Tiêu điểm

'Đầu tư vào phụ nữ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế'

(VNF) - Đây là một trong những thông điệp mà bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc đối ngoại, truyền thông và phát triển bền vững Coca-Cola Đông Dương, chia sẻ tại Diễn đàn Việt – Mỹ diễn ra vào ngày 24/11 với chủ đề phiên thảo luận là “Hỗ trợ phụ nữ hội nhập kinh tế quốc tế”.

'Đầu tư vào phụ nữ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế'

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Việt - Mỹ “Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hội nhập quốc tế”

Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng hội nhập quốc tế hiện nay đã trở thành xu thế lớn, chi phối và quyết định các mỗi quan hệ quốc tế, sự tương tác giữa các quốc gia. Còn đối với Việt Nam, hội nhập quốc tế là một quyết sách chiến lược, gắn với nhu cầu phát triển của đất nước và xuất phát từ những xu thế, chuyển biến của môi trường quốc tế bên ngoài.

Ở Việt Nam, dù với tư cách người chủ, lãnh đạo quản lý doanh nghiệp hay người lao động thì phụ nữ vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và trong quá trình hội nhập kinh tế. Việt Nam có khoảng 200.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm tỷ lệ 25% trong số khoảng 800.000 doanh nghiệp.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia trong ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhóm khá cao trên thế giới, đứng vị trí thứ 2 châu Á với tỷ lệ khoảng 36%, chỉ sau Philippines.

Đáng chú ý, tỷ lệ phụ nữ làm chủ tại khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiểm một số lượng lớn, khoảng 30%. Trong các hộ kinh doanh gia đình, ước tính có trên 50% là do phụ nữ làm chủ.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch HĐQT của Tập đoàn BRG, thì tỷ lệ nữ giới giữ vai trò lãnh đạo quản lý cấp cao của tập đoàn lên tới 40%, và lượng nhân viên nữ trong doanh nghiệp ở mức gần 50%, hưởng chế độ đãi ngộ, lương thưởng ngang bằng nam giới.

Nữ chủ tịch của Tập đoàn BRG cho rằng người phụ nữ với linh cảm mạnh mẽ, sự khéo léo, linh hoạt có thể xoay chuyển tình huống “nguy thành cơ”, trong đó đặc biệt là ứng phó với những tác động của dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, chủ tịch Unilever Việt Nam, lại cho biết mong muốn của doanh nghiệp này là mọi phụ nữ đều có cơ hội phát triển, tạo ra cuộc sống mà mình mong muốn và hòa nhập tốt vào thế giới đang ngày càng phát triển, không bị hạn chế bởi những rào cản về tâm lý, kiến thức, kỹ năng hay chuẩn mực và định kiến xã hội.

Được biết, tỷ lệ nhân viên là nữ giới tại Unilever Việt Nam là khoảng 38%, nhưng lại có tới hơn 52% quản lý là nữ. Để nâng cao quyền năng cho phụ nữ và để không ai bị bỏ lại phía sau trong nền kinh tế hội nhập, phía Unilever Việt Nam đã đưa ra những sáng kiến chương trình cộng đồng như hỗ trợ phụ nữ nông thôn, phụ nữ thiệt hòi có cơ hội hòa nhập tốt hơn thông qua các chương trình xã hội mà trong đó phụ nữ là người được hưởng lợi trong bối cảnh dịch Covid-19 và lũ lụt.

Một thông điệp mà bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc đối ngoại, truyền thông và phát triển bền vững Coca-Cola Đông Dương, chia sẻ tại buổi diễn dàn là Coca-Cola tin rằng đầu tư vào phụ nữ là một trong những cách hiệu quả nhất để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Theo bà Lê Từ Cẩm Ly, đây cũng là lý do mà Coca-Cola theo đuổi các chương trình dài hạn nhằm thúc đẩy năng lực và cơ hội trao quyền kinh doanh cho phụ nữ, thông qua các mô hình doanh nghiệp xã hội, sự kiện kết nối, chương trình đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập thị trường quốc tế trong kỷ nguyên số hóa.

Diễn đàn Việt Mỹ “Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hội nhập quốc tế” được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào ngày 24/11 tại TP. Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động đối ngoại có ý nghĩa thiết thực trong năm 2020, góp phần làm phong phú thêm hoạt động của hai nước hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ hợp tác Việt – Mỹ.

 

Tin mới lên