Ngân hàng

Cuối năm, cảnh giác thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền tinh vi

(VNF) - Hai thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền phổ biến dịp cuối năm được các ngân hàng cảnh báo là mạo danh nhân viên ngân hàng và giả mạo mã QR.

Cuối năm, cảnh giác thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền tinh vi

Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, trong năm 2023, số lượng các vụ lừa đảo công nghệ cao tăng gần 70% so với năm trước với nhiều chiêu bài trên không gian mạng và qua các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin mất sạch tiền.

Trong đó, 2 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền phổ biến dịp cuối năm là mạo danh nhân viên ngân hàng và giả mạo mã QR.

Mạo danh nhân viên ngân hàng

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cảnh báo, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có tội phạm giả danh nhân viên ngân hàng. Nhưng càng gần đến tháng cận Tết, tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, khi thấy lãi suất ngân hàng xuống thấp, một số đối tượng đã giả danh nhân viên ngân hàng đăng lãi suất cao để chào mời gửi tiết kiệm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, đã tiếp nhận đơn trình báo của một công dân trên địa bàn về một thủ đoạn lừa đảo mới.

Theo trình báo, các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng đăng lãi suất cao hơn các ngân hàng thương mại để chào mời người gửi tiết kiệm.

Để lấy lòng tin thể hiện mình là nhân viên tư vấn khách hàng của ngân hàng, đối tượng lừa đảo gửi cho người dân một mã code và thông báo chỉ khi nhập mã code đó người gửi mới được lãi suất cao. Khi người dân nhập mã code sẽ ra tên đầy đủ nhân viên ngân hàng, khiến người dân tưởng lầm đó là nhân viên tư vấn của ngân hàng thật.

Sau khi mở tài khoản thành công, các đối tượng sẽ yêu cầu người gửi nâng cấp lên tài khoản VIP để được cộng lãi suất cao. Từ đó, nạn nhân sẽ bị các đối tượng dẫn dắt vào "ma trận" lừa đảo mà các đối tượng đã bày ra trước đó. Chúng gửi link giống giao diện của app ngân hàng người dân vừa cài đặt, nhưng đó là link giả tạo ra để lừa đảo.

Cùng với đó, thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng bằng giọng nói được tạo ra nhờ Trí tuệ Nhân tạo (AI) cũng diễn ra phổ biến.

Các ngân hàng đã đồng loạt đưa ra cảnh báo đối với khách hàng về thủ đoạn lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng.

Mới đây, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) gửi tới khách hàng cảnh báo về việc kẻ gian sử dụng giọng nói AI gọi điện cho khách hàng và tự xưng là nhân viên ngân hàng để giới thiệu các dự án và dịch vụ bất chính, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Không riêng ABBank, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng vừa khuyến cáo khách hàng về việc kẻ gian giả mạo là nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin mời chào mở thẻ tín dụng online và sử dụng các dịch vụ thẻ, mời chào kết bạn qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để trao đổi trực tiếp, gửi và hối thúc khách hàng click vào đường link giả mạo hoặc QR Code dẫn tới website giả mạo.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng lên tiếng khuyến cáo tình trạng giả mạo nhân viên của ngân hàng, công ty tài chính… mời vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động để nhận tiền giải ngân kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng giả mạo con dấu và giả mạo chữ ký của người có thẩm quyền của ngân hàng hoặc công ty tài chính.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) cho biết, hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác đã ghi nhận nhiều phản ánh về tình trạng mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo thường gọi điện hoặc nhắn tin cho khách hàng, tự xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo khách hàng có khoản nợ chưa thanh toán, thẻ tín dụng bị khóa, hoặc mời chào mở thẻ tín dụng, thẻ phi vật lý online với lãi suất ưu đãi... nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Để tránh bị lừa đảo, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không thao tác theo hướng dẫn do các số điện thoại lạ gọi đến, kể cả tự xưng là cán bộ ngân hàng hay các cơ quan khác khi chưa xác minh được đó có phải là thông tin chính xác hay không.

Đồng thời, khách hàng cũng cần lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản như tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP... của dịch vụ ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

"Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới bất kỳ hình thức nào", ABBank khẳng định trong cảnh báo gửi đến khách hàng.

Giả mạo mã QR



Mã QR hiện là một trong những hình thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam. Thay vì nhập tên ngân hàng, số tài khoản như trước, người dùng chỉ cần quét là thông tin được tự động điền. Việc liên kết giữa các đơn vị cũng giúp thanh toán QR trở nên đơn giản, khi ứng dụng của ngân hàng này có thể quét QR của bên khác.

Với tiện ích và mức độ phổ biến của mã QR, công nghệ này đang bị khai thác bởi các nhóm tội phạm mạng bằng cách tạo ra mã QR độc hại để lừa lấy tài khoản ngân hàng hoặc thông tin cá nhân người dùng.

Tại nhiều cửa hàng, mã QR thường được in và đóng khung đặt trên quầy. Một số còn sao thành nhiều bản, dán tại các khu vực trong cửa hàng. Đây cũng là kẽ hở khiến kẻ gian dán đè, "tráo" địa chỉ nhận tiền.

Kẻ gian lợi dụng sơ hở để dán đè hoặc đặt biển có mã QR Code của tài khoản giả mạo tại điểm thanh toán mã QR của cửa hàng, nhà hàng hoặc điểm thanh toán khác để lừa đảo khách hàng. Khi khách hàng thanh toán, kẻ gian sẽ chiếm đoạt số tiền được chuyển đến tài khoản giả mạo đó.

Với thủ đoạn này, ngân hàng khuyến cáo khách hàng luôn đối chiếu lại thông tin số tài khoản, tên chủ tài khoản với chủ cửa hàng sau khi quét QR thanh toán. Điều này nhằm đảm bảo tiền được chuyển đến đúng tài khoản của chủ cửa hàng hoặc điểm thanh toán.

Bên cạnh đó, các chủ cửa hàng cũng cần thường xuyên kiểm tra các mã QR chuyển tiền đặt tại cửa hàng, điểm thanh toán để kịp thời phát hiện và gỡ bỏ các mã QR giả mạo.

Trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ, thủ đoạn lừa đảo sẽ ngày một tinh vi và phức tạp hơn, nhất là trong những dịp lễ, tết, cuối năm như thời điểm này. Do đó, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, trang bị cho mình các kiến thức về an toàn thông tin để bảo vệ tài sản của mình. Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo từ bất cứ trang web nào, người dân có thể phản ánh về địa chỉ: https://canhbao.khonggianmang.gov.vn.

Tin mới lên