Đại biểu Quốc hội băn khoăn vì 'nợ công giảm nhưng nợ Chính phủ tăng'
Phương Thảo -
23/10/2018 22:50 (GMT+7)
(VNF) - Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, nợ Chính phủ tăng dẫn đến khoản tiền trả nợ gốc hàng năm tăng lên và đây là điều "đáng lo ngại"
Thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2021, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến rất đáng chú ý.
Đề cập đến 12 chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra, các ĐBQH Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang), Tô Văn Tám (Kon Tum), Trương Trọng Nghĩa, Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lưu ý, dù kết quả rấy đáng mừng nhưng trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại thế giới, thiên tai trong nước tác động thì chúng ta không được chủ quan.
“Những con số Chính phủ báo cáo cho chúng tôi sự lạc quan”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhận xét. Theo ông, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2018 tăng cao nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008, đây là số liệu vượt trội trong 10 năm qua, điều đó cho chúng ta ước dự báo 2018 tăng trưởng kinh tế sẽ vượt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, ông Ngân cũng băn khoăn về việc nợ công giảm nhưng nợ Chính phủ gia tăng. Nợ Chính phủ tăng dẫn đến khoản tiền trả nợ gốc hàng năm tăng lên và đây là điều "đáng lo ngại".
ĐB Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng cần có chính sách đột phá, phải giải quyết được bài toán ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh trong nền nông nghiệp. Đồng thời phải giải quyết được vấn đề giao thông, bởi kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam là điểm thấp nhất trong đánh giá về năng lực cạnh tranh.
“Chính phủ nên có chính sách mạnh mẽ hơn nữa giải bài toán về giao thông, đặc biệt là cao tốc Bắc – Nam, cũng như vấn đề giao thông đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, có như vậy mới giải quyết được bài toán về nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí logistics, từ đó tăng chi phí thu mua nông, sản phẩm, giảm chi phí lưu thông hàng hóa”, đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý.
Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lặp đi, lặp lại nhiều lần nhưng sự hỗ trợ dẫn dắt của chính quyền còn hạn chế, bà con phải tự bơi nên khó khăn. Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ. Theo ông, mỗi địa phương cần có một sản phẩm chủ lực để xuất khẩu.
Theo đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh), 9 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp thành lập mới lớn, 96,6 nghìn, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2017, nhưng số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể, ngưng hoạt động là 84,7 nghìn doanh nghiệp, lớn hơn rất nhiều con số 58 nghìn doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể của năm 2017, lớn hơn tới 46%.
"Khuynh hướng mở ra nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp tư nhân là tốt nhưng số doanh nghiệp ngưng, chờ ngưng và không hoạt động so với năm trước tăng rất cao. Chính phủ cần tạo ra một môi trường thật tốt để hình thành nên các công ty tư nhân, tập đoàn tư nhân lớn, làm chủ lực cho nền kinh tế. Đây là vấn đề quan ngại cần đặt ra", ông Quốc nêu vấn đề.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cần lưu ý hiện tượng một số doanh nghiệp thành lập ra để mua bán hóa đơn, nợ thuế xuất nhập khẩu rồi giải thể, sau đó lại thành lập doanh nghiệp mới. Chính phủ cần khảo sát thêm hiện tượng này.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) băn khoăn với chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh. Theo ông hiện vẫn còn tình trạng Trung ương quyết tâm, nhưng xuống đến địa phương còn hạn chế.
“Quốc hội đã chất vấn tư lệnh ngành, nhưng trên thực tế, khúc mắc phát sinh rất nhiều ở cơ sở”, ĐB Cường nhận xét và cho rằng cần có giải pháp để xác định và xử lý đồng bộ trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong việc này.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone