Điện Gia Lai: Gánh nặng lãi vay gia tăng, nợ dài hạn gấp 1,6 lần vốn chủ
Nhật Minh -
11/07/2023 08:55 (GMT+7)
(VNF) - Chi phí lãi vay của CTCP Điện Gia Lai (GEG) liên tục gia tăng qua từng giai đoạn kinh doanh, gây áp lực lớn tới doanh thu. Chi phí lãi vay tăng mạnh và ghi nhận đỉnh điểm ở mức 178,1 tỷ đồng trong Quý 1 năm 2023 là nguyên nhân khiến lợi nhuận GEG giảm sút.
Chi phí lãi vay chỉ tăng không giảm
CTCP Điện Gia Lai (Mã GEG) vừa thông báo về việc thực hiện quyền mua lại trước hạn một phần của lô trái phiếu mã GEC_BOND_2018_1. Lô trái phiếu này đã được Điện Gia Lai phát hành từ ngày 29/6/2018 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.
Tổng lượng phát hành ban đầu của lô trái phiếu mã GEC_BOND_2018_1 là 300 tỷ đồng với thời gian đáo hạn lên tới 10 năm. Dự kiến khối lượng mua lại lần này sẽ là 30 tỷ đồng và nếu tính cả những lần mua lại trước đây thì lô trái phiếu GEC_BOND_2018_1 chỉ còn lưu hành trên thị trường với khối lượng 195 tỷ đồng.
Việc Điện Gia Lai mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra trong bối cảnh chi phí lãi vay của đơn vị này đang leo thang mạnh qua từng chu kỳ kinh doanh của 3 năm trở lại đây.
Cụ thể thì từ đầu năm 2021 đến nay, chi phí lãi vay của GEG chỉ ghi nhận ở mức 78,6 tỷ đồng trong Q1 năm 2021 và tăng nhẹ trong 2 quý kinh doanh sau đó. Bước sang Quý 4 năm 2021, chi phí lãi vay đã leo thang đột biến lên 133,1 tỷ đồng, tương ứng với việc tăng thêm tới gần 50 tỷ đồng so với Quý 3 ngay trước đó.
Áp lực về chi phí lãi vay không có dấu hiệu ngừng lại mà tiếp tục tăng mạnh và ghi nhận đỉnh điểm ở mức 178,1 tỷ đồng trong Quý 1 năm 2023. Điều này tương ứng với việc mỗi ngày, Điện Gia Lai đang phải trả tới gần 2 tỷ đồng tiền lãi cho các khoản nợ của mình, chưa kể các chi phí tài chính khác.
Lợi nhuận Quý 1 giảm sút, nợ vay dài hạn cao gấp 1,6 lần vốn chủ
Trên BCTC Quý 1 năm 2023, Điện Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 548,5 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán ngược lại tăng từ 222,5 tỷ đồng lên 234,4 tỷ đồng. Giá vốn bán điện gia tăng khiến lợi nhuận gộp của Điện Gia Lai chỉ còn ở mức 312,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 61% xuống chỉ còn 57%.
Có thể thấy rằng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của GEG không biến động nhiều. Tuy nhiên, chi phí tài chính của công ty lại tăng mạnhtừ 146,3 tỷ lên tới 190,1 tỷ đồng. Phần lớn trong đó là chi phí lãi vay đến từ các khoản nợ đã phát sinh trước đó.
Chi phí lãi vay trong 3 năm trở lại đây của GEG chỉ tăng không giảm. Đỉnh điểm lên tới 178,1 tỷ đồng tại thời điểm cuối Quý 1 năm 2023. Phần chi phí này sẽ gây áp lực không nhỏ tới doanh thu của công ty.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 29,6 tỷ đồng lên tới 33,1 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ gia tăng 11,8%. Lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 103,7 tỷ đồng, giảm tới 40,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong câu chuyện về gánh nặng lãi vay mà GEG đang phải đối mặt, ghi nhận tại thời điểm kết thúc Quý 1 năm 2023, tổng tài sản của GEG đang ở mức 16.498 tỷ đồng, giảm khoảng 620,2 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, nợ vay dài hạn đang chiếm tới 9.237 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 5.733 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng nợ vay dài hạn của GEG cũng đã cao gấp 1,6 lần so với vốn chủ sở hữu. Chủ nợ lớn nhất của Điện Gia Lai là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương - Chi nhánh Gia Lai với khoản cho vay chiếm 6.681,7 tỷ đồng
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.