Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chung khác được phê duyệt là căn cứ quan trọng để địa phương kịp thời vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 55/2022/QH15 Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Hoạt động trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời ký biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều tập đoàn lớn sắp tới một lần nữa khẳng định Khánh Hòa có sức hút thật sự đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.


Trước thềm Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Theo kế hoạch, ngày 2/4, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023. Ông có thể chia sẻ rõ hơn mục đích của hội nghị lần này không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Nhân kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653-2023) và 48 năm ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2/4/1975 – 2/4/2023), UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng sẽ đồng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 tại Nhà hát Vinpearl Nha Trang, đảo Hòn Tre, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, các Tổ chức quốc tế, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 đại biểu tham dự hội nghị.

Hội nghị được tổ chức với mục đích công bố Quy hoạch tỉnh và các Quy hoạch chung được cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định (tùy vào tiến độ phê duyệt thực tế cụ thể từng quy hoạch) đồng thời xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 23/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.

Hội nghị sẽ công bố các quy hoạch của tỉnh được cấp thẩm quyền phê duyệt. Những quy hoạch này sẽ tác động ra sao đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa thời gian đến thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chung khác đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được xác định như là một trong những động lực cho tăng trưởng. Các quy hoạch nêu trên được phê duyệt là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn, là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển trong tương lai.

Đây cũng là căn cứ quan trọng để tỉnh Khánh Hòa kịp thời vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 55/2022/QH15 Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, góp phần thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, mục tiêu trọng tâm là đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc ngang tầm khu vực Châu Á, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và là thành phố đáng sống của cả nước và khu vực.

Cũng tại hội nghị, dự kiến tỉnh sẽ công bố loạt dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời ký biên bản hợp tác với nhiều tập đoàn lớn. Vậy địa phương kỳ vọng gì sau sự kiện này và đặc biệt là việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn.

Hội nghị này sẽ cung cấp thông tin đến các nhà đầu tư, tập đoàn lớn hiểu rõ thêm Khánh Hòa là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội, còn nhiều dư địa phát triển mà không phải địa phương nào cũng có được. Qua hoạt động trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời ký biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều tập đoàn lớn tại hội nghị này một lần nữa khẳng định Khánh Hoà có sức hút thật sự đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Kỳ vọng lớn nhất của tỉnh sau hội nghị mang lại là thu hút được nhiều nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn lực ấy để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo mục tiêu Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra, đó là Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc ngang tầm khu vực Châu Á, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và là thành phố đáng sống của cả nước và khu vực. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa vinh hạnh đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên chặng đường xây dựng và kiến tạo để thực hiện khát vọng phát triển ấy.

Trong năm 2023, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh là như thế nào? Thông điệp mà chính quyền địa phương muốn gửi đến các nhà đầu tư là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Tính đến thời điểm hiện tại Khánh Hòa có hơn 600 dự án đầu tư ngoài ngân sách trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 480.000 tỷ đồng, tỉnh Khánh Hòa đã thiết lập được mối quan hệ lâu dài với nhiều nhà đầu tư trên thế giới với 106 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3,9 tỷ USD đứng thứ 22/63 tỉnh thành về thu hút FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực: công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến chế tạo, và dịch vụ.

So tiềm năng thế mạnh, lợi thế vị trí, việc thu hút các dự án ngoài ngân sách của tỉnh vẫn chưa như triển vọng do những lý do khách quan và cả chủ quan, đặc biệt là các ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và tỉnh đang trong giai đoạn hoàn thiện hệ thống quy hoạch quan trọng của tỉnh gồm: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.

Đồng thời, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện các quy hoạch phân khu phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các Quy hoạch chung được duyệt, làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Định hướng thu hút đầu tư của tỉnh sẽ dựa trên định hướng phát triển kinh tế - xã hội, mà nền tảng là quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thông điệp mà chính quyền tỉnh Khánh Hòa mong muốn gửi đến các nhà đầu tư đó là: “Chính quyền tỉnh Khánh Hòa cam kết thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đặt con người làm trung tâm của quá trình phát triển kinh tế xanh, sự thành công của nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh Khánh Hoà”.

Tỉnh sẽ triển khai đề án xây dựng Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I như thế nào? Người dân sẽ hưởng lợi gì từ sự thay đổi này?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các Chương trình hành động số 30-CTr/TU và số 37-CTr/TU của Tỉnh ủy đề ra, theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 12/2014/TT-BXD ngày 25/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị), tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng Đề cương Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa, trong đó đã xác định mục tiêu đến năm 2029 đô thị Khánh Hòa được công nhận là đô thị loại I (nêu tại điểm a khoản 3 Điều 1 Quyết định số 3640/QĐ-UBND).

Song hành với việc đang thực hiện nhiệm vụ nêu trên, tại Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 và của UBND tỉnh đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Đề án xây dựng Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I và giao Sở Xây dựng chủ trì tổ chức thực hiện, tham mưu trình Tỉnh ủy trong quý I năm 2023. Qua báo cáo của Sở Xây dựng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương tạm dừng việc triển khai Đề án xây dựng Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I để tập trung xây dựng Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (trọng tâm là xây dựng Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I).

Việc triển khai thực hiện các Chương trình phát triển đô thị sẽ xác định các nhiệm vụ và dự án ưu tiên cần đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thực hiện các Chương trình phát triển đô thị và được cấp thẩm quyền công nhận Khánh Hòa là đô thị loại I; khi đó cơ sở hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại; kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy; phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đồng thời, sẽ bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị; nâng cao môi trường sống cho các khu vực đô thị, chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm các điều kiện sống cần thiết của người dân trong đô thị và các vùng phụ cận bởi lẽ “Phát triển đô thị bền vững” luôn phải lấy yếu tố con người làm trung tâm, cân bằng hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái và không gian kiến trúc, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho thế hệ hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người về mặt xã hội, kinh tế, môi trường để tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con người và niềm hạnh phúc của người dân.

 

Ông có thể chia sẻ thêm định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo, tỉnh Khánh Hòa tập trung vào các đột phá phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW.

Cụ thể, tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm - động lực phát triển mới của tỉnh - là Khu vực vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh. Trong đó, khu kinh tế Vân Phong tập trung phát triển du lịch biển chất lượng cao và đô thị du lịch biển cao cấp; cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển, logistics; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng hiện đại, thân thiện với môi trường; TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP. Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Đồng thời, tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho những ngành quan trọng như du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, cảng biển, thủy sản và hậu cần nghề cá, công nghệ thông tin. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế biển như hải dương học, công nghệ đại dương, công nghệ sản xuất giống thủy sản, công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy sản, vaccine và sinh phẩm y tế, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ du lịch… Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, cảng biển, cảng hàng không và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu của tỉnh đồng bộ với hạ tầng dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh trong thời gian tới là các ngành dịch vụ chất lượng cao bao gồm du lịch, tài chính, thương mại, logistics, giáo dục và phát triển đô thị. Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm dịch vụ đa dạng, chuyên nghiệp với du lịch biển bền vững, các sản phẩm du lịch cao cấp, dịch vụ vận tải - logistics và phát triển đô thị thông minh.

Đồng thời, sẽ tập trung vào một số ngành công nghiệp theo thứ tự ưu tiên: công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp cơ khí chế tạo công nghệ cao (chủ đạo là đóng tàu); công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hóa dầu; công nghiệp điện tử, viễn thông, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, viễn thông, bán dẫn, dệt may- da giày; công nghiệp công nghệ sinh học, sản xuất vắc xin, dược liệu biển; công nghiệp chế biến sâu vật liệu xây dựng…

Xin cảm ơn ông!