Đo dòng tiền Tập đoàn Bệnh viện TNH khi liên tiếp xây dựng 4 bệnh viện lớn

Giang Hà - 01/08/2024 16:00 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) chưa chính thức hoạt động, cuối tháng 2/2024, TNH tiếp tục khởi công dự án thứ 4 là Bệnh viện TNH Lạng Sơn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH (HOSE: TNH) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024, với doanh thu thuần đạt 130 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp lần lượt là 3,6 tỷ đồng và 6,8 tỷ đồng, giảm lần lượt là 62% và 7% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng chí phí bán hàng ở kỳ này gi nhận hơn 880 triệu đồng, trong khi quý này năm 2023 lại không ghi nhận khoản mục này.

Khấu trừ chi phí, TNH báo lãi sau thuế 38,7 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện của quý II/2023.

Báo cáo tài chính quý II/2024

Trong văn bản giải trình chênh lệnh lợi nhuận, Chủ tịch HĐQT Hoàng Tuyên cho biết số lượt bệnh nhân khám ngoại trú trong kỳ tiếp tục tăng, trong khi số lượt bệnh nhân điều trì nội trú duy trì ở mức ổn định. Ngoài ra, công ty còn được cơ quan Bảo hiểm Y tế quyết toán số tiền hơn 9 tỷ đồng, cộng gộp vào doanh thu quý 2/2024.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, TNH ghi nhận doanh thu thuần 222,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 54 tỷ đồng, giảm lần lượt 3% và 13% so với nửa đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và 35% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 6 vừa qua.

Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Bệnh viện TNH là 2.334 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Chiếm phần lớn là tài sản dài hạn ở mức 1.916 tỷ đồng, tăng 26,9% so với hồi đầu năm.

Trong đó, chi phí xây dựng dở dang ở mức 704 tỷ đồng, chủ yếu ở các dự án như: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Việt Yên tại Bắc Giang (544,5 tỷ đồng); Dự án đấu tư xây dựng Bệnh viện TNH Lạng Sơn (134 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Quốc tế (20,7 tỷ đồng); Dự án khác (4,9 tỷ đồng).

Hàng tồn kho của Bệnh viện TNH là 11,4 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở thuốc vật tư y tế, hoá chất y tế là 10,9 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của TNH đạt 629 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 1.705,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty này đạt 296,8 tỷ đồng.

Dòng tiền chảy về Bệnh viện TNH

Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) là một trong 2 doanh nghiệp theo mô hình bệnh viện tư nhân đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực bệnh viện đưa cổ phiếu lên sàn.

Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện TNH cho biết, Công ty đang tích cực tiến hành các đợt tuyển dụng quy mô lớn để sẵn sàng đưa cơ sở thứ 3 là Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) đi vào hoạt động.

Trong bối cảnh Bệnh viện TNH Việt Yên chưa chính thức hoạt động, cuối tháng 2/2024, TNH tiếp tục khởi công dự án thứ 4 là Bệnh viện TNH Lạng Sơn. Dự kiến, khi cơ sở thứ 4 đi vào hoạt động (quý IV/2025), quỹ giường bệnh của TNH sẽ lên tới con số 1.100, trở thành một trong những chuỗi bệnh viện tư nhân lớn nhất miền Bắc.

Những động thái tích cực đó khiến cổ phiếu của TNH nhanh chóng lọt vào mắt “xanh” của các quỹ đầu tư. Bằng chứng là cuối tháng 2/2024, Endurance Capital Việt Nam I và II đã mua vào 684.000 cổ phiếu TNH, tăng tỷ lệ sở hữu cả nhóm lên 6,05%. Một tuần sau, Quỹ đầu tư ACCESS S.A. SICAV-SIF-ASIA TOP PICKS đến từ châu Âu mua thêm 574.400 cổ phiếu TNH, nâng tỷ lệ sở hữu lên 6,35%.

Dữ liệu cập nhật nhất cho thấy, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại TNH xấp xỉ 40%. Cổ đông nước ngoài lớn nhất ở TNH là KWE (sở hữu gần 11%) bày tỏ sẽ đồng hành dài hạn với doanh nghiệp trong các đợt huy động vốn để mở rộng đầu tư tới đây.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, Bệnh viện TNH Việt Yên đi vào hoạt động, doanh thu của Công ty tăng thêm 20%. Năm 2025, Bệnh viện TNH Lạng Sơn đưa vào hoạt động sẽ giúp doanh thu tiếp tục tăng thêm khoảng 20%.

Cùng chuyên mục
Tin khác