Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Vượt qua vùng đáy
Sau 11 tháng năm 2023, sản xuất thép các loại đạt 25 triệu tấn, giảm 7,8% so với cùng kỳ trong khi tiêu thụ thép thành phẩm đạt 23,7 triệu tấn, giảm 7,8%.
Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), nhu cầu tiêu thụ thép tiếp tục kìm hãm đà phục hồi, sức tiêu thụ trong nước còn yếu, dù có cải thiện về cuối năm nhưng chưa đủ để kéo ngành thép trở lại đà tăng trưởng.
Khả năng tiêu thụ thấp khiến việc tăng giá bán thép của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tâm lý nghi ngại của người dùng cuối. Do đó, xu hướng giá thép bán ra chủ yếu phụ thuộc vào biến động giá quặng sắt, than cốc để điều hoà biên lợi nhuận gộp.
Trong khi đó, nửa đầu năm 2023, giá của quặng sắt và than cốc suy giảm rõ rệt. Nhiều nhà máy quặng sắt hay các mỏ than rơi vào tình trạng thua lỗ, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu bị đình trệ. Tuy nhiên trong nửa cuối năm, giá quặng và than đều đã tăng trở lại.
Điểm sáng của ngành thép đến từ xuất khẩu. Theo đó, sản lượng xuất khẩu thép, đặc biệt là mặt hàng HRC đã bù đắp cho sự sụt giảm tiêu thụ nội địa trong năm qua. Việc tìm kiếm được các thị trường tiềm năng như EU, đặc biệt trong quý II khi thị trường ASEAN trở nên trầm lắng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa được tệp khách hàng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép trên thế giới nhìn chung còn yếu, đồng thời cho thấy sự linh hoạt trong khả năng thích ứng của các doanh nghiệp.
Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 9,14 triệu tấn thép sau 10 tháng đầu năm, tăng 30,74% so với cùng kỳ, trong đó ASEAN và EU vẫn là hai thị trường chủ lực với tỷ trọng lần lượt là 31,46% và 24,12%.
Theo TPS, ngành thép vẫn cần thêm thời gian cho sự phục hồi sau khủng hoảng, đặc biệt là khả năng tiêu thụ nội địa. Hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép như thép xây dựng hay HRC vẫn sẽ được đẩy mạnh.
“Tuy nhiên, có thể thấy rằng ngành thép đã đi qua vùng đáy, cần một cú hích về khả năng tiêu thụ nội địa để tiến tới giai đoạn phát triển trong chu kỳ mới của ngành”, các chuyên gia TPS nhận định.
Giá bán phục hồi, biên lợi nhuận có thể tăng 40%
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), triển vọng ngành thép Việt Nam năm 2024 sẽ đến từ giá bán và biên lợi nhuận gộp phục hồi.
Cụ thể, MBS dự báo giá thép xây dựng nội địa phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường nội địa.
“Nhờ các chính sách hỗ trợ có thể phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ (theo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa. Giá nguyên liệu than và quặng dự kiến giảm nhẹ 7% và 6% so với cùng kỳ trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu sản xuất thép thô của Trung Quốc sụt giảm”, các chuyên gia MBS cho biết.
Theo đó, giá bán hồi phục và nguyên liệu hạ nhiệt sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thép. Đối với thị trường xuất khẩu, MBS cho biết nhu cầu phục hồi tại EU và Mỹ tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, giá thép xuất khẩu dự kiến tăng 9% so với cùng kỳ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo MBS, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép đã phục hồi sau khi tạo đáy vào nửa cuối năm 2022. Đến năm 2023, giá nguyên vật liệu than và quặng lần lượt giảm 30% và 20% so với cùng kỳ, tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sản xuất thép. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành thép năm 2024 được kỳ vọng phục hồi lên mức 13% trong năm 2024, cùng kỳ đạt 8%.
“Lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép dự kiến tăng trưởng 40% so với cùng kỳ trong năm 2024 nhờ doanh thu phục hồi 25%, sản lượng và giá bán tăng trưởng lần lượt 9% và 8%, biên lợi nhuận gộp phục hồi lên mức 13%, chi phí tài chính giảm 30% trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt”, MBS kỳ vọng.
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.