Tiêu điểm

Hé lộ lý do Việt Nam phải nhập hàng tỷ kWh điện từ Trung Quốc, Lào

(VNF) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết trong 7 tháng qua do tình hình cung ứng điện thiếu hụt, đặc biệt là tại miền Bắc, EVN phải tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc với sản lượng hàng tỷ kWh.

Hé lộ lý do Việt Nam phải nhập hàng tỷ kWh điện từ Trung Quốc, Lào

Việt Nam phải nhập hàng tỷ kWh điện từ Trung Quốc, Lào.

Theo đó, trong 7 tháng năm 2023, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc, Lào về Việt Nam đạt hơn 2,22 tỷ kWh, chiếm 1,4% tổng sản lượng điện của Việt Nam, tương đương con số nhập khẩu mỗi tháng hơn 317 triệu kWh điện. Theo EVN điện nhập khẩu chủ yếu phục vụ các tỉnh phía Bắc, và một số ít địa phương miền Trung.

100% điện nhập khẩu của Việt Nam là thủy điện, điện sạch và được ký hợp đồng dài hạn với đối tác nước bạn. Bộ Công Thương cho biết một số dự án điện của Việt Nam cũng bán cho phía nước bạn Lào, Campuchia khi dư thừa công suất sản lượng.

Về tình hình sản xuất, trong tháng 7/2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống EVN đạt 26,20 tỷ kWh, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 7 tháng, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 160,58 tỷ kWh, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thủy điện đóng góp hơn 36,8 tỷ kWh, chiếm gần 23%.

EVN cho biết các hồ miền Bắc tiếp tục có nước về rất kém, chỉ đạt 30 - 60% trung bình nhiều năm, gần như chưa có lũ.

Về nhiệt điện than, đóng góp gần 80 tỷ kWh, chiếm 49,8%, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã thực hiện giao khối lượng than tăng thêm so với hợp đồng, đảm bảo cho các nhà máy nhiệt điện than được sản xuất với sản lượng điện cao hơn và dự trữ tồn kho cũng tăng thêm.

Nhiệt điện khí đạt 18,01 tỷ kWh, chiếm 11,2%, hiện lượng khí vẫn cấp còn thấp so với nhu cầu vận hành các nhà máy điện khí (do các mỏ khí đã suy giảm); nhiệt điện dầu: 1,23 tỷ kWh, chiếm 0,8%.

Về năng lượng tái tạo, 7 tháng qua sản lượng đạt trên 22,1 tỷ kWh, chiếm gần 14% tổng sản lượng trong đó điện mặt trời đạt 15,48 tỷ kWh, điện gió đạt 6,06 tỷ kWh.

EVN cho biết trong 7 tháng năm 2023, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 67,55 tỷ kWh, chiếm 42,07% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Còn lại hơn 93 tỷ kWh là sản lượng điện của các nhà cung cấp khác như TKV, PVN và doanh nghiệp phát điện tư nhân Trung Nam.

Về nguồn cung điện trong tháng 8, EVN cho biết, nhận định xu thế thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 8/2023 các đợt nắng nóng vẫn tiếp tục xuất hiện đan xen với mưa cục bộ ở Bắc Bộ.

Tại khu vực Trung Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài trong nửa đầu tháng, có thể xảy ra những ngày có nắng nóng gay gắt; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ xuất hiện nhiều ngày mưa rào và dông. Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1,00C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

EVN khẳng định trong tháng 8/2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 825,8 triệu kWh/ngày, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình cung cấp điện trong tháng 8 dự kiến vẫn tiếp tục được đảm bảo.

Để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện, EVN mong người dân, các cơ quan công sở, doanh nghiệp sản xuất trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h30 đến 14h30), cao điểm tối (từ 20h00 đến 22h00); đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26 -27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Liên quan đến huy động điện từ các dự án năng lượng điện tái tạo chuyển tiếp, theo EVN hiện có 74/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.999,86 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 62 dự án (tổng công suất 3.399,41 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương) tương đương mức giá từ 600 đồng/ kWh đến hơn 900 đồng/kWh.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 21/7/2023 đạt khoảng 211,7 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động. Tuy nhiên, vẫn còn 11 dự án với tổng công suất 734,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Tin mới lên