Thị trường

Đà Nẵng kêu gọi ‘đại bàng’ vào các KCN mới, đặt mục tiêu thu hút dự án trăm triệu USD

(VNF) - UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp (KCN) mới của thành phố gồm: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh với tổng diện tích khoảng 880 ha, mục tiêu thu hút các dự án có quy mô vốn từ hàng chục triệu đến trăm triệu USD.

Đà Nẵng kêu gọi ‘đại bàng’ vào các KCN mới, đặt mục tiêu thu hút dự án trăm triệu USD

Khu công nghiệp Hòa Cầm.

Ba KCN mới chờ “đại bàng”

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng vốn đầu tư đăng ký vào các KCN đạt khoảng 10.000 tỷ đồng từ các dự án trong nước và 800 triệu USD từ các dự án FDI. Trong đó, tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư các dự án trên 1ha đất công nghiệp của KCN thêm khoảng 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Cụ thể, KCN Hòa Nhơn (đặt tại xã Hòa Nhơn và xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) có quy mô hơn 360ha với nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng cao cấp...; mục tiêu thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 60 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu USD/ha.

KCN Hòa Cầm – giai đoạn 2 (đặt tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) quy mô hơn 120ha; với nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng. Mục tiêu đặt ra đối với KCN này là thu hút ít nhất 1 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 50 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu USD/ha.

KCN Hòa Ninh (đặt tại tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) có quy mô 400ha; ưu tiên thu hút nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm... Mục tiêu đối với KCN này là thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 100 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 5 triệu USD/ha.

Thu hút các dự án có chọn lọc

Đề án cũng định hướng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chính, tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, hiệu quả đầu tư cao, nộp ngân sách lớn.

Thành phố cũng ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường…, thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và năng lực kinh nghiệm, sử dụng công nghệ cao.

Các đối tác thành phố tìm kiếm, xúc tiến đầu tư là các nhà đầu tư phát triển kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN có khả năng kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đầu tư những dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có số thu ngân sách lớn.

Các tập đoàn, tổng công ty, công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, các nhà đầu tư đến từ các nước có nền kinh tế phát triển, các nước sở hữu công nghệ thuộc nhóm G7 bao gồm: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh; các nước có nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Nga, Brazil... cũng sẽ được thành phố tập trung thu hút, xúc tiến đầu tư.

Với những mục tiêu và định hướng đề ra tại đề án, Đà Nẵng kỳ vọng đến năm 2030, các ngành công nghiệp - xây dựng sẽ đóng góp khoảng 31-32% trong cơ cấu GRDP của thành phố. Trong đó, cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% GRDP, trở thành một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Lũy kế đến hết tháng 5/2023, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các KCN Đà Nẵng đã thu hút 516 dự án, trong đó có 391 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng và 125 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.889 triệu USD.

Các dự án đầu tư trong các KCN đã góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng tích cực, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như chất lượng nguồn nhân lực thành phố, góp phần giải quyết gần 80.000 việc làm, hàng năm đóng góp bình quân khoảng 21% nguồn thu ngân sách thành phố, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp trong giai đoạn 2015-2020 khoảng 7,9%.

 

Tin mới lên