Thị trường

Đầu tư BOT Cầu Cần Giờ hơn 11.000 tỷ, thu phí đắt nhất hơn 100 nghìn/lượt

(VNF) - Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa trình Hội đồng thẩm định TP. HCM báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, dự kiến khởi công vào năm 2025, hoàn thành năm 2028.

Đầu tư BOT Cầu Cần Giờ hơn 11.000 tỷ, thu phí đắt nhất hơn 100 nghìn/lượt

Dự án cầu Cần Giờ hơn 11.000 tỷ đồng trình Hội đồng thẩm định TP. HCM (ảnh minh họa)

Theo đề xuất, công trình cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ có tổng chiều dài dự kiến toàn tuyến khoảng 7 km, trong đó cầu Cần Giờ dài khoảng 3 km, còn lại là phần đường dẫn.

Điểm đầu dự án nằm trên đường 15B theo quy hoạch, cách rạch Mương Ngang khoảng 500 m về phía bắc; điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại lý trình Km2+100 trên đường Rừng Sác (cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,1 km về phía nam).

Dự án có quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp), vận tốc thiết kế 60 km/giờ. Sở GTVT dự kiến bố trí 1 trạm thu phí tự động tại khoảng Km4+400 trên địa bàn H.Cần Giờ.

Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án khoảng 11.087 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố (khoảng 5.246 tỷ đồng) và vốn BOT của nhà đầu tư (khoảng 5.323 tỷ đồng).

Dự án sẽ được phân chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, 2 dự án thành phần 1 và 2 là phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phía Nhà Bè và phía Cần Giờ sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước.

Dự án thành phần 3 là phần xây lắp với giá trị khoảng 8.341 tỷ đồng.

Sở Giao thông Vận tải dự kiến từ nay đến 2024 là thời gian chuẩn bị dự án; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ triển khai thực hiện từ năm 2024 - 2025.

Sau đó, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dự án vào năm 2025, hoàn thành năm 2028. Thời gian thu phí bắt đầu từ 2028 - 2051.

Dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Thời gian thu phí 23 năm 6 tháng (từ năm 2028 đến 2051).

Mức giá thu dịch vụ khởi điểm từ 40.000 đồng (xe loại 1), 54.000 đồng (xe loại 2), 67.000 (xe loại 3), 108.000 đồng (xe loại 4) và 154.000 đồng xe (xe loại 5). Do chiều dài cầu không lớn nên Sở Giao thông Vận tải kiến nghị tính toán thu phí các loại phương tiện theo lượt.

Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đang nghiên cứu dự án cảng trung chuyển quốc tế và khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Do đó, việc xây dựng cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm cũng như các khu vực lân cận, phục vụ đời sống nhân dân, phát triển du lịch, phát triển kinh tế, xã hội là cần thiết và cấp bách.

Dự án khi hoàn thành sẽ tăng cường năng lực lưu thông hành khách, hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP, tạo không gian phát triển quỹ đất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển của khu vực.

Tin mới lên