Đại án liên quan Vũ nhôm: Gần 4.200 tỷ đồng chưa thể thi hành án

Khánh Hồng - 10/12/2023 13:47 (GMT+7)

(VNF) - Thi hành án các vụ án lớn như Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), Sân vận động Chi Lăng gặp khó do số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản chưa xử lý được do vướng mắc về cơ sở pháp lý, chủ trương…

Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo tình hình, kết quả năm 2023 phục vụ Kỳ họp HĐND của thành phố sắp tới.

Theo Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng, công tác thi hành án dân sự năm 2023 đạt kết quả thấp, không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, một số vụ có giá trị lớn, khó thi hành.

Cụ thể, vụ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và các cựu lãnh đạo TP. Đà Nẵng, theo bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và bản án của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, liên đới bồi thường thiệt hại cho UBND TP. Đà Nẵng để sung quỹ Nhà nước số tiền hơn 4.192 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án.

Vụ Phạm Công Danh - Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có giá trị phải thi hành 3.946 tỷ đồng thi hành theo bản án của Tòa án nhân dân TP. HCM và bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM. Hiện nay, còn nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng.

Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước hoang tàn vì liên quan đến Phan Văn Anh Vũ. 

Vụ Nguyễn Thị Bích Thuận, Hồ Thị Cẩm Uyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 100 người có giá trị phải thi hành gần 95 tỷ đồng, thi hành theo bản án của Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng và bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

Ngoài ra còn vụ Công ty Đầu tư và Phát triển Hàn Quốc phải trả cho Ngân hàng TMCP Đông Nam số tiền hơn 769 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án; vụ Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ lắp máy miền Nam phải trả cho Agribank hơn 385 tỷ đồng.

Sân vận động Chi Lăng liên quan đến Phạm Công Danh. 

Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân khiến các vụ án trên khó thi hành án là số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản chưa xử lý được do vướng mắc về cơ sở pháp lý, liên quan chủ trương chính sách của Nhà nước, của địa phương, vướng mắc về hiện trạng tài sản, dẫn đến chưa thể xử lý tài sản đảm bảo. Như vụ Phạm Công Danh là xử lý sân vận động Chi Lăng; vụ Trần Văn Minh và đồng phạm phải xử lý 28 tài sản là bất động sản.

Bên cạnh đó, nhiều đương sự lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để cố tình kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.

Ngoài ra, biên chế ngày càng giảm, trong khi đó chỉ tiêu được giao năm sau cao hơn năm trước, thụ mới tăng đột biến khối lượng công việc nhiều và ngày càng phức tạp, nhất là tổ chức thi hành các vụ án kinh tế, tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn, gây áp lực lớn đối với đội ngũ Chấp hành viên, công chức thi hành án.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.