Diễn đàn VNF

Để Việt Nam trở thành cường quốc kỹ thuật số

(VNF) - Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nền kinh tế số của Việt Nam vẫn còn những điểm yếu như trong vấn đề đầu tư hạ tầng số, cơ sở dữ liệu còn đang phân mảnh cả chiều ngang lẫn chiều dọc, chuyển đổi số vẫn còn phân tán, tách biệt giữa các cơ quan, bộ ngành, địa phương… Ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, chia sẻ trên cuốn Đặc san Tương lai Tài chính số sắp ra mắt.

Để Việt Nam trở thành cường quốc kỹ thuật số

Trao đổi cùng Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia cao cấp về phát triển số của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, nhìn nhận dù đã có nhiều bước phát triển trong kinh tế số và đang ở một vị trí tốt nhưng con đường trở thành một cường quốc kỹ thuật số của Việt Nam không bằng phẳng.

Ông Toni Kristian Eliasz cho hay các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, đa phần đều chưa có đủ năng lực và nguồn lực để tiếp nhận công nghệ mới.

- Ngay từ khi kinh tế số bắt đầu manh nha, Việt Nam đã có nhiều chính sách đón đầu xu hướng này. Ông có đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Toni Kristian Eliasz: Việt Nam đang đặt nhiều tham vọng trong tiến trình chuyển đổi số. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu rõ ràng, xác định đây là trụ cột để quốc gia phát triển, nâng tầm kinh tế.

Nhờ sự phát triển của kinh tế số, cũng như nhiều nơi trên thế giới, công nghệ tài chính (Fintech) đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc theo cấp số nhân tại Việt Nam. Xu hướng này dường như đang phát triển với môi trường thuận lợi từ sự phát triển không ngừng của các công dân số và số lượng ngày càng tăng của các công ty sáng tạo tham gia vào lĩnh vực này, nhiều công ty trong số đó đã có thể huy động đầu tư. Nhưng vấn đề nào cũng có hai mặt, chuyển đổi số và kinh tế số sẽ không phải là bức tranh toàn màu hồng.

- Ông có thể nói rõ hơn về điều này không?

Trong báo cáo “Kinh tế số: Con đường dẫn đến Ngày mai”, chúng tôi đã nhấn mạnh “Việt Nam đang ở một vị trí tốt nhưng không bằng phẳng để trở thành một cường quốc kỹ thuật số”.

Do sự phức tạp của nền kinh tế kỹ thuật số nên sẽ tồn tại một số thách thức, tôi sẽ chỉ đề cập tới một vài trong số chúng. Đầu tiên là giải phóng tiềm năng của dữ liệu để nó có thể trở thành động lực phát triển kinh tế số. Việt Nam có một khuôn khổ thể chế phức tạp và việc điều phối chương trình chuyển đổi kỹ thuật số còn khá rời rạc, thiếu các kỹ năng kỹ thuật số. Cùng với đó, thực tế cho thấy bản thân tiến trình chuyển đổi số tồn tại nhiều rủi ro, đặc biệt vấn đề an toàn, quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng. Những vấn đề này nên được hiểu một cách đúng đắn để quá trình chuyển đổi số diễn ra bền vững và hiệu quả.

Kinh nghiệm khi tư vấn và làm việc trên khắp thế giới của World Bank cho thấy trong quá trình chuyển đổi số, nhiều quốc gia thường chỉ tập trung vào việc thu thập, xử lý dữ liệu mà quên vấn đề luật định. Cần có pháp luật rõ ràng để vừa giúp cộng đồng tiếp cận kho dữ liệu chung dễ dàng vừa tránh rủi ro về an ninh. Đây là một trong những tiền đề đầu tiên để tiến hành chuyển đổi số.

 Ông Toni Kristian Eliasz

- Nhưng không thể không thừa nhận rằng, kinh tế số của Việt Nam có những bước phát triển đáng kể, chẳng hạn Việt Nam đang có xếp hạng cao về việc tiếp cận công nghệ, Internet, hay khung pháp lý để giao dịch số cũng đang phát triển, kỹ năng số có những thay đổi nhanh chóng…, thưa ông?

Tôi không phủ nhận thực tế này nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nền kinh tế số của Việt Nam vẫn còn những điểm yếu như trong vấn đề đầu tư hạ tầng số, cơ sở dữ liệu còn đang phân mảnh cả chiều ngang lẫn chiều dọc, chuyển đổi số vẫn còn phân tán, tách biệt giữa các cơ quan, bộ ngành, địa phương…

Về khung pháp lý, đâu đó vẫn có đỗ trễ nhất định tới 5-10 năm so với thực tế, dẫn đến những quy định chồng chéo, làm cho tiến độ có thể đi nhanh hơn thì đang bị “mắc” lại.

Kinh tế số phát triển tại Việt Nam chủ yếu vẫn là nền tảng giao dịch được phát triển dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới như: Facebook, Google, Youtube, Grab, Gojek, Lazada, Shopee... Những nền tảng phát triển bởi Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các nền tảng thương mại điện tử. Nói chung, khả năng cạnh tranh so với các nền tảng thương mại lớn của các tập đoàn/công ty đa quốc gia chưa thực sự cao.

Cùng với đó, mức độ chủ động tham gia phát triển nền tảng kinh doanh tại Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém và có phần tự phát. Thể chế, chính sách còn nhiều bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chỉ mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.

- Vậy đâu sẽ là mấu chốt để kinh tế số tại Việt Nam phát triển trong thời gian tới, thưa ông?

Theo tôi, dữ liệu là mấu chốt để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số trong những năm tới.

- Ông có đề xuất gì để kinh tế số trở thành động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Ở góc độ chính sách, tôi cho rằng, Việt Nam cần tái cân bằng các chính sách đổi mới. Tôi hiểu rằng hiện nay Việt Nam đang khuyến khích những hoạt động nghiên cứu phát triển song cũng cần phải khuyến khích ứng dụng công nghệ có sẵn. Để làm được điều này, cần xem xét, có giải pháp khắc phục các rào cản, trong đó có rào cản liên quan tới những quy định trong lĩnh vực công nghệ tài chính, tăng cường huy động vốn cho hoạt động đổi mới sáng tạo, tiếp cận thị trường. Trong đó, cần có giải pháp huy động vốn từ khu vực tư nhân và có những chương trình hỗ trợ để có thể gia tăng sự hấp dẫn của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư.

Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ cho các “vườn ươm” hiện có để gia tăng chất lượng và đầu ra. Theo kinh nghiệm thành công tại Kenya, nước này đã có chính sách kêu gọi đầu tư cho một số ngành nghề quan trọng, khuyến khích khởi nghiệp. Việt Nam nên nghiên cứu kinh nghiệm trên để gia tăng lợi ích vì số lượng công ty khởi nghiệp tại Việt Nam rất nhiều. Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư phát triển các tài sản cần thiết và quan trọng như hạ tầng cơ sở dữ liệu số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để có thể thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

>>> Đón đọc Đặc san "Tương lai Tài chính số" của Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance

Tin mới lên