Tiêu điểm

Đại biểu Quốc hội: 'Dùng một phần đầu tư công để hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh'

(VNF) - Theo đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường, Chính phủ cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang, hạn chế khởi công mới, đồng thời dành một phần đầu tư công để đặt hàng và hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh.

Đại biểu Quốc hội: 'Dùng một phần đầu tư công để hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh'

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV chiều 27/10.

Phát biểu thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến năm 2023, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là 6,5% trên nền 8% trong năm 2022. "Dù vẫn là mục tiêu cao nhưng tạo động lực để cả hệ thống chính trị nỗ lực, phấn đấu", đại biểu nói.

Theo đại biểu, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, thị trường nội địa sắp cán mốc 100 triệu dân vào năm 2023, đây là bệ đỡ rất quan trọng cho doanh nghiệp ngay cả khi thế giới có những biến động mạnh, phức tạp.

Do vậy, ngay từ bây giờ, cần tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp tập trung phát triển thị trường nội địa. Đồng thời tận dụng các thế mạnh từ các Hiệp định thương mại để mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Đại biểu cũng cho biết thêm, sau 2 năm đại dịch COVID-19, nợ của các doanh nghiệp đang là thách thức rất lớn, tuy nhiên nợ công của Việt Nam đang ở mức thấp, khoảng 43-44%, với trần nợ công 60%.

Sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ từ các chính sách tài khoá kết thúc, doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ các khoản nợ được giãn, hoãn trong thời gian qua, cộng vào đó là các khoản nợ đến hạn phải trả.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, nếu rơi vào khủng hoảng sẽ đẩy doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Do đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, ngay từ bây giờ cần phải chuẩn bị các phương án để hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị các kịch bản ứng phó trong trường hợp xấu nhất là khủng hoảng kinh tế.

Đồng tình với mục tiêu thu ngân sách năm 2023 không nên đặt quá cao so với năm trước, tuy nhiên đại biểu băn khoăn với chỉ tiêu, kế hoạch bội chi, cân đối ngân sách năm 2023, chúng ta chỉ đặt ở mức 2,89%, thấp hơn mức 3,75% của năm 2022. Đại biểu cho rằng đây là điều khó khả thi và yếu tố làm hạn hẹp chính sách tài khoá.

"Kiểm soát bội chi thấp là mục tiêu dài hạn, nhưng trong bối cảnh cần sử dụng chính sách tài khoá ngược thì việc tăng bội chi để có nguồn lực phát triển là giải pháp cần phải tính đến", đại biểu nhấn mạnh.

"Chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023 hơn 38% so với năm 2022. Trong bối cảnh giải ngân đầu tư công khó và khủng hoảng kinh tế thì đầu tư thường phải hướng vào khu vực sản xuất cuối cùng", đại biểu nói thêm.

Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang, đồng thời hạn chế khởi công mới, dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong đó có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, vận tải biển, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

"Chúng ta không thể cứ đi vay tiền để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ rồi để lại hậu quả không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và mãi chỉ phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đại biểu cho rằng nếu Chính phủ ưu tiên đặt hàng và dành thị phần cho nhà đầu tư trong nước thì với việc kết hợp thành tựu công nghiệp 4.0, các nhà đầu tư sẽ mua lại các công nghệ của người nước ngoài xây dựng cho mình được một nên công nghiệp đường sắt độc lập và hiện đại.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng cần đặt hàng để hình thành nên các tổ hợp đầu tư phát triển công nghiệp hậu cần vận tải biển. Đây là yếu tố để tăng cường thêm sức mạnh tiềm lực quốc phòng để tăng chủ quyền, an ninh biển đảo.

Ngoài ra, hạ tầng công nghệ số cũng cần được quan tâm để kiểm soát, đảm bảo an toàn trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Theo đại biểu, nếu được đầu tư đặt hàng và bảo hộ Chính phủ, đội ngũ kỹ sư công nghệ Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để sản xuất ra các sản phẩm công nghệ phục vụ cho công tác quản trị công và dành lại thị phần dịch vụ thương mại điện tử đang nằm trong các doanh nghiệp nước ngoài.

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, khủng hoảng kinh tế sẽ đặt ra khó khăn đối với những doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nặng, công nghiệp sản xuất thiết bị nhưng lại là cơ hội với những người có tiền muốn thôn tính tái cấu trúc lại những doanh nghiệp này. "Trên thế giới, các cường quốc kinh tế lớn đều phải dựa vào các trụ cột là các tập đoàn kinh tế mạnh. Trong khó khăn, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã ra đời nhờ vào đặt hàng của Chính phủ", đại biểu nói.

Để giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần nhất quán quan điểm không hình sự hoá các quan hệ kinh tế.

Tin mới lên