ĐHCĐ Minh Phú: Dự kiến chỉ đạt 80% mục tiêu lợi nhuận năm 2021

Tân Mai - 17/06/2021 15:30 (GMT+7)

(VNF) - Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú trước tình trạng giá cước vận tải tăng cao và tình trạng thiếu hụt container vẫn chưa được bù đắp.

VNF
Đại hội cổ đông thường niên 2021 của MPC (hình thức trực tuyến)

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021, tổ chức sáng 17/6 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC), các cổ đông đã nhất trí thông qua các tờ trình được công bố trước đó, bao gồm kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng năm 2021.

Cụ thể, năm 2021, MPC kỳ vọng đạt 15.775 tỷ đồng doanh thu và 1.092 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 10% và 62% so với thực hiện năm 2020. Nếu hoàn thành mục tiêu lợi nhuận này, MPC sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử.

Doanh nghiệp có kế hoạch chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 20% bằng tiền cho cổ đông, tương đương 1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng. Với gần 200 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền MPC sắp chi trả là khoảng 400 tỷ đồng.

Năm 2021, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận, MPC dự kiến tỷ lệ chia cổ tức vào khoảng 50-70%. Cùng với đó, đại hội MPC đã kế hoạch bán hơn 630.000 cổ phiếu quỹ cho người lao động theo chương trình ESOP, tỷ lệ chào bán là 0,32% với giá bán cố định là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, đại hội MPC cũng thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Osada Tsutomu và bầu ông Tsukahara Keiichi thay thế. Ông Keiichi được đề cử bởi cổ đông lớn MPM Investment Pte.Ltd, hiện sở hữu 70,2 triệu cổ phiếu MPC.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh sơ bộ, Tổng giám đốc MPC Lê Văn Quang cho biết sau 5 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã thu về 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất theo thị trường là Nhật Bản (22%). Theo sau là Mỹ (18%), Australia và New Zealand (12,8%), châu Âu (5,1%), Trung Quốc (1%)...

Như vậy tính riêng tháng 4 và tháng 5, MPC đã có lãi vượt trội khi doanh nghiệp vừa kết thúc quý I với lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn hơn 35 tỷ đồng, xấp xỉ 2,5% kế hoạch cả năm.

Bên cạnh đó, ông Quang ước tính lợi nhuận trước thuế bán niên có thể sẽ đạt hơn 300 tỷ đồng và về nửa cuối năm 2021, kết quả kinh doanh có thể sẽ khởi sắc hơn nữa trong giai đoạn tháng 7-10.

Nhận định về tình hình kinh doanh năm 2021, lãnh đạo MPC cho rằng những khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp là diễn biến của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu tăng mạnh, chi phí vận tải tăng cao và tình trạng thiếu hụt container để xuất khẩu.

"Hiện tại cước container đi các cảng tăng từ 2-4 lần, tức tăng 400% và chúng tôi không biết được liệu cước còn tăng nữa không? Trước tình hình này, chúng tôi quyết tâm đạt kế hoạch đã đề ra nhưng năm nay khó mà hoàn thành kế hoạch. Kế hoạch sản xuất sẽ đạt nhưng kế hoạch bán hàng và kế hoạch lợi nhuận khả năng sẽ chỉ đạt 80%", ông Quang chia sẻ.

Mặt khác, ông Quang cho biết, trước những khó khăn hiện nay, MPC không chủ trương ký hợp đồng trước mà tháng nào sẽ ký tháng đó.

"Khách thân thiết thì doanh nghiệp chào giá 20% mà khách hàng còn chê cao. Nhưng khách hàng thân thiết nên MPC đàm phán xuống còn 10-15%, giúp đỡ nhau trước tình hình khó khăn này", ông Quang nói.

Thống kê cho thấy, tháng 5, MPC ký được 13.043 tấn tôm. Khả năng 2 nhà máy sản xuất cố gắng lắm được 7.000 tấn. Tổng giá trị 150 triệu USD. Tháng 6 từ ngày 1/6 - 16/06 ký được 3.500 tấn với giá trị 45 triệu USD. Dự kiến, bắt đầu từ giữa tháng 7 MPC mới ký mạnh các hợp đồng bởi giá lúc đó dự kiến sẽ tốt hơn.

Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch 17/6, cổ phiếu MPC tăng 5% lên mức 42.000 đồng, khối lượng giao dịch đạt 525.000 đơn vị.

Cùng chuyên mục
Tin khác