DN lớn cấp tập phát hành TPDN cuối 2024, điều gì đang chờ đợi trong 2025?

Khánh Tú - 23/12/2024 12:30 (GMT+7)

(VNF) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận nhiều điểm tích cực trong năm 2024. Bước sang năm 2025, nhiều chuyên gia kỳ vọng những thay đổi trong Luật Chứng khoán sửa đổi cùng với chuyển động của thị trường bất động sản sẽ là cú hích để thị trường TPDN phát triển.

Thị trường TPDN “nhộn nhịp” cuối năm

Gần về cuối năm 2024, thị trường TPDN bất ngờ sôi động trở lại khi các “đại gia Việt” dồn dập phát hành trái phiếu.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Vinhomes mới đây đã huy động thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 36 tháng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, lãi suất 12% một năm, không kèm chứng quyền và có bảo đảm bằng tài sản. Trước đó, vào cuối tháng 11, Vinhomes cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng.

Không chỉ Vinhomes, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong những tháng cuối cùng của năm 2024. Đầu tháng 12, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC đã phát hành thành công lô trái phiếu 1.080 tỷ đồng với kỳ hạn 4 năm cùng mức lãi suất phát hành 10,7%/năm.

Ngày 19/12/2024, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển NewCo đã phát hành thành công 3 lô trái phiếu, tổng trị giá 6.900 tỷ đồng, kỳ hạn lô trái phiếu là 1 năm, 3 năm và 5 năm. Lãi suất phát hành của cả 3 lô trái phiếu là 9%/năm. Đây đều là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo là bão lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.

Ở nhóm ngân hàng, VietinBank vừa mới thông báo chào bán 40 triệu trái phiếu ra công chúng đợt 1 với tổng giá trị là 4.000 tỷ đồng. Ngân hàng MSB cũng vừa huy động thành 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Lũy kế từ đầu năm đến nay, MSB đã phát hành 12 lô với tổng giá trị huy động hơn 12.000 tỷ đồng. Trước đó, cuối tháng 10, Eximbank đã phát hành thành công 1.700 tỷ đồng trái phiếu.

Phát biểu tại Hội nghị mới đây, lãnh đạo UBCKNN cho biết thị trường trái phiếu đang tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024.

Lũy kế 11 tháng năm 2024, các doanh nghiệp đã phát hành 374.830 tỷ đồng TPDN, trong đó có 342.716 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành phát hành trái phiếu nhiều nhất với 269.877 tỷ đồng, chiếm 72% tổng giá trị phát hành. Theo sau là nhóm ngành bất động sản với 63.721 tỷ đồng, chiếm 17%.

Thị trường TPDN sôi động cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, thị trường TPDN năm 2024 cũng gây ấn tượng khi ghi nhận 4 lô trái phiếu xanh được phát hành theo nguyên tắc xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn quốc tế (ICMA).

Thị trường cũng lần đầu tiên ghi nhận một lô trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm AAA. Lô trái phiếu này do Công ty cổ phần Tổng công ty Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) phát hành, có tổng giá trị phát hành 700 tỷ đồng, lãi suất cố định 5,5%/năm và kỳ hạn 10 năm, được bảo lãnh thanh toán toàn phần, vô điều kiện và không hủy ngang bởi Quỹ đầu tư tín dụng CGIF - một quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB.

“Thành công này mở ra cơ hội mới cho thị trường TPDN, mang lại nguồn vốn dài hạn để phát triển hạ tầng quốc gia”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FiinRatings nhận định.

Động lực nào cho TPDN năm 2025?

Từ mức nền tích cực của năm 2024, thị trường TPDN được kỳ vọng sẽ “ấm dần” và tiếp tục khởi sắc trong năm 2025 tới. Một trong những động lực thúc đẩy cho thị trường TPDN phát triển đó chính là việc Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025.

Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc Phân tích của VIS Rating nhận định: “So với luật hiện hành, các sửa đổi mới xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng bên tham gia phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ, bao gồm đơn vị tư vấn, kiểm toán, và đơn vị xếp hạng tín nhiệm. Luật mới quy định rằng các đơn vị này phải tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành và cung cấp dịch vụ một cách trung thực và có trách nhiệm.

Ngoài ra, UBCKNN sẽ có quyền thực thi pháp lý đối với bất kỳ vi phạm nào có thể gây hại cho nhà đầu tư, ví dụ như khi các nhà phát hành không công bố thông tin cần thiết cho nhà đầu tư”.

Không chỉ tăng cường minh bạch thông tin, theo ông Duy, luật mới sẽ ngăn chặn hoạt động đầu tư có rủi ro cao của nhà đầu tư cá nhân.

“Thứ nhất, các công ty có rủi ro cao sẽ bị hạn chế phát hành trái phiếu ra công chúng; tổ chức phát hành sẽ phải tuân thủ các tiêu chí chặt chẽ hơn, chẳng hạn như tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ, điều kiện về người đại diện trái chủ và xếp hạng tín nhiệm theo quy định. Thứ hai, đối với phát hành riêng lẻ, trái phiếu riêng lẻ không còn được phân phối và bán cho các nhà đầu tư cá nhân, trừ khi họ được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp và các trái phiếu đó được xếp hạng và phải được ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc có tài sản đảm bảo”, ông lý giải.

Với những thay đổi trên, đại diện VIS Rating kỳ vọng việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên phổ biến. Các kết quả xếp hạng sẽ giúp truyền tải ý kiến độc lập về rủi ro và giúp nhà đầu tư xác định mức phần bù rủi ro hợp lý cho các khoản đầu tư trái phiếu của họ.

“Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã dần có dấu hiệu phục hồi cùng với những tín hiệu tích cực từ việc nhiều dự án bất động sản đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý để có thể tiếp tục xây dựng và bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản – người phát hành lớn thứ 2 trên thị trường – sẽ có thêm lực đẩy”, ông Duy chia sẻ với VietnamFinance.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định những thay đổi trong Luật Chứng khoán sẽ góp phần giúp thị trường TPDN “kỷ cương” hơn. “Những điểm mới trong Luật Chứng khoán sửa đổi rất tốt, giống như việc ‘lái’ hàng hóa vào đối tượng người tiêu dùng cụ thể”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Thuân cũng gợi mở, để thị trường TPDN phát triển và đi vào chiều sâu trong năm 2025 và những năm tới, nhà điều hành nên có quy định xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu. Nếu làm được điều đó, chắc chắn nhà đầu tư sẽ quay trở lại với thị trường TPDN.

“Bởi lẽ thứ nhà đầu tư mua là trái phiếu chứ không phải cổ phần công ty. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm thấp hơn so với trái phiếu mà họ phát hành ra thị trường. Ví dụ lô trái phiếu mới đây của công ty Biwase được xếp hạng AAA vì được bảo lãnh nhưng bản thân doanh nghiệp Biwase lại chỉ được xếp hạng BBB. Điều này giống như việc chất lượng hàng hóa được đánh giá theo sản phẩm chứ không phải nhà sản xuất, bởi nhà sản xuất có thể rất tốt nhưng vẫn có thể làm ra những sản phẩm lỗi”, ông Thuân ví von.

Cùng chuyên mục
Tin khác