Tài chính

‘Đánh thuế tài sản để tăng thu ngân sách chỉ là mục tiêu thứ yếu’

(VNF) – Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, mục tiêu tăng thu ngân sách của thuế tài sản chỉ là thứ yếu. Đồng thời cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu loại thuế này theo hướng tạo công bằng xã hội.

‘Đánh thuế tài sản để tăng thu ngân sách chỉ là mục tiêu thứ yếu’

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Báo cáo với các đại biểu quốc hội sáng nay (26/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, về thuế tài sản, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội và thêm cơ sở để quản lý xã hội cũng như định hướng thị trường, đảm bảo công khai minh bạch tài sản phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng.

“Mục tiêu về tăng thêm cho ngân sách là một mục tiêu thứ yếu. Với phương án nghiên cứu ban đầu trình có nhiều ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh trong thời gian tới”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Về Luật Thuế giá trị gia tăng, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và các cơ quan, Bộ sẽ giữ mức thuế phổ thông là 10%, không nâng mức thuế giá trị gia tăng này lên 11% đến 12% như dự thảo ban đầu. Đồng thời, kết cấu lại hàng hóa dịch vụ chịu thuế 0%, 5% và không chịu thuế, đảm bảo công bằng, đặc biệt hạn chế chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế, làm mất tính trung lập của thuế.

Về thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ sẽ nghiên cứu theo hướng mở rộng các đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng trong tình hình mới.

Về vấn đề bội chi ngân sách nhà nước và nợ công, Bộ trưởng cho biết số bội chi tuyệt đối năm 2016 và 2017 đều giảm so với dự toán. Năm 2016 đã giảm 5.505 tỷ đồng, năm 2017 đã giảm 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá trị GDP thực tế không đạt kế hoạch, thực tế là 4.502.700 tỷ đồng, trên kế hoạch là 5.130.000 tỷ đồng, nên tỷ lệ bội chi năm 2016 vẫn tăng so với dự toán, thực tế là 5,52% GDP và dự toán là 4,95% GDP.

“Trong những năm tới sẽ phấn đấu giảm dần mức bội chi để đạt mục tiêu đến năm 2020, bội chi ngân sách không quá 3,5% GDP và bình quân cả giai đoạn là 3,9% GDP theo nghị quyết Quốc hội và nghị quyết của Bộ Chính trị”, người đứng đầu ngành tài chính khẳng định.

Nợ công được quản lý chặt chẽ trong hai năm 2016 và 2017. Tốc độ gia tăng nợ công giảm gần một nửa, còn khoảng 9,6%/năm so với bình quân 18,1%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Nợ công giảm từ 63,6% cuối năm 2016 xuống còn 61,4% cuối năm 2017, giảm 2,2% so với GDP và nợ Chính phủ cũng giảm tương ứng, từ 52,6% GDP xuống còn 51,8% GDP.

Tin mới lên