Tài chính quốc tế

Cuộc chiến bán dẫn Mỹ-Trung: Lợi bất cập hại với Hàn Quốc

Mặc dù các công ty Hàn Quốc có thể hưởng lợi từ việc thoát khỏi sự "săn đón" của thị trường Trung Quốc, nhưng về lâu dài họ sẽ khó tránh khỏi tình trạng rò rỉ công nghệ và xuất khẩu sụt giảm.

Cuộc chiến bán dẫn Mỹ-Trung: Lợi bất cập hại với Hàn Quốc

Cuộc chiến bán dẫn Mỹ-Trung: Lợi bất cập hại với Hàn Quốc. Ảnh: Korea Bizwire

Trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa của Mỹ nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc lần lượt trở thành hiện thực, Hàn Quốc đang phân tích và đánh giá về những tác động của việc này đối với ngành công nghiệp bán dẫn, vốn là thế mạnh của nền kinh tế đất nước.

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù các công ty Hàn Quốc có thể hưởng lợi từ việc thoát khỏi sự "săn đón" của thị trường Trung Quốc, nhưng về lâu dài họ sẽ khó tránh khỏi tình trạng rò rỉ công nghệ và xuất khẩu sụt giảm mạnh nếu Hàn Quốc ngày càng mất kết nối với Trung Quốc.

Nguồn tin nội bộ ngành ngày 19/12 cho biết, giai đoạn tăng tốc phong tỏa của Mỹ đối với Trung Quốc đã chính thức bắt đầu. Từ ngày 16/12 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với 36 công ty Trung Quốc, bao gồm công ty bán dẫn nhà nước Trung Quốc là Yangtze Memory Technology (YMTC). Hai tháng trước, Mỹ đã đưa 28 công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính vào danh sách cấm xuất khẩu thiết bị.

Song song với đó, các nguồn tin cho hay Liên minh sản xuất chất bán dẫn do Mỹ dẫn đầu, còn được gọi là "Chip 4", sẽ tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc. Hãng tin Bloomberg ngày 13/12 cho hay Nhật Bản và Hà Lan đang có kế hoạch cấm xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn quy trình dưới 14 nanomet (nm) sang Trung Quốc. Theo đó, ngày 17/12, nhà sản xuất iPhone Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) đã quyết định bán toàn bộ cổ phần trị giá 1.000 tỷ won của mình trong Tsinghua Uni, một công ty bán dẫn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp vòng vây siết chặt, Trung Quốc đang tăng cường củng cố và xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình. Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay chi các gói hỗ trợ lớn cho phát triển công nghệ. Tin tức cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị một gói ngân sách trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 187.000 tỷ won) để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn của nước này.

Cùng với chính phủ, các địa phương của Trung Quốc cũng có chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp. Đầu tháng 12, chính quyền tỉnh Liêu Ninh đã công bố kế hoạch trợ cấp cho các dự án phát triển công nghệ của địa phương với quy mô lên tới 100 triệu nhân dân tệ cho mỗi dự án.

Trong khi đó, giới phân tích Hàn Quốc đang gia tăng lo ngại rằng xung đột Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp Hàn Quốc trong tương lai. Phân tích chỉ ra rằng trong thời điểm hiện tại, cho dù Hàn Quốc có thể tận dụng cơ hội để gia tăng thị phần so với doanh nghiệp Trung Quốc nhưng sau 10 năm, mọi thông tin liên quan đến quá trình phát triển và bí mật công nghệ của Trung Quốc có thể hoàn toàn bị phong tỏa và mất nguồn kiểm chứng.

Cùng với đó, việc xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc của Hàn Quốc chiếm tới 40% tổng giá trị xuất khẩu của nước này vẫn là vấn đề lo ngại lớn. Nếu việc mất kết nối với thị trường Trung Quốc gia tăng, chỗ đứng cho các công ty Hàn Quốc ngày càng bị thu hẹp.

Khi Mỹ điều chỉnh mạnh mẽ việc kiểm soát chất bán dẫn công nghệ cao, Trung Quốc đã thúc đẩy ngành này tập trung vào phát triển quy trình sản xuất chất bán dẫn 28 nm.

Tại Trung Quốc, một bầu không khí tự tin cũng gia tăng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng tự cung cấp chất bán dẫn của nước này. Một nhà phân tích cấp cao của Sealand Securities cho biết trong "Báo cáo kinh tế thế kỷ XXI" được công bố mới đây trên phương tiện truyền thông Trung Quốc rằng việc nhanh chóng nội địa hóa chính là cơ hội cho lĩnh vực sản xuất thiết bị và thúc đẩy sản xuất hàng loạt ở Trung Quốc. Trong quá trình này, nhiều công ty đã mở rộng quy mô và gia tăng lợi nhuận đáng kể.

Trong khi đó, ở một khía cạnh tích cực hơn, ông Ryu Seong-won, người đứng đầu nhóm chính sách công nghiệp tại Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, cho biết Hàn Quốc phụ thuộc vào Mỹ đối với hầu hết các công nghệ cơ bản. Chính vì thế, đây là cơ hội để Hàn Quốc vươn lên về công nghệ trước Trung Quốc.

Tin mới lên