đất liền, sẽ cho phép hàng hoá được vận chuyển đến điểm đích một cách an toàn, đặc biệt đối với hàng khô và hàng lạnh”.

Hàng hải trong nước “ngấm đòn”

Trước suy thoái chung vì đại dịch Covid-19 lan rộng, ngành hàng hải trong nước, đặc biệt là vận tải biển bị ảnh hưởng nặng nề. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiếp tục giảm mạnh kéo theo giá cước sụt giảm mạnh, nhiều tàu đang cho thuê định hạn đều bị yêu cầu giảm giá hoặc xin trả tàu trước hạn. Trong khi đó, nhiều lô hàng vận chuyển đi tới các cảng thuộc các quốc gia không cho phép tàu từ vùng dịch phải huỷ bỏ.

Tại một số cảng, việc xếp dỡ hàng bị tạm dừng hoặc bị chậm trễ vì công nhân tại đây nghỉ do dịch bệnh. Một số hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam đã có thông báo huỷ chuyến đến và đi từ Việt Nam bắt đầu từ tháng 4/2020 như ONE, Happag Lloyd, Zim Lines.

Lãnh đạo Cục hàng hải Việt Nam cho biết: Hoạt động cảng biển trong Quý I/2020, tuy chưa chịu tác động nhiều từ đại dịch, song theo dự báo của các cảng, sản lượng và doanh thu trong Quý II/2020 tới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

“Ví dụ đối với cảng Hà Tĩnh, hàng hóa quá cảnh từ Lào về Việt Nam bị ách tắc khiến sản lượng hàng thông qua cảng biển Hà Tĩnh dự báo sẽ giảm mạnh trong Quý 2/2020, trong đó chỉ có 60 lượt tàu đăng ký cập cảng Vũng Áng tương đương 66% so với Quý 1, dự kiến hàng hóa thông qua chỉ đạt 710.000 tấn, bằng 56% so với Quý I/2020”.

“Hoạt động logistics trong nước cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiều nhà máy trong nước tạm dừng hoạt động theo chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến sản lượng vận tải sụt giảm 30% so với tuần trước. Dự báo Quý 2 ảnh hưởng từ dịch bệnh sẽ còn nặng nề hơn khi các thị trường xuất khẩu chính của VN là Mỹ và EU đang trong tình trạng khủng hoảng vì dịch bệnh”.

Tin mới lên