Đâu là động lực tăng trưởng của Thủy sản Minh Phú (MPC)?

Việt Anh - 03/06/2021 17:33 (GMT+7)

(VNF) - Đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đến 62% trong năm 2021, động lực nào sẽ biến tham vọng của ban lãnh đạo Thủy sản Minh Phú (MPC) thành hiện thực, đặc biệt khi doanh nghiệp vừa trải qua kỳ kinh doanh quý I khá kém sắc?

VNF
Đâu là động lực tăng trưởng của Thủy sản Minh Phú (MPC)?

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2021, dự kiến tổ chức sáng 17/6 với một số nội dung đáng chú ý.

Theo đó, ban lãnh đạo MPC có tờ trình cổ đông về kế hoạch kinh doanh khá tích cực, với mục tiêu doanh thu đạt 15.774 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.092 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 62% so với thực hiện năm 2020. Nếu hoàn thành mục tiêu lợi nhuận này, MPC sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử.

Song song với đó, MPC kỳ vọng sản lượng xuất khẩu năm nay sẽ đạt 61.500 tấn, tăng trưởng 11,8%; giá trị xuất khẩu đạt 638 triệu USD, tăng trưởng 8,5% cùng kỳ.

Để hiện thực hóa kế hoạch này, MPC cho biết sẽ tiếp tục giữ vững vị thế doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu trong và ngoài nước. Ngoài chiến lược bám trụ các thị trường chính, doanh nghiệp dự kiến đa dạng hóa thị trường tiêu thụ tôm, tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường châu Âu (EU) nhằm tận dụng hiệp định EVFTA và UKVFTA.

Đồng thời, doanh nghiệp sẽ giảm xuất khẩu vào Mỹ (thị trường chính), cùng với đó là tăng cường hoạt động tại các thị trường Úc và New Zealand, Nhật Bản, Canada. MPC cũng sẽ nghiên cứu và mở rộng thêm các sản phẩm chế biến sâu.

Hiện doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy nhanh dự án đường ống dẫn nước biển nhằm điều tiết nước phục vụ nuôi tôm tại vùng nuôi Minh Phú Kiên Giang, dự kiến đưa vào hoạt động vào giữa năm 2021. Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị tôm với quy mô 10.000 ha tại Kiên Giang.

Về kế hoạch cổ tức, doanh nghiệp có tờ trình cổ đông với tỷ lệ 20%, bằng tiền mặt cho năm 2020, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, với gần 200 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền MPC chi trả cho cổ đông là khoảng 400 tỷ đồng.

Năm 2021, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận, MPC dự kiến tỷ lệ chia cổ tức vào khoảng 50-70%. Trong khuôn khổ phiên họp thường niên tới, ban lãnh đạo cũng có kế hoạch bán hơn 630.000 cổ phiếu quỹ cho người lao động theo chương trình ESOP, tỷ lệ chào bán là 0,32% với giá bán cố định là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tại báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), ngành tôm Việt Nam được dự báo khá tươi sáng. Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, nhập khẩu tôm năm 2020 của Mỹ (thị trường chính của MPC) vẫn đạt 747.000 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ.

PHS dự báo, nhu cầu tiêu thị tôm tại Mỹ năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt sau khi vắc-xin Covid-19 được tiêm chủng trên diện rộng tại khu vực này. Mặt khác, ngành tôm Ấn Độ (cạnh tranh với ngành tôm Việt Nam) đang gặp nhiều khó khăn, dịch Covid-19 đang dẫn đến những rối loạn về nguồn cung và giá cả.

Trong khi đó, Mỹ vừa đánh thuế 2% với tôm nước ấm Ấn Độ, đồng thời cáo buộc về lao động cưỡng bức, sử dụng kháng sinh cấm trong ngành tôm nước này. Hơn nữa, Ấn Độ còn đối mặt với các khó khăn như thiếu container lạnh, chi phí vận chuyển tăng gấp 3, đồng Rupee Ấn Độ mạnh lên so với USD... Những thuận lợi này cũng diễn ra tại khu vực châu Âu, kèm theo đó là sự thúc đẩy từ hiệp định EVFTA.

Sự cố kênh đào Suez khiến giá cước tàu biển tăng mạnh

Dẫu vậy, kết thúc quý I vừa qua, tình hình kinh doanh của MPC lại khá kém sắc. Trong khi doanh thu thuần gần như đi ngang với 2.809 tỷ đồng, thì lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn một nửa so với cùng kỳ, còn 26,6 tỷ đồng.

Mặc dù doanh nghiệp duy trì lợi nhuận gộp và tiết giảm chi phí lãi vay, tuy nhiên không đủ bù đắp cho sự phình to của chi phí bán hàng - nguyên nhân chính bào mòn lợi nhuận trong kỳ. Theo đó, trong quý I/2021, chi phí bán hàng của MPC neo ở mức 174,5 tỷ đồng, tăng 45 tỷ đồng, tức 35% so với cùng kỳ.

Được biết, đè nặng lên chi phí bán hàng của MPC là do sự gia tăng đột biến của giá cước tàu biển và phí thuê container. Đó cũng là những khó khăn chung mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp phải.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong quý đầu năm, các hãng tàu biển nước ngoài đã tăng cước vận chuyển lên 2-3 lần, thậm chí 6-7 lần ở một số chặng mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn không đặt được tàu và container để xuất khẩu.

Đồng thời, một số doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu thủy sản từ nước ngoài cũng khó có thể thể đặt được tàu đưa nguyên liệu về Việt Nam để chế biến hàng xuất khẩu. Nguyên nhân là bởi đại dịch diễn biến khó lường trên quy mô toàn cầu, buộc các nước, đặc biệt là châu Âu, Mỹ phải áp dụng biện pháp kiểm soát đi lại, kiểm soát chặt chẽ giao thương.

Nhiều báo cáo cho thấy, từ sau sự cố kênh đào Suez, đến cuối quý II, tình trạng thiếu container rỗng đang tỏ ra trầm trọng hơn và giá cước của các hãng tàu biển cũng tăng nhanh chóng.

Như vậy, nhiều khả năng ở quý tiếp theo, chi phí bán hàng của MPC sẽ khó giảm, qua đó tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận năm. Cũng cần lưu ý rằng, sau quý I, doanh nghiệp mới hoàn thành 2,47% chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.