Tài chính quốc tế

Củ hành tây làm chính phủ Ấn Độ phải 'bật khóc'

(VNF) - Dù chỉ là một loại cây trồng “cơ bản” nhưng cà chua hay hành tây lại có thể gây ra nhiều bất ổn chính trị, thậm chí khiến chính phủ Ấn Độ phải “khóc”.

Củ hành tây làm chính phủ Ấn Độ phải 'bật khóc'

Giá hành tây tăng cao là vấn đề "đau đầu" của nhiều chính phủ.

Giá hành khiến các chính phủ lao đao

Mới đây, Ấn Độ đã quyết định áp thuế 40% đối với xuất khẩu hành tây, động thái mới nhất trong nỗ lực kiểm soát giá thực phẩm đang bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết thất thường.

Quyết định này sẽ có hiệu lực đến ngày 31/12/2023. Một quan chức phụ trách vấn đề tiêu dùng cho biết chính phủ Ấn Độ cũng đã bắt đầu mở kho dự trữ hành tây tại một số khu vực nhằm điều chỉnh giá bán trong tầm kiểm soát, ít nhất là cho đến khi vụ mùa mới bắt đầu vào tháng 10 tới.

Việc áp thuế xuất khẩu 40% đối với hành tây sẽ giúp giữ lại số lượng hành tây đủ để cung cấp cho người dân Ấn Độ. Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hành tây tại quốc gia này đã tăng tới hơn 60% do nhu cầu hành tây tại các quốc gia như Bangladesh, Malaysia, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Sri Lanka tăng đột biến.

Các thương nhân cũng nhận thấy quyết định hạn chế xuất khẩu hành tây, loại thực phẩm chính trong nhiều món ăn của Ấn Độ, cho thấy chính phủ nước này đang vô cùng nỗ lực để hạn chế lạm phát giá thực phẩm, nhất là khi cuộc bầu cử cấp bang diễn ra vào cuối năm nay và cuộc tổng tuyển cử trong năm tới.

Giá hành tăng vọt tại nhiều quốc gia.

Không riêng Ấn Độ, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang đau đầu trước cơn bão giá của nhiều loại thực phẩm, rau củ.

Thời tiết xấu đã ảnh hưởng nặng nề đến người trồng trọt ở Maroc. Tại một khu chợ ở quận Ocean, các thương lái cho biết giá rau cao ngất ngưởng ngay cả khi chính phủ ban hành lệnh cấm xuất hành tây và cà chua sang một số quốc gia khác.

Một người bán rau tại đây cho biết: “Tôi từng bán hàng suốt hơn 23 năm qua và đây là lần đầu tiên khách hàng của tôi chỉ mua từng quả cà chua, từng củ hành hay chỉ một củ khoai tây. Có vẻ như lạm phát giá cả đã đến giới hạn cao nhất của nó rồi”.

Tại Philippines, không chỉ thiếu hành, người dân nơi đây còn phải chịu cảnh thiếu muối, thiếu đường trong vài tháng qua. Giá cả của nhiều mặt hàng thực phẩm trở nên cao đến khó tin, thậm chí rau củ còn đắt hơn cả thịt. Vụ việc các tiếp viên hàng không bị bắt quả tang buôn lậu hành khiến nhiều người ngỡ ngàng và nhận ra tính nghiêm trọng của sự thiếu hụt hành củ tại quốc gia này.

Tại Kazakhstan, giá hành tăng vọt đã khiến các nhà chức trách phải mở kho dự trữ và kêu gọi người dân không mua hành theo bao. Có những thời điểm người dân phải chạy khắp các siêu thị để mua hành tích trữ khi loại thực phẩm này ngày càng khan hiếm.

Khi hành tây cũng có thể trở thành “quân cờ chính trị”

Hành tây là loại thực phẩm được sử dụng chủ yếu hầu hết trên thế giới và là loại rau củ được tiêu thụ nhiều nhất chỉ sau cà chua. Khoảng 106 triệu tấn hành tây được sản xuất mỗi năm, gần bằng số lượng cà rốt, củ cải, ớt và tỏi cộng lại.

Chúng được sử dụng trong nhiều món ăn, từ hương liệu cơ bản cho món cà ri và súp cho đến lớp phủ chiên trên xúc xích ở Mỹ.

Ông Tim Benton, giám đốc nghiên cứu về các rủi ro mới nổi tại Chatham House ở Anh, cho biết hiện tại nhiều chính phủ sẵn sàng trợ cấp người dân trong lĩnh vực trồng lúa mì hoặc sản xuất bột mì nhưng sự hỗ trợ dành cho những người trồng rau củ lại đang rất hạn chế.

Giá hành có thể gây bất ổn chính trị.

“Kết quả là thế giới sản xuất ngũ cốc giàu tinh bột, đường và dầu thực vật nhiều hơn so với nhu cầu dinh dưỡng cần đến, nhưng lại chỉ sản xuất được khoảng 1/3 rau củ cần thiết”, ông nói. Và điều này có thể dẫn đến những bất ổn, không chỉ là lạm phát giá cả mà còn ảnh hưởng đến tình hình chính trị ở nhiều quốc gia.

Giống như lúa mì, hành tây cũng có thể gây ra bất ổn xã hội, trang Bloomberg nhận định. Ở Ấn Độ, giá hành tây quá cao là nguyên nhân khiến đảng Bharatiya Janata không giành được thắng lợi vào năm 1998. Hai thập kỷ sau, thủ tướng Narendra Modi cũng đang dành sự ưu tiên hàng đầu để tìm ra cách giảm giá hành tây trong chiến dịch tái tranh cử của mình.

Lạm phát thực phẩm đã tăng lên 11,51% trong tháng 7, từ mức 4,55% trong tháng 6 – tỷ lệ lạm phát thực phẩm cao nhất kể từ năm 2020. Số tiền dành cho thực phẩm đã chiếm một phần đáng kể trong các khoản chi tiêu hộ gia đình ở Ấn Độ.

Một doanh nhân tại bang Maharashtra ở phía tây Ấn Độ cho biết: “Ấn Độ là nơi mà giá hành tây có thể đánh gục chính phủ. Nó không chỉ đơn thuần là một loại thực phẩm mà là một loại hàng nhạy cảm về mặt chính trị. Hành tây có thể khiến chính phủ phải khóc”.

Tin mới lên