Tài chính

Đèo Cả 2023: Doanh thu đạt 2.686 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 362 tỷ đồng

(VNF) - Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023 với các chỉ số tích cực và kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Đèo Cả 2023: Doanh thu đạt 2.686 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 362 tỷ đồng

Kiên định trong chiến lược tăng trưởng tập trung

Qua lịch sử phát triển 50 năm với các sản phẩm nổi bật là chuỗi hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân… được HHV tham gia đầu tư, thi công, quản lý vận hành, giúp xoá bỏ các nút thắt giao thông, là tiền đề cho sự kết nối thông suốt tuyến cao tốc Bắc - Nam đang dần thành hình.

HHV được định hướng phát triển tập trung trên nền tảng thế mạnh, năng lực chuyên sâu, cốt lõi là đầu tư - thi công - quản lý vận hành các công trình giao thông.

Tại ĐHĐCĐ năm 2023, ông Hồ Minh Hoàng đã chia sẻ “Nhiều lời khuyên bảo tôi cần phát triển đa ngành, đầu tư mạnh vào bất động sản hay cho rằng ‘cao thủ sẽ không bằng tranh thủ’, nhưng chúng tôi luôn tiếp tục kiên định với ngành giao thông, gắn bó với nghề phu đường để dẫn dắt hệ sinh thái Đèo Cả nói chung và HHV nói riêng”.

Năm 2023, HHV ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 2.686 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 362 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch.

Kết quả quý I/2024, HHV ước đạt doanh thu 669 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 109 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với quý I/2023.

Nhân lực được đào tạo bài bản

Theo chia sẻ của Đèo Cả, với chiến lược đào tạo xuyên suốt, doanh nghiệp đã hình thành được một hệ thống nhân sự cấp cao không chỉ chuyên sâu về kiến thức mà còn giàu kinh nghiệm “thực chiến” trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đảm bảo cho lộ trình phát triển dài hạn của Tập đoàn Đèo Cả và HHV.

Giai đoạn 2025-2035 dự kiến toàn ngành cần thêm ít nhất 10.000 nhân lực chất lượng cao, Đèo Cả cho biết đã chủ động chuẩn bị và hoạch định đào tạo nguồn nhân lực trước mắt phục vụ cho nhu cầu đầu tư công, lĩnh vực mới phát triển như đường sắt tốc độ cao - metro; tận dụng môi trường công trường trải dài từ Bắc đến Nam làm nơi “thực chiến” đào tạo nâng cao năng lực cho công nhân, kỹ sư và nhà quản lý…

Bức tranh sáng trong triển vọng doanh nghiệp

Quá trình HHV triển khai chuỗi hầm xuyên núi tại miền Trung gặp rất nhiều khó khăn, song, vì cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đơn vị cho biết vẫn nỗ lực hoàn thiện dự án.

Ngày 28/3/2024, tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả và Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) đã ký kết thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng trong giai doạn 2024-2027, tạo tiền đề thuận lợi cho HHV trong việc huy động nguồn vốn giá rẻ trong trung và dài hạn.

Kiên định đeo đuổi các mục tiêu, liên tục đấu tranh “đòi lại những gì thuộc về mình”, các cơ quan có thẩm quyền đã có các phản hồi tích cực, cụ thể: Nguồn vốn NSNN 1.180 tỷ đồng bị thu hồi nay đã được bố trí trả lại cho dự án Đèo Cả tại văn bản số 1738/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 (Quyết định của Thủ tướng Về việc giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025); Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Chính phủ đề xuất trả lại 2.280 tỷ đồng bù đắp do không được thu phí tại trạm La Sơn - Tuý Loan tại văn bản số 2451/TTr-BGTVT ngày 08/3/2024; UBND tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo Chính phủ bố trí 5.600 tỷ đồng từ vốn NSTW để đảm bảo phương án tài chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tại văn bản số 23/TTr-UBND ngày 06/3/2024.

Dự kiến đến năm 2025, HHV đầu tư gần 400km đường cao tốc, với vai trò là Nhà đầu tư dẫn đầu tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), là nhà đầu tư đề xuất dự án Tân Phú - Bảo Lộc (ở Lâm Đồng), TP. HCM - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)… với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng.

Đảm đương những dự án khó nhằn như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng đã được khởi công vào ngày 1/1/2024. Tiếp đến là cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng tuyến kết nối cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh với tổng mức đầu tư hơn 11.300 tỷ đồng do tỉnh Lạng Sơn vừa mở thầu để lựa chọn nhà đầu tư PPP, chỉ có duy nhất Liên danh do Đèo Cả đứng đầu đã tham gia dự thầu hiện đang chờ kết quả…

Đèo Cả cho biết đã vượt qua nhiều nhà thầu nước ngoài, trúng gói thầu quốc tế Hầm đường sắt Khe Nét. Ở một dự án quan trọng là cửa ngõ của đồng bằng sông Cửu Long, Liên danh Đèo Cả - CII – Tasco do Tâp đoàn Đèo Cả đứng đầu đã vượt qua liên danh CHEC (Trung Quốc) – Coteccons để được Bộ GTVT lựa chọn là Nhà đầu tư nghiên cứu Đầu tư dự án mở rộng đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận với TMĐT hơn 35.000 tỷ đồng.

Tin mới lên