DN trong vòng vây khó khăn: Đơn hàng chưa về, dòng tiền đã cạn

Thảo Lê - 11/08/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA), có tới 64% doanh nghiệp ở TP. HCM gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng suy giảm, 50% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu các đơn hàng mới và 29% doanh nghiệp gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 16% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn kinh doanh.

Nguy cơ cạn kiệt dòng tiền

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, TP. HCM xuất khẩu được 22,56 tỷ USD, tăng hơn 13% so cùng kỳ năm trước; trong đó, nhiều ngành phục hồi tốt như dệt may, chế biến gỗ... Tuy thị trường xuất khẩu có tín hiệu tích cực, nhưng doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Cụ thể, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ của TP. HCM tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, doanh nghiệp đang sản xuất các đơn hàng đã ký đến đầu tháng 9 và chuẩn bị nhận đơn hàng tiếp theo đến cuối năm cho mùa xuân - hè. Đơn hàng đã phục hồi, nhưng theo Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí sản xuất, cước phí vận chuyển tăng nên phải tìm cách tiết giảm tối đa chi phí.

Còn ở lĩnh vực dệt may, theo Hội Dệt may thêu đan TP. HCM, mặc dù nhiều doanh nghiệp thuộc Hội đã có đơn hàng đến hết quý III và chuẩn bị cho đơn hàng quý IV nhưng trước mắt vẫn phải đối mặt với những khó khăn như: giá xuất khẩu không tăng nhưng chi phí sản xuất tăng, lương lao động tăng và đơn hàng nhỏ, nhiều chủng loại hơn trước, yêu cầu về mẫu mã chi tiết hơn...

Muốn tăng năng lực sản xuất, mở rộng sản xuất kinh doanh là điều không dễ dàng với các chủ doanh nghiệp. Ghi nhận thực tế từ các doanh nghiệp cho thấy, trong nỗ lực cố gắng vươn lên bám trụ theo thị trường, ở thời điểm này, việc tiếp cận vốn cũng còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, cùng với việc cho vay của các ngân hàng hiện nay cũng còn nhiều quy định.

Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân về thực phẩm ở huyện Bình Chánh (TP. HCM) chia sẻ chuyện cơ cấu nợ, giãn nợ đang gặp khó. Cụ thể, đơn vị này đang nợ khoảng 3 tỷ đồng, nhưng vài tháng qua không gom đủ dòng tiền do hàng bán không được. Vì vậy, công ty phải vay ngoài để đảo nợ rất vất vả. Nhưng nếu không vay ngoài thì không trả nợ đúng hạn sẽ bị nợ xấu, mai mốt sẽ khó vay nếu muốn mở rộng sản xuất.

Công ty xuất nhập khẩu nông sản có trụ sở tại quận 1 TP. HCM bị vướng vào vòng xoáy thiếu dòng tiền do sức mua chậm, khách thanh toán chậm. Việc thiếu tiền, trong bối cảnh giá nguyên liệu nông sản biến động từng ngày khiến công ty không có vốn mua trữ nông sản, càng đẩy chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao hơn.

Lãnh đạo đơn vị này than thở: “Mất cân đối dòng tiền còn đang đẩy công ty từng bước đến nguy cơ có thể chậm lương, nợ lương, nợ bảo hiểm…” Để giải quyết tình trạng này, hiện công ty đang tính toán đến bán bớt cổ phần cho các quỹ đầu tư để có dòng tiền rốt vào.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cho hay kết quả khảo sát doanh nghiệp quý II/2024 của HUBA cho thấy, tình trạng thanh lọc thị trường đang diễn ra với các doanh nghiệp vốn mỏng, quản trị yếu.

Cụ thể đang có đến 30,4% doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm, phản ánh những thách thức đang diễn ra trên thị trường. Mức tồn kho đã tăng lên 34% và số dư nợ tăng lên 42%, cho thấy điều kiện thị trường đang xấu đi và vấn đề nợ đang phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền.

Hiện có 5 thách thức lớn mà các doanh nghiệp đối mặt, thể hiện cụ thể qua các con số: 64% gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng giảm; 50% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng mới; 29% gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 30% gặp khó khăn do thuế và phí cao; 16% gặp khó khăn do thiếu vốn kinh doanh.

Do đó, doanh nghiệp phải tính toán lại các chi phí, bao gồm cả lương cho người lao động. Thu nhập của người tiêu dùng giảm khiến họ chi tiêu dè sẻn hơn và chỉ ưu tiên chọn mua những mặt hàng thực sự cần.

Doanh nghiệp mong được cung cấp giải pháp dòng tiền tức thời

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, dù kinh tế thành phố 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, nhưng các động lực tăng trưởng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, khả năng hấp thụ vốn còn yếu. Đáng lo ngại hơn, tình hình sản xuất trên địa bàn TP. HCM đang chậm lại. Doanh nghiệp dù có đơn hàng tăng trở lại, nhưng lao động giảm. Điều này cho thấy năng lực sản xuất hạn chế trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng nhanh làm giảm hiệu quả sản xuất.

Báo cáo của HUBA phân tích, bối cảnh chính trị toàn cầu vẫn biến động, với các cuộc khủng hoảng quân sự ở châu Âu lan rộng sang Trung Đông và các cuộc xung đột tiềm ẩn ở Nam Á và châu Phi. Những rủi ro chính trị này đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, ảnh hưởng đáng kể đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù các doanh nghiệp đã cố gắng khám phá các thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á, nhưng phần lớn vẫn đang đối mặt với sự bất ổn và đơn hàng ngắn hạn.

Theo HUBA, để đối phó với những thách thức kinh tế toàn cầu, chính phủ Việt Nam và các bộ ngành đã thực hiện nhiều chính sách và cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp. Các ngành như nông nghiệp, công nghệ và xây dựng đã có một số phục hồi, tuy nhiên sự suy giảm chung của thị trường vẫn còn, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Các doanh nghiệp vừa và lớn đang gặp khó khăn với mức nợ cao và rủi ro vốn. Các quy định thế chấp nghiêm ngặt và khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào cuối năm 2024 làm tình hình thêm phức tạp. Hơn nữa, các chính sách chặt chẽ về giao dịch liên kết theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP cản trở việc phân bổ vốn trong các tập đoàn kinh tế và làm phức tạp thêm các tương tác tài chính với các tổ chức tín dụng.

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đối mặt với tình trạng thiếu thanh khoản nghiêm trọng và khó thu hồi nợ. Lãi suất vay mặc dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao so với các khoản vay trước năm 2023. Việc giảm lãi suất cho vay cá nhân không đáng kể cũng làm hạn chế chi tiêu tiêu dùng. Các rào cản khác bao gồm những bất cập trong thể chế kinh tế, thiếu sót trong cải cách hành chính và những vấn đề pháp lý không rõ ràng. Hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào cũng gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ghi nhận ý kiến từ các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM, theo HUBA, để giải quyết vấn đề thiếu vốn cấp bách, chính phủ cần xem xét các cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả hơn. Mặc dù có các chính sách hiện hành như trợ cấp lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH14, việc giải ngân vẫn còn rất ít. Doanh nghiệp đề xuất rằng hỗ trợ nên tập trung vào việc cung cấp giải pháp dòng tiền tức thời thay vì chỉ trợ cấp lãi suất.

Doanh nghiệp TP. HCM ‘vượt khó’ giai đoạn cuối năm

Doanh nghiệp TP. HCM ‘vượt khó’ giai đoạn cuối năm

Thị trường
(VNF) - TP. HCM thu ngân sách ước đạt gần 393.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 9.97%, tiếp tục đà phục hồi ấn tượng trong 10 tháng qua, là động lực duy trì ổn định sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.
Cùng chuyên mục
Khởi động lại chương trình phát triển điện hạt nhân

Khởi động lại chương trình phát triển điện hạt nhân

Chính phủ đã giao Bộ Công thương nghiên cứu điện hạt nhân của các nước, đề xuất phát triển loại năng lượng này tại VN. Như vậy, sau hơn 1 thập niên, trước nhu cầu về nguồn điện, VN có thể khởi động lại phát triển điện hạt nhân trong tương lai.

'Ông lớn' Hàn Quốc xây nhà máy bán dẫn 100 triệu USD tại Vĩnh Phúc

'Ông lớn' Hàn Quốc xây nhà máy bán dẫn 100 triệu USD tại Vĩnh Phúc

(VNF) - Signetics, công ty thành viên của tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc Young Poong, sẽ đầu tư dự án nhà máy bán dẫn trị giá 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Bá Thiện – Phân khu I, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bão Yagi gây thiệt hại 50 nghìn tỷ, nhiều giải pháp hỗ trợ DN khôi phục sản xuất kinh doanh

Bão Yagi gây thiệt hại 50 nghìn tỷ, nhiều giải pháp hỗ trợ DN khôi phục sản xuất kinh doanh

(VNF) -Chính phủ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Người Việt tiêu thụ hơn 1.000 tỷ đồng mỹ phẩm Trung Quốc

Người Việt tiêu thụ hơn 1.000 tỷ đồng mỹ phẩm Trung Quốc

Theo thống kê từ các sàn TMĐT, thị trường sản phẩm làm đẹp nội địa Trung tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, đạt đỉnh doanh thu gần 100 tỷ đồng vào tháng 1/2024.

Đồng Nai: Khu đô thị gần 3 tỷ USD chính thức có chủ

Đồng Nai: Khu đô thị gần 3 tỷ USD chính thức có chủ

(VNF) - UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 2719/QĐ-UBND về việc chấp thuận liên danh 5 nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa, có 4 mặt tiếp giáp sông Đồng Nai với tổng mức đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng.

Chân dung ông Nguyễn Bảo Hoàng, người đưa McDonald's về Việt Nam

Chân dung ông Nguyễn Bảo Hoàng, người đưa McDonald's về Việt Nam

Ngoài việc đưa McDonald’s về Việt Nam, ông Nguyễn Bảo Hoàng hiện còn giữ vị trí chủ chốt tại nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực đầu tư, công nghệ, truyền thông, thể thao...

Sasteco chia cổ tức cao kỷ lục, thanh khoản cổ phiếu tăng đột biến

Sasteco chia cổ tức cao kỷ lục, thanh khoản cổ phiếu tăng đột biến

(VNF) - Trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn, việc Sasteco dốc toàn bộ lợi nhuận để chi trả cổ tức ở mức cao kỷ lục là một quyết định gây bất ngờ. Ngay sau khi thông báo này được đưa ra, thanh khoản cổ phiếu SAC tăng mạnh, cao gấp 3 lần mức trung bình 10 phiên.

Chủ tịch Yamaha Motor bị con gái tấn công bằng dao

Chủ tịch Yamaha Motor bị con gái tấn công bằng dao

(VNF) - Hana Hidaka, con gái ruột của chủ tịch Yamaha Motor - ông Yoshihiro Hidaka, vừa bị cảnh sát bắt giữ vì hành vi tấn công cha mình bằng dao nhà bếp.

Mưa xối xả, đường phố Đà Nẵng ngập sâu

Mưa xối xả, đường phố Đà Nẵng ngập sâu

(VNF) - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão, trên địa bàn TP.Đà Nẵng có mưa to khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng.

Fed sắp ‘xuống tay’, USD và Bitcoin cùng tăng giá

Fed sắp ‘xuống tay’, USD và Bitcoin cùng tăng giá

(VNF) - Đồng USD và tiền điện tử Bitcoin cùng tăng giá khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin chi tiết về kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).