Tài chính

Đầu tư chứng khoán như đánh bạc: Chuyên gia chỉ ra 3 dấu hiệu

(VNF) - Trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà giao dịch cũng đang tham gia theo tâm lý đánh bạc mà chính họ thậm chí còn không nhận ra.

Đầu tư chứng khoán như đánh bạc: Chuyên gia chỉ ra 3 dấu hiệu

Đầu tư chứng khoán như đánh bạc: Chuyên gia chỉ ra 3 dấu hiệu

Cờ bạc được định nghĩa là những hoạt động bỏ tiền cho sự đánh cược vào một kết quả không chắc chắn và thường có lợi nhuận trung bình của toàn bộ người tham gia bằng không. Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều nhà giao dịch (trader) cũng đang tham gia theo tâm lý đánh bạc mà chính họ thậm chí còn không nhận ra.

Ông Nguyễn An Huy, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT, chỉ ra 3 dấu hiệu đầu tư chứng khoán như đánh bạc.

Thứ nhất, tham gia và TTCK với một sự hào hứng lớn. Họ thích thú với các hoạt động giao dịch trên TTCK. Dù đã tham gia TTCK 5 năm trở lên, họ vẫn đang lỗ và mặc dù đang lỗ, họ vẫn muốn tiếp tục tham gia.

Thứ hai, giao dịch để tìm kiếm sự chiến thắng. Đây là lý do phổ biến để một cá nhân thực hiện việc giao dịch và cố gắng mua thấp bán cao. Tuy nhiên, nếu động lực chính của giao dịch là để chiến thắng, nó có thể đẩy họ đến việc không thể chấp nhận thua lỗ. Lấy ví dụ, anh A mua vào cổ phiếu X vì dự báo nó sẽ tăng lên để anh bán lấy lời. Tuy nhiên khi cổ phiếu X giảm, nó đi ngược lại dự đoán của anh A, nhưng vì mục tiêu của anh A là giành chiến thắng, anh A có thể sẽ không áp dụng nguyên tắc cắt lỗ cho tới khi X bị hủy niêm yết.

Thứ ba, quá tự tin khi tham gia TTCK có thể khiến việc đầu tư trở thành "đánh bạc". Theo chuyên gia FIDT, việc dự đoán các biến số vĩ mô, phân tích từng doanh nghiệp thực ra là một công việc đòi hỏi phải nghiên cứu chuyên sâu, và ngay cả những cá nhân có chuyên môn cao cũng thấy rằng các công việc trên là rất khó.

Tuy nhiên, do thiên kiến tự tin thái quá, nhiều nhà đầu tư sẽ có xu hướng đánh giá vòng tròn năng lực của mình rộng hơn nhiều những gì họ thực sự hiểu biết. Việc này khiến họ tự tin giao dịch cổ phiếu khi chỉ dựa trên một vài thông tin và các đánh giá hời hợt. Kết quả là, nhiều nhà đầu tư liên tục thua lỗ ngay cả khi chỉ số VN-Index vẫn tăng trưởng 12%/năm về dài hạn và từ đó khiến đầu tư không khác gì đánh bạc.

Thiên kiến tự tin thái quá thường gặp trong cuộc sống. Năm 1980, một nhà tâm lý học người Thụy Điển tên là Ola Svenson đã tiến hành một nghiên cứu, kết quả rất đáng chú ý: 88% số người được khảo sát xếp hạng bản thân trên trung bình khi nói về khả năng lái xe an toàn. Rõ ràng số người có kỹ năng lái xe an toàn trên trung bình phải bằng 50%. Nghiên cứu trên chứng tỏ rằng: Con người hay bị “tự tin thái quá” và thường có khuynh hướng đánh giá cao bản thân mình hơn mức trung bình.

Ông Nguyễn An Huy, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân

Khác với tâm lý đánh bạc, chuyên gia Nguyễn An Huy cho biết đầu tư được định nghĩa là những hoạt động bỏ tiền vào một thứ gì đó khá chắc chắn về kết quả, và lợi nhuận trung bình của toàn bộ người tham gia phải là một con số dương. Ví dụ, những con số thống kê trong quá khứ cũng chứng minh rằng VN-Index tăng trung bình 12%/năm về dài hạn.

Chuyên gia FIDT cho rằng cổ phiếu là kênh đầu tư có nhiều ưu điểm. Với khoản tiền tiết kiệm hàng tháng trung bình của tầng lớp trung lưu, việc đầu tư vào bất động sản gần như là rất khó. Trong khi đó việc mua đều đặn các chứng chỉ quỹ (CCQ) một cách kỷ luật là việc hoàn toàn khả thi.

Đối với những nhà đầu tư lớn, khi đã sở hữu rất nhiều bất động sản, việc đa dạng hóa tài sản qua lớp cổ phiếu gần như là một yếu tố bắt buộc để đảm bảo tính an toàn, ổn định và tăng tính thanh khoản.

Điểm yếu lớn nhất của cổ phiếu là sự biến động ngắn hạn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư. Nếu có thể bỏ qua tác động này, về dài hạn, cổ phiếu thường là lớp tài sản có mức độ tăng trưởng tốt nhất. Chính vì vậy, những nhà hoạch định tài chính cá nhân (Financial Planner) sẽ ưu tiên sử dụng cổ phiếu như là một công cụ tích sản để hoạch định cho các mục tiêu giáo dục và hưu trí cho những gia đình trẻ.

Chuyên gia FIDT cho rằng chỉ cần nhà đầu tư có thể đa dạng hóa được danh mục và có kế hoạch đầu tư để giữ được khoản đầu tư trong một thời gian đủ dài thì danh mục cổ phiếu nhiều khả năng tăng giá 12% về dài hạn.

"Hiện nay, với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các sản phẩm CCQ mở được quản lý chủ động và các CCQ được quản lý thụ động (ETF) cũng đã trở nên phổ biến và dễ dàng tiếp cận. Đối với các nhà đầu tư lớn, bên cạnh các CCQ, chúng ta cũng có thể chọn lựa một danh mục đa dạng các cổ phiếu của các doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, có lợi thế cạnh tranh dài hạn, quyền lợi của cổ đông được đảm bảo … để nắm giữ trong dài hạn. Đa dạng hóa và đầu tư dài hạn là các bí quyết đơn giản để có thể đầu tư vào cổ phiếu", ông Nguyễn An Huy nêu quan điểm.

Tin mới lên