'Dè chừng' Nga, Mỹ tăng cường quân sự tại khu vực Bắc Đại Tây Dương

Lê Anh - 05/05/2018 15:37 (GMT+7)

(VNF) - Hải quân Mỹ vừa cho tái kích hoạt và triển khai Hạm đội 2 đến Bắc Đại Tây Dương sau gần 7 năm ngừng hoạt động. Theo Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson, động thái này nhằm đối phó với Nga cùng các mối đe dọa khác.

VNF
Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson.

Hạm đội 2 là một trong 5 hạm đội mang số của Hải quân Mỹ, với vùng trách nhiệm trải dài trên Đại Tây Dương từ Bắc cực đến Nam cực và từ bờ biển của Hoa Kỳ đến duyên hải phía Tây của châu Âu.


Hạm đội 2 từng phụ trách cả bắc và nam Đại Tây Dương, trước khi bị giải tán năm 2011 để tiết kiệm chi phí và một vài nguyên nhân về cơ cấu tổ chức. Nhân lực, tài sản quân sự Hạm đội 2 được sáp nhật vào Bộ Tư lệnh Các lực lượng Hạm đội Mỹ ở Norfolk.


Việc tái kích hoạt Hạm đội 2 từng được đề cập trong nhiều báo cáo quân sự gần đây liên quan đến các vấn đề an toàn mà các tàu chiến Hạm đội 7 gặp phải ở Thái Bình Dương.


"Kế hoạch tái lập Hạm đội 2 của Mỹ với mục đích cho thấy chúng ta đang quay trở lại thời kỳ cạnh tranh giữa các siêu cường, đặc biệt với Nga cùng các mối đe dọa khác", ông John Richardson tuyên bố hôm 5/5 trong bài phát biểu tại Norfolk, Virginia.


Theo ông Richardson: “Hạm đội 2 sẽ có quyền điều hành và quản lý tàu chiến, máy bay lẫn các lực lượng đóng tại bờ Đông và Bắc Đại Tây Dương”, khu vực Nam Đại Tây Dương đã được giao nhiệm vụ cho hạm đội 4. Đối thủ duy nhất của hải quân Mỹ tại đây chính là hải quân Nga.


Hải quân Nga trong vài năm trở lại đây đang dần trở lại hoạt động mạnh mẽ ở các đại dương bởi những dự án nâng cấp và biên chế tàu ngầm mới. Gần đây nhất, một số tàu ngầm Nga trong một lần tập trận đã tiếp cận bờ biển phía đông Mỹ rồi rời đi mà không hề bị phát hiện.


Theo USNI News, Hạm đội 2 sẽ được tái lập vào ngày 1/7 theo kế hoạch được công bố trong bản ghi nhớ của Hải quân Mỹ.


Trụ sở Bộ chỉ huy Hạm đội 2 sẽ được đặt tại Norfolk, bang Virginia nơi các chỉ huy của hạm đội sẽ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và vận hành các chiến hạm, chiến cơ và các lực lượng đổ bộ nhằm triển khai các chiến dịch trên biển, chiến dịch liên kết và kết hợp để hỗ trợ các quân chủng khác của quân đội Mỹ cũng như lực lượng quân đội các nước đồng minh trong khu vực.


Cũng theo thông tin từ USNI News, có khoảng 250 sỹ quan của Hải quân Mỹ sẽ tham gia công tác chỉ huy hạm đội và Đô đốc Christopher Grady sẽ trở thành sỹ quan chỉ huy cao nhất.


Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian gần đây luôn tỏ ra lo ngại sức mạnh quân đội Mỹ đang trải qua các hệ lụy sau nhiều năm tháng cắt giảm ngân sách và chia tách lực lượng, theo đó cần một sự khởi động lại toàn diện để hồi phục năng lực lý tưởng nhất.


Trong bài phát biểu hồi đầu năm, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng Mỹ đang đối mặt với “các nguy cơ gia tăng” từ Trung Quốc và Nga, cảnh báo quân đội Mỹ đang mất dần lợi thế cạnh tranh.


"Quân đội của chúng ta vẫn rất mạnh, mặc dù lợi thế cạnh tranh của chúng ta đã giảm trên mọi dạng thức chiến tranh - trên không, trên bộ, trên biển, trong không gian và chiến tranh mạng - và vẫn đang tiếp tục giảm", ông Mattis nói thêm.


Trong tầm nhìn hướng tới các năm tiếp theo, chiến lược quốc phòng của Lầu Năm Góc tập trung vào các mục tiêu tăng cường quy mô quân đội, nâng cao tính sẵn sàng và hợp tác với các đồng minh, trong khi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động quân sự tại nhiều khu vực thuộc châu Âu, Trung Đông và châu Á.


Cũng theo Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, với chiến lược này, ông mong muốn tạo ra sự thay đổi gấp rút ở quy mô đáng kể với quân đội Mỹ.

Theo CNN
Cùng chuyên mục
Tin khác