Xe

Đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai luật

(VNF) - Đa số đại biểu Quốc hội không tán thành việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.

Đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai luật

Đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai luật

Sáng 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung của “hai luật” được tách từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành là: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.

Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành 2 luật hay không, có 110 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong khi đó, có 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,79% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.

Kết quả xin ý kiến có 86 phiếu chọn phương án chuyển, tương đương 7,88% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chọn phương án không chuyển là 321 phiếu, tương đương 66,74% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nội dung thứ 3 được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khoá XV).

Kết quả có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này, tương đương 52,18% tổng số đại biểu Quốc hội. Có 153 đại biểu chọn phương án thông qua tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV (tháng 3-2021). 

Liên quan tới việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng nên giữ ổn định nhiệm vụ quản lý nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe dân sự do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện như hiện nay.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã phân định rõ trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe dân sự do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Trách nhiệm đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý và trách nhiệm đào tạo, sát hạch lái xe cho lực lượng công an do Bộ Công an quản lý”.

“Dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông chuyển hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân sự sang Bộ Công an quản lý là không phù hợp nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước”, ông Quyền nêu rõ.

Đồng thời, ông Quyền cũng cho rằng việc chuyển đổi nhiệm vụ giữa hai bộ với nhau cũng tạo ra nhiều bất cập. Cụ thể là làm giảm đi vai trò kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

“Với mô hình hiện nay, ngành Giao thông vận tải quản lý (tổ chức thực hiện và tạo cơ chế để mọi người dân có thể giám sát); ngành Công an kiểm tra, giám sát. Nếu có trường hợp sai phạm, tiêu cực thì công an xử lý. Tổ chức quản lý như vậy đảm bảo nguyên tắc việc giám sát giữa các ngành, tránh hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” dễ phát sinh tiêu cực”, ông Quyền cho hay.

"Trong trường hợp ngành công an quản lý công tác này thì cơ quan nào có chức năng kiểm tra, giám sát việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe?", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đặt câu hỏi.

Một bất cập khác được ông Quyền chỉ ra đó là tác động đến tổ chức bộ máy ngành giao thông vậ tải và sẽ phát sinh lãng phí, đồng thời cũng làm tăng chi phí ngân sách.  

Xem thêm: Tách Luật Giao thông đường bộ ra làm hai luật: Đại biểu Quốc hội nói gì?

Tin mới lên