Để nguồn “tiền chết” trong vàng chảy vào nền kinh tế
(VNF) - Một lượng vốn rất lớn đang “nằm chết” trong vàng. Làm sao ngăn người dân đổ tiền vào vàng? Cách nào để nguồn “tiền chết” trong vàng chuyển hóa vào nền kinh tế?
Số lượng vàng 'nằm chết' trong dân lớn
Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác không thật sự hấp dẫn, vàng trở thành kênh trú ẩn của tiền nhàn rỗi.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết người dân đổ xô đi giao dịch khiến các tiệm vàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng suốt thời gian qua đón lượng khách rất đông. Vấn đề này khiến cho nguồn cung không đủ, dẫn đến tình trạng xếp hàng, đặt phiếu để mua vàng.
Theo nhiều chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, không hề có thống kê chính thức về lượng vàng trong dân.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, có những nguồn tin cho rằng, lượng vàng trong dân hiện khoảng 400 - 500 tấn nhưng không ai biết chính xác, đều chưa có dữ liệu chính xác.
Còn theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), giai đoạn 1990-2023, Việt Nam tiêu thụ 2.027 tấn vàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 3/6 đến 29/10, cơ quan này đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn).
Giới chuyên gia cho biết, đa phần vàng ở Việt Nam được các hộ gia đình dự trữ và làm đồ trang sức. Lượng vàng này sẽ tồn tại mãi mãi và sẽ không thực tế nếu sử dụng bất kỳ công cụ nào để huy động một phần đáng kể của nó cho các mục đích sử dụng khác.
TS. Bùi Trinh - Viện nghiên cứu Phát triển Việt Nam - phân tích giá vàng tăng cao là do nguồn cầu lớn, chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa trong dân. Mà đây chính là dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Dòng tiền này đổ vào vàng thì sẽ làm cho nền kinh tế hụt đi một nguồn lực phát triển.
Một số chuyên gia cho rằng giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản… từ đó bị lu mờ, thậm chí thua lỗ.
Điều này có thể gây ra tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên. Từ đó khiến lạm phát tăng trong dài hạn và tác động đến nền kinh tế.
Làm gì để nguồn “tiền chết” trong vàng chảy vào nền kinh tế?
Phát biểu tại phiên chất vấn Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng mới đây, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) nêu vấn đề về giải pháp để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế.
Đại biểu này cho biết: “Tại báo cáo số 363 ngày 6/11/2024 của NHNN gửi các đại biểu quốc hội, trong phần tồn tại hạn chế khó khăn vướng mắc của công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng đã xác định chưa khuyến khích người dân bán vàng để chuyển hóa thành VND để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Vàng nằm im trong dân là vàng chết trong khi nhu cầu vốn sản xuất hiện nay là rất lớn. Vậy trong thời gian tới, NHNN cần có những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế?”.
Về vấn này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chủ trương của Chính phủ là chống vàng hóa, đô la hóa, trong đó, không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, đặc biệt là vàng miếng vì đây là mặt hàng có giá trị cao.
Bà Hồng nhấn mạnh người dân khi đầu tư vào vàng, tài sản sẽ "nằm chết" ở đó. Bởi khi nắm giữ vàng, có thể giá trị vàng rất lớn, cũng đồng nghĩa với việc số tiền đó người dân không sử dụng được. Nhưng nếu chuyển hóa tài sản này ra VND, lúc đó sẽ có cơ hội kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực khác, như gửi tiền vào ngân hàng, để ngân hàng dùng tiền đó cho vay sản xuất - kinh doanh, hay đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán phục vụ sản xuất - kinh doanh.
“Vàng hiện nay cũng là vấn đề đau đầu của thế giới, không riêng Việt Nam. Về lâu dài, quan điểm chung của NHNN là theo chủ trương chống vàng hóa, làm sao để vàng không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư và đầu cơ. Còn về mặt tích lũy, thì NHNN sẽ có giải pháp đánh giá và cung ứng ra thị trường sao cho phù hợp với nhu cầu của người dân”, bà Hồng cho hay.
Các chuyên gia cho rằng NHNN không thể cấm người dân tích trữ vàng, đầu tư vàng. Mà giải pháp hiệu quả nhất là làm người dân... chán vàng và tìm đến kênh đầu tư, tích lũy khác.
Thay vì loay hoay tìm giải pháp cho thị trường vàng, các đại biểu và chuyên gia kinh tế kiến nghị, phải có giải pháp chuyển hóa vốn từ vàng vào sản xuất - kinh doanh.
Để làm được điều này, phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khôi phục thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đúng là vàng để trong két rất lãng phí, vì không đưa vào làm nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Nhưng để người dân lôi vàng trong két ra không dễ, vì muốn dân mạnh dạn bán vàng đầu tư thì phải có niềm tin vào thị trường. Sự bế tắc của các kênh đầu tư là nguyên nhân chính khiến dòng tiền rầm rộ chảy vào vàng.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, thị trường vàng trong nước “nóng” một phần do giá vàng thế giới, một phần do cung ít hơn cầu, một phần do yếu tố tâm lý. Thời gian qua, lãi suất tiền gửi thấp nên người dân không muốn gửi vào ngân hàng, trong khi bất động sản đóng băng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro... khiến vàng trở thành kênh trú ẩn của tiền nhàn rỗi.
Tương tự, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng để người dân không đổ xô vào vàng, giải pháp quan trọng nhất là giữ được giá trị của đồng nội tệ và khôi phục các kênh đầu tư như bất động sản, trái phiếu…
Cùng với đó, để vàng đừng "chết" trong dân mà "sống" trên thị trường, trước hết là ổn định thị trường vàng, không để giá vàng "nhảy múa", lên xuống hỗn loạn.
Một trong các giải pháp quan trọng là ổn định thị trường vàng, phải ngăn chặn được hiện tượng thao túng, làm giá trên thị trường vàng, đó chính là sửa Nghị định 24 quy định về hoạt động kinh doanh vàng.
Giá vàng nhẫn giảm chưa thấy đáy, người mua ôm lỗ
- Đồng USD tăng giá đẩy giá vàng xuống mức thấp nhất trong 2 tháng 13/11/2024 09:09
- Vàng nhẫn 'rớt giá' từng giờ, hãng vàng bán ra không giới hạn 12/11/2024 03:45
- Giá vàng lao dốc: Lo tụt về 70 triệu/lượng, dân ồ ạt bán ra 12/11/2024 03:30
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.