Thị trường

Đề xuất ‘không ổn’: Các bộ muốn mở rộng, riêng Bộ Công thương đòi siết chặt

(VNF) - Điện mặt trời từng được khuyến khích đầu tư bằng giá ưu đãi, nhưng 2-3 năm gần đây, loại hình năng lượng này lại bị  “bạc đãi”.

Đề xuất ‘không ổn’: Các bộ muốn mở rộng, riêng Bộ Công thương đòi siết chặt

“Tự sản tự tiêu” cũng không được khuyến khích

Đây là nhận xét của một nhà đầu tư khi được hỏi về chính sách dành cho điện mặt trời mái nhà. Nhà đầu tư này tỏ ra ngán ngẩm khi kể câu chuyện về việc Honda Việt Nam muốn đầu tư điện mặt trời trên mái để tự dùng.

“Tháng 7/2022, Công ty Honda Việt Nam có văn bản gửi Công ty điện lực Vĩnh Phúc đề nghị hướng dẫn việc lắp điện mặt trời mái nhà tự dùng tại công ty. Nhưng, Điện lực Vĩnh Phúc lại có văn bản trả lời rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty điện lực miền Bắc yêu cầu các công ty điện lực tỉnh tạm dừng, không thỏa thuận đấu nối với các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà vào lưới điện cho đến khi có hướng dẫn mới của Chính phủ, Bộ Công Thương”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Từ trả lời này của Điện lực Vĩnh Phúc, nhà đầu tư này băn khoăn: Điện lực Vĩnh Phúc đã trả lời đúng nội dung Honda hỏi chưa? Honda họ hỏi về điện mặt trời tự dùng, không đấu nối, nhưng Điện lực Vĩnh Phúc  lại trả lời chưa có chủ trương cho đấu nối.

“Doanh nghiệp lắp điện mặt trời để tự dùng, không đấu nối lên lưới điện thì sao phải hạn chế, sao phải chờ hướng dẫn nếu họ vẫn tuân thủ các quy định về giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy. Hoặc nếu họ lắp để bán cho nhà máy khác gần đó có nhu cầu sử dụng điện nhiều nhưng mái thì ít cũng không có gì phải hạn chế”, nhà đầu tư này nói.

Đọc báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà, nhiều doanh nghiệp bày tỏ thất vọng khi chỉ cho phép lắp ở nhà dân, công sở. Trong khi đó, các bộ ngành đều góp ý nên mở rộng đối tượng được lắp.

Bộ Quốc phòng đề nghị mở rộng phạm vi lắp đặt của hệ thống ĐMTMN không chỉ lắp trên mái nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp mà cho các công trình khác như trường học, bệnh viện, công trình tăng gia sản xuất...

Ủy Ban dân tộc đề nghị cần nghiên cứu bổ sung đối tượng áp dụng là các khu nghỉ dưỡng, khách sạn.

Còn Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Theo số liệu của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố tại báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2023, cả nước có 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 87.100ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58.700ha. Và còn 106.000ha đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35.700ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 23.800ha. Đây cũng có thể coi là phần diện tích rất tốt để khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đánh giá: Hiện nay, khu vực nông thôn có các hộ dân phát triển kinh tế hộ cá thể, trong đó có trang trại (chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu nuôi trồng thủy sản,...), nhà kho (lưu giữ thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị,...)... gắn liền với nhà ở. Do đó, bộ này đề nghị bổ sung đối tượng là hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ; bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là “Hợp tác xã”.

Bộ Công an cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được lắp đặt hệ thống ĐMTMN tự sản, tự tiêu bao gồm các trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải muốn Bộ Công thương xem xét bổ sung, làm rõ đối tượng được áp dụng cơ chế là các công trình có lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, cảng biển, cảng và bến thuỷ nội địa...

TS. Lê Hải Hưng, Viện Vật lý kỹ thuật (Đại học Bách khoa Hà Nội), đánh giá thẳng thắn: Đề xuất của Bộ Công Thương là “không ổn”, thậm chí “không phù hợp Quy hoạch điện VIII”.

“Quy hoạch điện VIII khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Nếu tự sản tự tiêu được tại sao không cho nhiều đối tượng lắp đặt điện mái nhà. Bộ Công Thương có vẻ đang lúng túng trong việc đề xuất cơ chế cho vấn đề này”, ông Hưng nói và cho rằng Bộ Công Thương nên mở rộng cho mọi đối tượng muốn lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Các dự án đã lắp cũng “đứng hình”

Các nhà đầu tư muốn triển khai điện mặt trời mái nhà trên khắp cả nước. Tuy nhiên, quan điểm của EVN muốn đầu tư ở miền Bắc hơn vì miền Bắc thiếu điện. EVN muốn Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành cơ chế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và lập kế hoạch thực hiện các nguồn điện năng lượng tái tạo tại khu vực miền Bắc để đảm bảo cung ứng điện trong các năm tiếp theo. Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu tại chỗ, không bán lên lưới.

Song đến nay, chính sách cho điện mặt trời mái nhà sắp tới còn rất mờ mịt như đề cập ở trên. Trong khi nhiều người dân, doanh nghiệp đã lắp điện mặt trời mái nhà ở chính Hà Nội cũng đang gặp không ít vướng mắc.

Theo số liệu từ Tổng Công ty điện lực Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại có 2.095 hệ thống điện mặt trời mái nhà khách hàng đăng ký và đấu nối bán điện cho EVNHANOI với tổng công suất lắp đặt 33,69 MWp. Sản lượng điện mặt trời mái nhà năm 2021 đạt 18.913.001 triệu kWh, năm 2022 đạt 18.110.186 triệu kWh; lũy kế 7 tháng năm 2023 là 9.529.080 triệu kWh. Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà đã góp phần thúc đẩy việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng điện giảm phát thải khí CO2.

Thủ tục đăng ký kinh doanh ngành nghề điện mặt trời mái nhà cũng là một nút thắt.

Thực hiện văn bản số 7149/BKHĐT-KTCN ngày 18/10/2021 của Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc hướng dẫn vướng mắc trong thanh toán điện mặt trời mái nhà, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã thông báo tới toàn bộ các khách hàng mua bán điện mặt trời mái nhà bổ sung Giấy đăng ký kinh doanh. Đến 30/6/2023 vẫn còn 271 khách hàng chưa bổ sung đăng ký kinh doanh, điện lực Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội nhưng chưa nhận được chỉ đạo.

Trong thời gian chờ khách hàng bổ sung đủ giấy đăng ký kinh doanh theo quy định, EVN Hà Nội đã phải tạm dừng thanh toán tiền điện mặt trời phát lên lưới của các khách hàng này.

Thực hiện các thủ tục liên quan về an toàn xây dựng công trình, an toàn phòng cháy chữa cháy, EVNHANOI đã thông báo, làm việc các khách hàng để bổ sung các hồ sơ liên quan. Tuy nhiên do chưa có quy định cụ thể nên EVNHANOI cũng như các khách hàng lúng túng trong việc xác định cụ thể đối tượng phải thực hiện theo qui định (thuộc đối tượng bắt buộc thực hiện hay đối tượng khuyến cáo thực hiện

“Hiện nay Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg đã hết hiệu lực và chưa có văn bản thay thế dẫn tới không thể tiếp nhận mua điện mặt trời mái nhà của các khách hàng nối lưới sau ngày 31/12/2020 do chưa có cơ chế về giá”, EVN Hà Nội báo cáo.

Tin mới lên