Tiêu điểm

Cựu Chủ tịch và cựu Tổng giám đốc HoSE tiếp tay cho Trịnh Văn Quyết thế nào?

(VNF) - Ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) và ông Lê Hải Trà, cựu Tổng giám đốc HoSE giúp sức để ông Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu lên sàn, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án Thao túng chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Đồng ý giúp Trịnh Văn Quyết vì có mối quan hệ

Nội dung mới của bản kết luận lần này là cơ quan điều tra đề nghị truy tố 4 cựu lãnh đạo của HoSE gồm: ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT; Lê Hải Trà, cựu Tổng giám đốc, cựu ủy viên HĐQT, thành viên độc lập hội đồng niêm yết; Trầm Tuấn Vũ, nguyên Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch hội đồng niêm yết; Lê Thị Tuyết Hằng, Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết.

Cả 4 bị can nêu trên bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, riêng bà Hằng được tại ngoại.

Ngoài ra, 3 người khác bị đề nghị tội Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán là Lê Công Điền, Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Phạm Minh Trung, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Theo kết luận, Công ty cổ phần Xây dựng Faros thuộc hệ sinh thái FLC, tiền thân là một công ty thua lỗ do ông Quyết chỉ đạo cấp dưới đứng tên mua lại, nhiều lần đổi tên. Sau nhiều năm gần như không hoạt động, tháng 4/2014, công ty bắt đầu nhận thầu thi công các dự án bất động sản do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Dù vốn thực góp ban đầu chỉ gần 1.200 tỷ đồng nhưng với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, từ tháng 4/2014 đến 9/2016, ông Quyết chỉ đạo em gái cùng một số người khác là lãnh đạo Công ty Faros 5 lần nộp hồ sơ góp vốn khống hơn 3.100 tỷ đồng.

Nhờ kế hoạch này, vốn điều lệ của Faros tăng từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ. Lúc này, ông Quyết tiếp tục đưa ra kế hoạch biến Faros thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE.

Kế hoạch của ông Quyết đã được các ông Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà cùng một số cán bộ khác tại HoSE và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam "giúp sức".

Ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HoSE.

Theo kết luận, HoSE hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, Bộ Tài chính là đại diện chủ sở hữu. HoSE có chức năng tổ chức niêm yết, giao dịch chứng khoán, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về thị trường chứng khoán.

Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị niêm yết cổ phiếu của Faros, ông Sinh với vai trò là Chủ tịch HĐQT HoSE biết báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014 và 2015 của doanh nghiệp này không phù hợp. Báo cáo vi phạm lưu ý lớn rằng "không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp".

Tuy nhiên, do mối quan hệ cá nhân và nhiều lần được Trịnh Văn Quyết cùng Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) nhờ giúp đỡ nên ông Sinh đã hỗ trợ để Faros được niêm yết, kết luận nêu. Ông Sinh bị cáo buộc nhiều lần trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là Trà, Vũ, Hằng tạo điều kiện sớm niêm yết cổ phiếu cho Faros. 

Ông Sinh sau đó cùng các thành viên HĐQT chấp thuận niêm yết và ký ban hành nghị quyết với nội dung: "Hồ sơ của Faros đủ các điều kiện niêm yết". Từ sự chỉ đạo xuyên suốt của ông Sinh, mã cổ phiếu của Faros đã được chấp thuận niêm yết, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đối với ông Lê Hải Trà, được xác định là người có trình độ, kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về chứng khoán. Ông Trà có nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu, thẩm định hồ sơ niêm yết để đưa ra ý kiến độc lập là chấp thuận hay không về việc đăng ký niêm yết trên HoSE.

Ông Lê Hải Trà, cựu Tổng giám đốc HoSE.

Ông Trà bị cáo buộc biết rõ báo cáo kiểm toán về tài chính của Faros có vi phạm bởi "chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp".

Cụ thể, quá trình thẩm định, ông Trà đã 2 lần hội ý với các thành viên hội đồng niêm yết và đều thống nhất Faros chưa đủ điều kiện, yêu cầu công ty phải giải trình.

Ngày 22/8/2016, hội đồng niêm yết mới nhận được báo cáo giải trình của công ty, dù chưa có thời gian nghiên cứu nhưng trong cuộc họp trưa cùng ngày, ông Trà và các thành viên của hội đồng đã đồng ý với báo cáo này, kết luận nêu.

Trong cuộc họp ngày hôm sau, ông Trà và các thành viên khác tiếp tục đồng ý chấp thuận niêm yết đối với cổ phiếu của Faros.

Tại cơ quan điều tra, ông Trà thừa nhận hành vi và khai nguyên nhân phạm tội là "do có mối quan hệ nên muốn giúp đỡ Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương".

"Việc chấp thuận niêm yết giúp cho Faros có điều kiện thu hút vốn của các nhà đầu tư trên thị trường và HoSE có doanh thu từ thu phí niêm yết, phí giao dịch chứng khoán, thông qua đó nâng cao uy tín bản thân", ông Trà khai.

Vụ trưởng biết sai vẫn làm

Cũng theo kết luận, ông Lê Công Điền với vai trò là Vụ trưởng Giám sát Công ty đại chúng, khi thẩm định hồ sơ của Faros đã phát hiện không đủ cơ sở xác định vốn góp. Thế nhưng ông này không kiểm tra mà ký văn bản chấp thuận hồ sơ đăng ký rồi công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Faros được niêm yết thành công với vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, ông Điền khai nhận thấy Faros là công ty lớn, ông Trịnh Văn Quyết lại "có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các cấp, sở hữu một công ty chuyên tư vấn pháp luật". 

Khi thẩm định hồ sơ, ông Điền yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng nhưng 2 lần bị công ty khiếu nại cho rằng vụ trưởng "làm vượt thẩm quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp". Do lo sợ bị ảnh hưởng đến công việc của bản thân nên ông Điền "biết sai vẫn làm".

Ngoài các bị can trên, cơ quan điều tra xác định trong vụ án này còn có sự thiếu trách nhiệm của ông Vũ Bằng, cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Lê Thị Thu Hằng, vụ phó và Nguyễn Thị Thúy, chuyên viên Vụ Giám sát công ty đại chúng; Trần Văn Dũng, cựu tổng giám đốc HoSE...

Tuy nhiên cơ quan điều tra chưa có căn cứ xử lý hình sự nên có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về hành chính đối với những người này.

Tin mới lên