Định giá cổ phiếu ngân hàng: Góc nhìn từ lãi dự thu

Minh Tâm - 18/08/2020 08:48 (GMT+7)

(VNF) - Một khi đã ghi nhận lợi nhuận ảo, vốn chủ sở hữu của ngân hàng cũng bị bóp méo.

VNF
Vốn chủ sở hữu của ngân hàng sẽ bị bóp méo nếu ghi nhận lãi dự thu không hợp lý và thiếu thận trọng

Lãi, phí phải thu (hay lãi dự thu) là một khoản mục rất đặc thù của ngành ngân hàng. Việc hạch toán lãi dự thu cho phép các ngân hàng ghi nhận nguồn thu vào kết quả hoạt động kinh doanh dù chưa thực thu được tiền.

Chẳng hạn, kể từ thời điểm giải ngân cho khách hàng, ngân hàng ngay lập tức được ghi nhận lãi dự thu tương ứng theo từng kỳ (ngày, tháng, quý...) dù có thể 2 năm tới, khách hàng mới bắt đầu phải trả lãi theo quy định trong hợp đồng.

Đây là nghiệp vụ kế toán bình thường và hợp lý, nhưng cũng có lỗ hổng để các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận ảo. Bằng nhiều cách, ngân hàng có thể cố tình kéo dài thời gian giữa thời điểm giải ngân và thời điểm khách hàng phải thực trả lãi, phí; bên cạnh đó, cho vay đảo nợ cũng là cách che lấp tình trạng thật của lãi dự thu, khiến lãi dự thu ngày càng phình to.

Một khi đã ghi nhận lợi nhuận ảo, vốn chủ sở hữu của ngân hàng cũng bị bóp méo (do lợi nhuận được kết chuyển vào vốn chủ sở hữu). Tuy nhiên, rất khó để biết được lượng lợi nhuận ảo từ lãi dự thu là bao nhiêu, trừ khi ngân hàng tự đánh giá, tổng hợp và đưa ra số liệu. Nhưng kể cả khi ngân hàng có làm việc này, hẳn nhiên đây sẽ là bí mật với tuyệt đại đa số công chúng.

Dù vậy, cũng có chỉ tiêu có thể giúp công chúng nói chung và giới đầu tư nói riêng mường tượng được mức độ ảnh hưởng khác nhau của lãi dự thu đối với vốn chủ sở hữu của các ngân hàng, qua đó đánh giá được một góc cạnh về tính bền vững của vốn chủ sở hữu, đó là tỷ trọng lãi dự thu/vốn chủ sở hữu.

Thống kê của VietnamFinance đối với các ngân hàng niêm yết cho thấy, tỷ trọng này có sự phân hóa rất mạnh.

Cao nhất là trường hợp của NCB khi tỷ trọng này lên tới 81% tính tới thời điểm kết thúc tháng 6/2020. Theo sau NCB là các ngân hàng Sacombank (68%), SHB (50%), VietBank (42%), LienVietPostBank (40%), BacABank (34%), Kienlongbank (34%), Viet Capital Bank (29%).

Nhóm có tỷ trọng từ 10% đến 20% gồm: BIDV, HDBank, TPBank, VPBank và VIB.

Trong khi đó, nhóm có tỷ trọng dưới 10% gồm: VietinBank, ACB, Techcombank, MB, Vietcombank và Eximbank.

Khi vốn chủ sở hữu bị bóp méo do ghi nhận lãi dự thu không hợp lý và thiếu thận trọng, định giá P/B của các ngân hàng trên thị trường chứng khoán cũng bị sai lệch theo. Vì vậy, việc sử dụng P/B để định giá cổ phiếu ngân hàng cũng cần phải lưu ý đến tác động của lãi dự thu.

Một cách tương đối cực đoan, nếu loại trừ toàn bộ lãi dự thu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, đồng nghĩa với việc loại trừ ảnh hưởng của lãi dự thu đối với vốn chủ sở hữu, định giá P/B của nhiều ngân hàng sẽ có sự thay đổi lớn.

Rõ nhất là NCB, định giá P/B (tính theo giá chốt phiên 17/8) ở mức 0,81 lần nhưng nếu loại trừ ảnh hưởng của lãi dự thu thì vọt lên 3,49 lần. Sacombank cũng thay đổi nhiều khi tăng từ 0,73 lần lên 2,27 lần. Trong khi đó, SHB tăng từ 0,95 lần lên 1,9 lần.

Tựu trung, top 10 ngân hàng có P/B cao nhất sau khi loại trừ ảnh hưởng của lãi dự thu theo thứ tự là NCB, Vietcombank, BIDV, Sacombank, BacABank, SHB, VietBank, ACB, HDBank, TPBank.

Top 10 "nguyên thủy" hiện theo thứ tự là Vietcombank, BIDV, BacABank, ACB, TPBank, Eximbank, HDBank, VIB, VPBank và VietinBank.

Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng định giá P/B cao không đồng nghĩa với triển vọng tăng giá cổ phiếu kém và ngược lại.

Bên cạnh việc ghi nhận lãi dự thu không hợp lý và thiếu thận trọng, việc không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro cũng là tác nhân quan trọng khiến vốn chủ sở hữu ngân hàng bị bóp méo. Vì vậy, nhà đầu tư cần lưu ý đến các yếu tố này để xác định chính xác hơn vốn chủ sở hữu khi định giá cổ phiếu ngân hàng.

Cùng chuyên mục
Tin khác