Cuộc ‘đại di cư’ của loạt ông lớn địa ốc Hưng Thịnh, Him Lam, Văn Phú, Ecopark… vào TP. Bảo Lộc

Lệ Chi - 26/08/2020 13:42 (GMT+7)

(VNF) - Những vùng đất cao nguyên có khí hậu trong lành mát mẻ, tiềm năng về du lịch và hạ tầng đồng bộ như TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang trở thành một bến đỗ mới cho các ông lớn địa ốc. Nhìn vào danh sách nhà đầu tư ở địa phương này có thể thấy những cái tên lớn như Tập đoàn Hưng Thịnh, Him Lam, Ecopark, Văn Phú - Invest…

VNF
Cuộc ‘đại di cư’ của loạt ông lớn địa ốc Hưng Thịnh, Him Lam, Văn Phú, Ecopark…vào TP. Bảo Lộc

Theo UBND TP. Bảo Lộc, đến nay, những dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố đang có nhiều nhà phát triển bất động sản tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư vào các lĩnh vực du lịch sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng và những dịch vụ đi kèm khác.

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest có tham vọng lớn khi “nhắm” đến 3 dự án tại TP. Bảo Lộc. Cụ thể, dự án sân bay Lộc Phát với quy mô diện tích khoảng 100ha; dự án khu đô thị, dịch vụ giải trí Hồ Nam Phương 2 có diện tích khoảng 84ha; phố shophouse đi bộ, dịch vụ thương mại, chợ đêm (chợ Bảo Lộc cũ).

Hay một tập đoàn có thị phần bán nhà ở rất lớn tại TP. HCM trong hơn 2 thập niên qua là Him Lam, cũng đánh giá Bảo Lộc có nhiều tiềm năng, thế mạnh và là một trong những “vùng đất hứa” để tập đoàn nghiên cứu xúc tiến đầu tư vào một số dự án.

Him Lam hiện đang xúc tiến triển khai các dự dự án khu dân cư phường B’Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình) và các tuyến đường kết nối giao thông trục Bắc - Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp đang hướng tới nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án khu đô thị du lịch “Thiên đường mắc ca” có tổng diện tích hơn 187ha nằm khu vực phía nam TP. Bảo Lộc thuộc các phường B’Lao, Lộc Sơn, Lộc Nga và xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm).

Một đại gia dẫn dắt thị trường bất động sản xanh tại phía Bắc là Tập đoàn Ecopark cũng đang tìm hiểu đầu tư các dự án trọng điểm tại TP. Bảo Lộc. Đại diện tập đoàn này đánh giá cao những điều kiện thuận lợi mà thiên nhiên ban tặng cho Bảo Lộc, cũng như ý tưởng quy hoạch xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố sinh thái, dịch vụ trong thời gian tới của lãnh đạo địa phương.

Theo đó, Ecopark hướng đến 2 dự án đầu tư tại địa phương này án là khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và khu đô thị, dịch vụ giải trí - nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2.

Tương tự, một đại gia khác có đại bản doanh trú đóng tại Sài Gòn là Tập đoàn Hưng Thịnh, cũng dạt về Bảo Lộc để mở rộng thị phần khi các quỹ đất dự án ở TP. HCM phải mất nhiều thời gian chuẩn bị pháp lý. Hưng Thịnh nghiên cứu đầu tư dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi Sapung với diện tích khoảng 432,3ha, tổng mức đầu tư khoảng hơn 4.692 tỷ đồng.

Theo đại diện lãnh đạo TP. Bảo Lộc, hiện thành phố đang có 48 dự án kêu gọi, thu hút đầu tư, hướng đến việc định hình Bảo Lộc trở thành một trung tâm về du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng…

Lý do nhà đầu tư chọn Bảo Lộc để phát triển địa ốc

Theo đồ án quy hoạch chung phát triển TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, Bảo Lộc sẽ trở thành đô thị trung tâm phía Nam Lâm Đồng, đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020, phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, xứng tầm là đô thị cấp vùng, một thành phố tỉnh lỵ trong tương lai.

Thác Dam B’ri nổi tiếng ở Bảo Lộc.

Lâm Đồng có 2 thành phố, nếu Đà Lạt là điểm du lịch nổi tiếng của cả nước thì Bảo Lộc là thủ phủ của trà và tơ lụa – mang trong mình tiềm năng của một thành phố trọng điểm Nam Tây Nguyên. Bảo Lộc cũng là địa danh nổi tiếng với những điểm du lịch sinh thái như thác Dam B’ri, tu viện Bát Nhã, tuyệt tình cốc, chùa Linh Quy Pháp Ấn, khu du lịch Madagui…

Song song với đó là hạ tầng, TP. Bảo Lộc nằm trên hai trục Quốc lộ 20 và Quốc lộ 55, nếu tính từ trung tâm thành phố thì Bảo Lộc cách trung tâm TP. HCM hơn 3 giờ di chuyển về hướng Tây Nam theo tuyến Quốc lộ 20, cách trung tâm TP. Đà Lạt 2 giờ di chuyển về hướng Bắc theo tuyến Quốc lộ 20, cách Phan Thiết hơn 2 giờ di chuyển theo Quốc lộ 55.

Vị trí Bảo Lộc thuận lợi kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước thông qua tuyến Quốc lộ 20, Quốc lộ 55 và sắp tới là tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng mức đầu tư lên đến 65.000 tỷ đồng. Thông qua tuyến cao tốc mới này, thời gian di chuyển từ Bảo Lộc đến TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ được rút ngắn gần một nửa.

Có thể thấy, hệ thống hạ tầng, giao thông thuận lợi có ý nghĩa quan trọng trong quyết định đầu tư, nhất là đầu tư bất động sản.

Ngoài hạ tầng, nhờ điều kiện khí hậu trong lành mát mẽ, hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên, Bảo Lộc có lợi thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thu hút lượng lớn du khách.

Các chuyên gia nhận định làn sóng dịch chuyển về thị trường tỉnh diễn ra những năm gần đây là do thị trường bất động sản ở thành phố lớn đang ngày càng khan hiếm về quỹ đất, chịu áp lực lớn về giao thông và hạ tầng. Bên cạnh đó, không khí ô nhiễm liên tục, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến nhiều nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.