Ngân hàng

Điểm những ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm xuống dưới 9%

(VNF) - Lãi suất liên ngân hàng đã xuống vùng 1%, chạm mức thấp nhất 8 tháng. Lãi suất huy động trên thị trường dân cư cũng giảm mạnh. Điều này khiến nhiều người tin rằng, thời kỳ "tiền đắt" sắp kết thúc.

Điểm những ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm xuống dưới 9%

Lãi suất huy động tiếp tục hạ nhiệt

Từ ngày 15/3, NHNN tiến hành giảm các loại lãi suất điều hành. Từ đó đến nay, gần 20 ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm với mức giảm từ 0,1-0,7% một năm. So với cuối năm ngoái, thời điểm lãi suất huy động lên tới 11-12%/năm thì lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm tới 3-4%/năm.

Làn sóng giảm lãi suất huy động hiện vẫn chưa kết thúc.

ACB vừa cập nhật biểu lãi suất mới và giảm ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh khoảng 0,2 điểm %. Theo đó, lãi suất tiền gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ ở kỳ hạn 6 tháng chỉ còn 7,75-8,05%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước. Lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 8,15%/năm. Lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng của ACB xuống cách xa mức trần quy định (6%/năm).

Trước đó, ngày 27/3, Techcombank, Kienlongbank và LienVietPostBank cũng giảm lãi suất huy động, mức điều chỉnh phổ biến là 0,2 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Cụ thể, từ ngày 27/3, Techcombank điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức giảm đồng loạt 0,2 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất cao nhất mà nhà băng này áp dụng là 8%/năm. Nhưng để hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải thuộc dạng VIP 1 gửi tiền theo hình thức online với số tiền gửi tối thiểu 3 tỷ đồng. Với khách hàng thường, nếu gửi từ 3 tỷ trở lên thì chỉ được hưởng mức lãi suất cao nhất là 7,7%/năm. Với số tiền gửi dưới 3 tỷ, khách hàng thường chỉ được hưởng mức lãi suất cao nhất là 7,5-7,6%/năm.

Cũng từ ngày 27/3, KienlongBank điều chỉnh giảm lãi suất 0,1-0,2 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất mà KienlongBank áp dụng là 8,8% dành cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng.

LienVietPostBank cũng điều chỉnh biểu lãi suất từ ngày 27/3 với mức giảm ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất kỳ hạn từ 13 tháng trở đi được điều chỉnh giảm 0,2 điểm % xuống 9%/năm.

Theo khảo sát biểu lãi suất tiền gửi niêm yết của các ngân hàng đến ngày 28/3, chỉ còn một vài ngân hàng áp dụng mức lãi suất trên 9%. Phần lớn các ngân hàng thương mại đều niêm yết lãi suất cao nhất từ 8-9%/năm.

Nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) vẫn có lãi suất thấp nhất thị trường khi huy động 6 tháng chỉ 5,8%/năm và cao nhất là 7,2%/năm.

Thời kỳ 'tiền đắt' sắp kết thúc?

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất liên tục đi xuống. Trong phiên giao dịch 27/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tiếp tục giảm 0,14-0,42% ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 1,06%/năm, kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 1,68%/năm và 2 tuần là 2,48%/năm.

Từ mức trên 6%/năm hồi tháng 2, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam (VND) qua đêm giữa các ngân hàng đã giảm liên tục về 5%/năm, 4%/năm, 2%/năm và hiện chỉ còn 1,06%/năm.

Với việc liên tục giảm mạnh, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm hiện về quanh mức giao dịch thời kỳ “tiền rẻ” được duy trì suốt thời gian dài từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022.


Đồng thời, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền về kể từ đầu tuần trước. Lãi suất các khoản vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) cũng giảm từ 6% xuống còn 5,5%, kỳ hạn được nâng lên 28 ngày.

Bên cạnh đó, NHNN  định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống, từ 7 ngày trước đó lên 28 ngày. Việc vừa giảm lãi suất vừa tạo điều kiện kỳ hạn dài hơn là tín hiệu hỗ trợ kép của nhà điều hành.

Dù được vay với lãi suất rẻ hơn, kỳ hạn dài hơn nhưng lượng trúng thầu trong những phiên gần đây liên tục giảm mạnh. Trong phiên 21/3, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng nhưng không tổ chức nào cần hỗ trợ. Trong phiên 27/3, 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố tiếp tục bị "ế". Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống đã trở nên dồi dào hơn.

Hồi đầu tháng 3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc.

Giới phân tích cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất điều hành đồng nghĩa chi phí vốn sẽ rẻ hơn. Vốn rẻ kích thích tăng trưởng tín dụng, từ đó tác động tích cực nên nền kinh tế và cả thị trường chứng khoán, bất động sản.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích tại Chứng khoán Nhất Việt, nhận định, việc hạ lãi suất trong thời kỳ này có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Dòng tiền sẽ không thể giữ ở vùng giá quá rẻ lâu như vào năm 2020 và 2021.

Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank, nhìn nhận, dù lãi suất đã giảm, song chưa thể về ngang với thời kỳ "tiền rẻ".

Tin mới lên