'Đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm trái phiếu thay vì quản hàng ngàn doanh nghiệp, hàng triệu NĐT'

Kỳ Thư - 03/12/2022 10:32 (GMT+7)

(VNF) - Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, tính trung thực và chuyên nghiệp là yếu tố tiên quyết giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững và một trong những việc quan trọng nhất là đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm. Thay vì quản lý hàng ngàn doanh nghiệp, hàng triệu nhà đầu tư (NĐT) thì chỉ cần tập trung quản lý và giám sát chặt các công ty xếp hạng tín nhiệm, tăng chất lượng xếp hạng tín nhiệm.

VNF
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Bình luận về khung pháp lý của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại tọa đàm “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Vấn đề và khuyến nghị” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI, cho biết khung pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp đang dần được hoàn thiện.

Theo đó, ông Đức cho biết Luật Doanh nghiệp các phiên bản 1999-2005-2014 đã thể hiện nguyên lý kinh điển là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần được phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, theo ông Đức, vấn đề nằm ở chỗ, Luật Doanh nghiệp các phiên bản nói trên khi đề cập đến vấn đề doanh nghiệp phát hành trái phiếu lại chỉ đề cập đến việc công ty cổ phần được phát hành trái phiếu với một số quy định, còn công ty trách nhiệm hữu hạn thì không có bất kỳ đề cập nào.

Ông Đức nhận mạnh, thời điểm trước đây, khi thực thi các phiên Luật Doanh nghiệp 1999-2005-2014, tinh thần doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm đã không được thực hiện một cách đúng đắn.

“Thời điểm hiện tại, ai cũng hiểu doanh nghiệp được tự do làm những gì mà pháp luật không cấm, nhưng thời điểm trước không như vậy. Lúc đó, tinh thần kinh doanh và thực thi pháp luật lại là: ‘Luật không cấm nhưng nếu Luật không cho phép làm mà vẫn làm là phạm luật. Minh chứng điển hình cho vấn đề này chính là đại án Bầu Kiên. Chúng tôi đã mất cả ngày trời chỉ để tranh cãi xem công ty trách nhiệm hữu hạn của Bầu Kiên có được phát hành trái phiếu hay không?”, ông Đức nói.

Khắc phục vấn đề trên, ông Đức cho biết, hành lang pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian gần đây. Theo đó, quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Thông tư số 57/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/7/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường các loại chứng khoán, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã đánh giá để đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng hạn chế hiện tượng tiêu cực, tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu. Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều, khoản so với Nghị định 153.

Về những lo ngại và phản ứng của nhà đầu tư trái phiếu trong thời gian qua, ông Đức nhấn mạnh họ phản ứng như vậy là đúng và dễ hiểu, nhưng giá như họ tìm hiểu cặn kẽ trước khi đầu tư thì vấn đề đã khác. Giờ đây, theo ông Đức vấn đề của thị trường là yếu tố tâm lý, nhiều nhà đầu tư đang đánh đồng trái phiếu của doanh nghiệp tốt với doanh nghiệp chưa tốt và ồ ạt đòi rút tiền. Điều này, có thể dẫn đến những rối ren cho doanh nghiệp và quyền lợi của nhà đầu tư cũng không được bảo đảm.

Mặt khác, theo ông Đức, cơ quan chức năng cũng cần cầu thị về việc điều tiết thị trường, chính sách thực thi cần bảo đảm để thị trường vận hành tốt, song cần tránh tình trạng điều chỉnh đột ngột như thời gian qua.

Trước đây, nhà đầu tư cá nhân khá dễ dàng trong việc mua trái phiếu phát hành riêng lẻ, song Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu phát hành riêng lẻ quy định khắt khe hơn rất nhiều, khiến nhiều nhà đầu tư không thể tham gia thị trường.

Về lâu dài, tính trung thực và chuyên nghiệp là yếu tố tiên quyết giúp thị trường phát triển bền vững. Khi nào nhân viên môi giới, doanh nghiệp và nhà đầu tư ý thức được điều này thì thị trường sẽ vận hành đúng nghĩa. Nói cách khác, giới đầu tư cần hiểu rõ mức độ rủi ro và cái giá của rủi ro trước khi tham gia thị trường.

Để làm được điều này, một trong những việc quan trọng nhất là đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm. Thay vì quản lý hàng ngàn doanh nghiệp phát hành trái phiếu, hàng triệu nhà đầu tư thì chỉ cần tập trung quản lý và giám sát chặt các công ty xếp hạng tín nhiệm, tăng chất lượng xếp hạng tín nhiệm, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm.

Về vấn đề tài sản đảm bảo khi phát hành trái phiếu, ông Đức cho rằng cơ quan quản lý không nên đặt ra yêu cầu về tài sản bảo đảm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Ông Đức khẳng định, yêu cầu về tài sản bảo đảm khi vay vốn ngân hàng là cần thiết, song các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phần lớn là không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, do đó tài sản bảo đảm trong trường hợp này là không hợp lý bởi nếu trái phiếu mà không có rủi ro thì không còn là trái phiếu.

“Hãy đưa trái phiếu về đúng vị trí, vị thế, chỗ đứng rủi ro của nó, an toàn cao hơn cổ phiếu, nhưng thấp hơn gửi ngân hàng chứ không thể đòi hỏi khác đi”, ông Đức nói.

LS Trương Thanh Đức cũng nhận định, những quy định hiện hành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp là khá chặt chẽ, yêu cầu hiện nay là cần phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm minh những vụ việc vi phạm.

“Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công khai minh bạch thông tin để nhà đầu tư được biết. Nếu như sai phạm thì phạt nặng, thậm chí xử lý hình sự”, ông Đức nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác