Công nghệ

'Đại gia' viễn thông VNPT kinh doanh ra sao trong năm 2023?

(VNF) - Năm ngoái (2022), tổng doanh thu của VNPT đạt 55.209 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 97,5% kế hoạch; lợi nhuận đạt 6.629 tỷ đồng, bằng 104,6% kế hoạch.

Dịch vụ cáp quang - điểm sáng của VNPT

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023. Theo đó, trong năm 2023, tổng doanh thu của VNPT đạt 54.856 tỷ đồng, bằng 102,14% so với cùng kỳ, đạt 98,2% kế hoạch. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 4.468 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch, bằng 100,7% so với cùng kỳ.

Trong số này, lợi nhuận công ty mẹ là 2.824 tỷ đồng, đạt 101,4% kế hoạch, bằng 100,1% so với cùng kỳ. VNPT cũng nộp ngân sách nhà nước 3.849 tỷ đồng trong năm 2023, đạt 112,7% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 6%.

Theo đại diện VNPT, trong năm 2023, tình hình tài chính của Tập đoàn luôn lành mạnh, dòng tiền được quản lý và sử dụng hiệu quả đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản của Tập đoàn và các đơn vị, không để phát sinh các khoản nợ phải trả quá hạn, vốn của Tập đoàn được bảo toàn và phát triển. 

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, trong bối cảnh thị trường đầy khó khăn, các dịch vụ cốt lõi như di động, băng rộng, MyTV là những dịch vụ phải đối mặt với nhiều thách thức nhất, song VNPT vẫn giữ vững được thị phần. Trong đó, dịch vụ băng rộng và dịch vụ truyền hình chiếm vị trí số 1 về thị phần.

Theo phân tích của ông Liêm, hiện dịch vụ di động chỉ chiếm 34,6% doanh thu của VNPT. Trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyền thống đang suy giảm thì việc giữ được doanh thu không giảm là thành công. Tuy nhiên, điểm sáng năm nay của VNPT là dịch vụ cáp quang - chiếm doanh thu lên 29,5% và dịch vụ MyTV - chiếm 14,5% tổng doanh thu. Đây cũng là năm đầu tiên doanh thu băng rộng và truyền hình của VNPT vượt qua doanh thu của dịch vụ di động. Dịch vụ số của VNPT năm 2023 cũng tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn giới hạn và chưa chiếm doanh thu nhiều của VNPT.

Trong năm qua, VNPT cũng đã chính thức khai trương trung tâm dữ liệu (IDC) thứ 8 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là IDC có quy mô lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với tổng diện tích sử dụng 23.000m2 sàn, có quy mô đến 2.000 tủ racks.

Phải thành lập ngay đơn vị phát triển AI

Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2024 của VNPT, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng VNPT cần lập kế hoạch để phủ sóng toàn quốc ngay trong năm 2024 và sử dụng 5G SA (sử dụng công nghệ 5G không cần đi qua giai đoạn trung gian 4,5G). 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà mạng muốn phát triển bền vững thì mỗi năm phải đầu tư từ 15 – 20% doanh thu cho mạng lưới. Bởi, "nếu không đầu tư là chết".

“VNPT từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp khác. Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. VNPT làm 5G và các ứng dụng công nghiệp 5G cũng chính là góp phần tăng năng suất lao động trong quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng VNPT phải làm chủ công nghệ AI, cung cấp nó như một dịch vụ và phát triển, bởi AI là công nghệ chính và quan trọng thứ nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2024 là năm phát triển AI, nhất là diện hẹp tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, cung cấp AI chuyên biệt, tập trung và do người dùng tạo ra.

“VNPT phải thành lập ngay một đơn vị về phát triển AI, đưa AI vào mọi lĩnh vực hoạt động của tập đoàn, đưa AI vào điều hành, vào khai thác mạng lưới, vào phát triển mọi sản phẩm dịch vụ của tập đoàn và đặc biệt là dùng AI để sáng tạo các sản phẩm mới, nhất là B2B. Không những vậy, VNPT phải nắm chắc công nghệ AI để có thể nhận và giải quyết những bài toán lớn quốc gia”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng và không chỉ có như vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 – 50 năm tới. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số. Công nghiệp chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chất bán dẫn.

"Việt Nam với 100 triệu dân là một thị trường lớn lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hóa nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho công việc bán dẫn và công nghiệp điện tử. VNPT nếu muốn phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, công nghiệp viễn thông thì phải có tầm nhìn lớn hơn và một quyết tâm lớn hơn", ông Hùng nhấn mạnh.

Năm ngoái (2022), tổng doanh thu của VNPT đạt 55.209 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 97,5% kế hoạch; lợi nhuận đạt 6.629 tỷ đồng, bằng 104,6% kế hoạch. Doanh nghiệp này ngân sách nhà nước đạt 5.228 tỷ đồng, bằng 103,5% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 9,35%.

Năm trước nữa (2021), tổng doanh thu của Tập đoàn VNPT đạt 56.605 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 45.842 tỷ đồng. Lợi nhuận Tập đoàn đạt 7.103 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 5.371 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước 5.408 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 10%.

Tin mới lên