‘Đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần mới dừng ở mức ý tưởng'

Kỳ Thư - 07/01/2025 19:03 (GMT+7)

(VNF) - Phản hồi về đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống còn 2 tháng 1 lần, Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết đề xuất này mới dừng lại ở ý tưởng và đang được tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan.

Đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng 1 lần... đang xin ý kiến

Liên quan tới đề xuất điều chỉnh giá điện từ 3 tháng xuống còn 2 tháng/lần tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 7/1, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và đào tạo (Cục Điều tiết Điện lực), Bộ Công Thương đã giao đơn vị này xây dựng nghị định về cơ chế và thời gian điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân.

Đây là nghị định mới, sẽ được xây dựng và ban hành đồng thời với thời gian có hiệu lực của Luật Điện lực, tức phải ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/2.

“Đề xuất rút thời gian điều chỉnh giá điện xuống còn 2 tháng mới dừng lại ở ý tưởng”, ông cho biết.

Bộ Công Thương: Đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần mới dừng ở mức 'ý tưởng', đang lấy ý kiến các bên.

Hiện dự thảo nghị định này đang được tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động và cũng cần thiết có thời gian để đánh giá tác động khi điều chỉnh chu kỳ. Sau khi tổng hợp ý kiến, Cục Điều tiết điện lực sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ để tham mưu cơ chế phù hợp nhất.

Trước đó, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Cơ quan soạn thảo đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng kể từ lần thay đổi gần nhất. Điều này đồng nghĩa mỗi năm có thể có tối đa 6 đợt thay đổi giá thay vì 4 đợt như hiện nay.

Thực tế vào đầu năm 2024, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 05 thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, theo đó thời gian điều chỉnh giá điện đã được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Tại họp báo, đại diện Cục Điều tiết điện lực cũng cập nhật thông tin về quá trình xây dựng giá điện 2 thành phần.

Cụ thể, Bộ trưởng Công Thương đã giao Cục này nghiên cứu và đề xuất cơ chế giá điện 2 thành phần. Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công Thương sau đó đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trực tiếp thực hiện công việc này.

Theo Cục Điều tiết điện lực, đây là chính sách mới ở Việt Nam, ảnh hưởng đến tất cả đối tượng sử dụng điện, kể cả khách hàng nhỏ. Do đó, dù đã nhận được một số báo cáo, Cục vẫn yêu cầu EVN tiếp tục thu thập số liệu và đánh giá tác động trước khi có những đề xuất cụ thể lên Bộ Công Thương cũng như cấp có thẩm quyền để xem xét áp dụng theo lộ trình.

“Lộ trình chắc chắn phải có chứ không thể áp dụng đồng loạt với tất cả khách hàng”, đại diện Cục nhận định.

Hiện Việt Nam vẫn đang áp dụng giá điện một thành phần, tức tiền trả theo sản lượng dùng; trong khi quá trình cung cấp điện gồm 2 thành phần là công suất đăng ký và điện năng tiêu dùng.

Cách tính hiện nay được cho là không phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng, không góp phần cải thiện hệ số sử dụng thiết bị, tạo rủi ro cho ngành điện khi thu hồi chi phí cố định qua giá điện năng.

Với giá 2 thành phần, khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi kW công suất đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, khách hàng vẫn phải trả chi phí này thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá.

Hệ thống giám sát phải minh bạch

Trước đó, như VietnamFinance đã đưa tin, bình luận về đề xuất rút thời gian điều chỉnh giá điện, đa số các ý kiến đều cho rằng thời gian điều chỉnh quá ngắn và chưa đủ cơ sở.

Việc điều chỉnh giá bán điện xuống 2 tháng/lần là quá ngắn và không đủ cơ sở để điều chỉnh.

PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc điều chỉnh giá bán điện xuống 2 tháng/lần là quá ngắn và không đủ cơ sở để điều chỉnh.

Ông Duệ lý giải, việc điều chỉnh giá điện phụ thuộc vào giá thành bình quân của hệ thống, trong đó liên quan đến hàng loạt chi phí như phát điện, truyền tải, phân phối… nên rất phức tạp và đòi hỏi sự minh bạch, công bằng. Trong khi hiện tại, chi phí sản xuất điện cho từng loại điện, từng khâu vận hành ở Việt Nam còn chưa rõ ràng.

Chưa kể, việc điều chỉnh cũng cần có quy trình quản lý và giám sát. Theo ông Duệ, nếu điều chỉnh 2 tháng/lần, hệ thống giám sát phải minh bạch trong tính giá điện bình quân để tránh trục lợi, lạm dụng chính sách.

“Vậy, đơn vị nào sẽ kiểm tra và giám sát việc tính toán chi phí này? Với dữ liệu ngành điện đồ sộ như thế, doanh nghiệp vừa cung cấp thông tin để kiểm tra đợt này, lại tiếp tục cho đợt tới thì khó có thể đảm bảo”, ông Duệ đặt vấn đề.

Tương tự, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, sau khi đã có luật Điện lực, có cơ chế mua bán điện trực tiếp, rồi thí điểm tính giá điện 2 thành phần,..mà vẫn điều hành giá điện 2 tháng một lần là "hơi lạ".

"Chính phủ đang nỗ lực xây dựng thị trường điện có sự cạnh tranh lành mạnh. Thế nên, vấn đề không phải bao lâu điều chỉnh giá điện mà phải bảo đảm yếu tố minh bạch. Giá sản xuất điện hiện vẫn chưa được công khai rõ ràng; chính sách điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần chưa thấy đánh giá về tính hiệu quả và mới được áp dụng chưa bao lâu, nay lại thay đổi nữa là điều khó hiểu ", ông Việt nói.

Ngoài ra, theo ông Việt, quy định liên quan về điều hành giá điện có vẻ chưa tương thích với chính sách đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải và mục tiêu có thị trường mua bán điện cạnh tranh. Bởi nguyên tắc điều chỉnh giá cần gắn với cơ chế cạnh tranh cả đầu vào sản xuất điện và đầu ra là bán điện.

Giá điện sẽ được điều chỉnh hai tháng một lần?

Giá điện sẽ được điều chỉnh hai tháng một lần?

Thị trường
(VNF) -Tại Dự thảo về giá điện mới nhất, Bộ Công Thương đề xuất giá điện có thể được xét thay đổi hai tháng một lần, thay vì 3 tháng như hiện nay, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên.
Cùng chuyên mục
Tin khác