Tài chính quốc tế

Cuộc đua chục tỷ USD: Nga 'sảy chân', đối thủ đáng gờm mới khiến Mỹ dè chừng

(VNF) - Cuộc đua lên Mặt trăng giữa các cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga đang có những chuyển biến mới sau cú “sảy chân” của Nga.

Ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào cuộc đua tiến vào không gian và khám phá Mặt trăng. Đến thời điểm hiện tại, cuộc chạy đua thiết lập căn cứ trên bề mặt Mặt trăng rốt cuộc lại trở thành cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường trên thế giới. Thế nhưng, thay vì cạnh tranh với Moscow như những năm 1960, Washington lần này lại phải đối đầu với đối thủ mới, chính là Bắc Kinh.

Nga đang thụt lùi trong cuộc đua lên Mặt trăng trước Mỹ và Trung Quốc.

Vào tháng trước, việc tàu vũ trụ Luna-25 của Nga thất bại trong lúc thực hiện sứ mệnh lên Mặt trăng đã đánh dấu một bước thụt lùi của Moscow trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Chưa kể, chiến dịch đặc biệt Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã khiến các kế hoạch không gian của Nga càng thêm khó khăn.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng đã xáo trộn các mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực không gian của Nga. Một số công ty và cơ quan châu Âu đã ngừng hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos. Dự án ExoMars giữa Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Roscosmos bị hủy bỏ vào năm ngoái sau nhiều năm lên kế hoạch.

Trong lúc đó, thành tựu công nghệ trong lĩnh vực không gian của Trung Quốc đã vượt qua Nga. Trung Quốc đã tích cực đẩy mạnh các chương trình không gian kể từ khi Mỹ cấm nước này hợp tác với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia vào năm 2011 vì lý do an ninh.

Sau những thành công gần đây, Trung Quốc bắt đầu sứ mệnh xây dựng căn cứ lâu dài trên Mặt trăng vào khoảng cuối thập kỷ này. Đây cũng là tham vọng đã tiêu tốn hàng chục tỷ USD của Mỹ và Nga.

Một tên lửa của Trung Quốc cất cánh vào hồi tháng 5.

Vào năm 2021, một chiếc xe thám hiểm của Trung Quốc đã hạ cánh thành công trên sao Hỏa ngay trong lần thử đầu tiên. Liên Xô cũng đã từng hạ cánh thành công một chiếc xe thám hiểm vào năm 1971 sau nhiều lần thất bại nhưng thiết bị này gần như hỏng ngay lập tức sau đó.

Khi Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, Mỹ đã kịp thành lập Hiệp định Artemis vào năm 2020 với sự tham gia của 27 quốc gia khác. Hiệp định này giống như một khuôn khổ không ràng buộc đưa ra các nguyên tắc chung cho hợp tác quốc tế hòa bình trong không gian.

Bước đi này của Mỹ đã làm Trung Quốc bức xúc. Các nhà phê bình Trung Quốc đã phản đối Hiệp định Atermis và cho rằng Mỹ đang cố cản trở Trung Quốc trong lĩnh vực không gian. Theo họ, Mỹ vừa chỉ muốn đặt ra các quy tắc có lợi cho chính họ trong cuộc chiến này vừa ngăn cản Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ tiên tiến.

Bất chấp những trở ngại này, Trung Quốc đã tự mình tiến lên phía trước. Trung Quốc tự xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình sau khi bị cấm gửi phi hành gia của mình tới ISS kể từ năm 2011.

Vị trí mà tàu vũ trụ của các quốc gia khi đổ bộ lên Mặt trăng.

Vào năm 2019, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên thành công trong việc hạ cánh tàu thăm dò ở phía xa của Mặt trăng. Đây là tiền đề cho quốc gia châu Á này mở đường cho nhiều sứ mệnh khác như lấy mẫu vật, tìm kiếm nước ở cực Nam Mặt trăng và đưa các phi hành gia lên Mặt trăng.

Theo một tài liệu của Văn phòng Liên hợp quốc về các vấn đề ngoài vũ trụ, Trung Quốc tham vọng sẽ xây dựng một căn cứ trên Mặt trăng, do “nhiều quốc gia cùng xây dựng”.

Tham vọng này bao gồm việc khai thác các nguồn năng lượng tiềm năng có trên Mặt trăng, hệ thống vận chuyển đến và đi từ Trái đất, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc và điều hướng cũng như các cơ sở nghiên cứu.

Trung Quốc tham vọng xây dựng căn cứ trên Mặt trăng.

Trung Quốc đã thu hút được nhiều quốc gia cùng tham gia vào tham vọng của mình. Nước này thành lập Tổ chức hợp tác nghiên cứu không gian châu Á - Thái Bình Dương (APSCO) cùng với các nước Mông Cổ, Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Venezuela nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và trao đổi công nghệ vũ trụ.

Bà Namrata Goswami, đồng tác giả cuốn sách “Scramble for the Skies: The Great Power Competition to Control the Resources of Outer Space” (tạm dịch: Tranh giành bầu trời: Cuộc cạnh tranh quyền lực lớn để kiểm soát tài nguyên ngoài không gian) cho biết: “Mối quan hệ không gian giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên băng giá hơn”.

Tin mới lên