Do Holdings và Đỗ Lạng Sơn tham gia tái cơ cấu dự án nuôi bò của Công ty Bình Hà
Lệ Chi - Nguyễn Phượng -
05/04/2021 13:00 (GMT+7)
(VNF) - Công ty Bình Hà đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Do Holdings, Công ty Cổ phần Đỗ Lạng Sơn để triển khai ở lĩnh vực trồng ngô, dứa tại dự án chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu tại Hà Tĩnh. Trong 2 đối tác này, Do Holdings từng gây sự chú ý khi tham gia tái cơ cấu Công ty Bình Hà. Người đại diện Công ty Do Holdings là ông Đỗ Xuân Diện và hiện đang "đầu quân" cho THADI và HAGL Agrico.
Sau nhiều năm dự án nuôi bò nghìn tỷ “đắp chiếu” và lãnh đạo công ty vướng lao lý, doanh nghiệp Bình Hà muốn đổi tên thành dự án chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu tại Hà Tĩnh, đồng thời điều chỉnh quy mô từ 254.200 con bò/năm xuống 35.000 con/năm và trồng cây nguyên liệu như dứa, chuối, ngô, cây ăn quả, cỏ, dược liệu…
Doanh nghiệp cũng muốn giảm tổng mức đầu tư còn 1.800 tỷ đồng (giảm 2.782 tỷ đồng so với trước) và giảm quy mô diện tích từ 2.163ha xuống khoảng 1.227,54ha.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) đã có báo cáo về phương án kinh doanh dự án trên.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, việc triển khai đầu tư dự án được thực hiện trong 2 lĩnh vực chính gồm: kinh doanh để trồng ngô, dứa và chăn nuôi bò, trồng cỏ.
Cụ thể, để thực hiện việc trồng ngô, dứa, nhà đầu tư dự kiến sẽ sử dụng khoảng 300ha đất để thực hiện. Qua khảo sát của đối tác và đối chiếu với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu thì cây dứa, cây ngô có thể thích nghi được. Đây là loại cây dễ trồng, có khả năng chịu được khô hạn khá cao, phù hợp với khí hậu tại miền Trung.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư đã tiến hành ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các bên gồm: Công ty TNHH thương mại đầu tư phát triển Do Holdings, Công ty Cổ phần đỗ Lạng Sơn và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Việc hợp tác kinh doanh thực hiện theo phương thức Công ty Bình Hà góp vốn bằng các tài sản hiện hữu, các đối tác góp vốn bằng tiền, giống cây trồng, phân bón, nhân công và chịu trách nhiệm đầu ra của sản phẩm…
Hai bên sẽ phân chia lợi nhuận theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong đó Công ty Bình Hà sẽ phân chia lợi nhuận cố định mà không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của đối tác.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi bò và trồng cỏ, Công ty Bình Hà dự kiến sử dụng khoảng trên 600ha đất và diện tích chuồng trại, kho (65 chuồng và 8 kho) để hợp tác kinh doanh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thông tin nhà đầu tư hiện đang tìm kiếm đối tác để triển khai việc trồng cỏ, nuôi bò phù hợp với mục tiêu của dự án, đồng thời trồng cây nguyên liệu (sắn, ngô, đai keo nguyên liệu chắn gió) đối với các diện tích đất đồi dốc, manh mún, xen kẹt. Việc hợp tác cũng được thực hiện theo phương thức Công ty Bình Hà góp vốn bằng các tài sản hiện hữu, còn đối tác góp vốn bằng tiền, cỏ giống, bò giống, phân bón, nhân công, chịu trách nhiệm đầu ra của sản phẩm…
Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá các phương án kinh doanh theo báo cáo của nhà đầu tư cơ bản sẽ được thực hiện theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC); việc ký hợp đồng BCC giữa các nhà đầu tư trong nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự; các bên tham gia hợp đồng có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định pháp luật.
Còn theo đánh giá của Sở Tài chính, phương án kinh doanh để trả nợ vay và lãi vay đối với lĩnh vực kinh doanh trồng ngô, dứa như đề cập trên là khả thi.
Đối với lĩnh vực nuôi bò, trồng cỏ, Sở Tài chính cho rằng tại thời điểm đề xuất, công ty chưa cung cấp được phương án kinh doanh trong lĩnh vực này nên chưa đủ cơ sở để xem xét tính hiệu của dự án, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp chủ động, phối hợp, tìm kiếm các đối tác có năng lực, xây dựng phương án kinh doanh.
Về đối tác của Công ty Bình Hà, theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Đỗ Lạng Sơn được thành lập ngày 27/11/2019 có trụ sở đường Bà Triệu, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Lạng Sơn, hoạt động chính về dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải. Tính đến cuối năm 2019, doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tổng tài sản 100 tỷ đồng.
Người đại diện kiêm giám đốc công ty là ông Nông Ngọc Trung. Ngoài ra, ông Trung còn đại diện cho hàng loạt doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH MTV thương mại Thành An, Công ty Cổ phần cánh đồng vàng Lạng Sơn, Công ty Cổ phần nông lâm nghiệp cánh đồng vàng…
Đối tác còn lại là Công ty TNHH thương mại đầu tư phát triển Do Holdings thành lập vào đầu năm 2019, địa chỉ tại phường 14, quận 10, TP. HCM. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 7,6 tỷ đồng và tổng tài sản 9,7 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, Do Holdings do ông Đỗ Xuân Diện làm người đại diện, đồng thời ông còn đại diện cho loạt doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần điện Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Cổ phần chăn nuôi Do Việt Lào, Văn phòng đại diện tại TP. HCM - Công ty Cổ phần nông nghiệp Trường Hải, Công ty TNHH giống - chăn nuôi Việt Thắng Phù Cát, Nuôi Tịnh Biên An Giang…
Đáng chú ý, ông Đỗ Xuân Diện (sinh năm 1964) đã về “đầu quân” cho THACO, đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp (THADI) vào tháng 3/2019.
2 tháng sau đó, ông tiếp tục được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT phụ trách mảng chiến lược Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG).
Hoàng Anh Gia Lai, Do Holdings từng muốn tham gia tái cơ cấu dự án
Trước đó, ngày 15/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã nhận được văn bản của BIDV, đính kèm phương án đề nghị hợp tác của Do Holdings, Hoàng Anh Gia Lai và các đối tác với Công ty Bình Hà, để tái cơ cấu và chuyển đổi dự án chăn nuôi bò thành dự án trông cây ăn quả xuất khẩu.
Theo đó, sau thời gian hợp tác (khoảng 3 năm), Do Holdings, HAGL và các đối tác sẽ nhận chuyển nhượng dự án/cổ phần và cam kết đảm nhận nghĩa vụ trả nợ còn lại của Công ty Bình Hà cho BIDV trên cơ sở xác định giá trị còn lại của tài sản và dư nợ tại BIDV.
Sau đó, cơ quan điều tra đã trực tiếp làm việc với BIDV và Do Holdings (đại diện cho các đối tác tham gia tái cơ cấu Công ty Bình Hà) ghi nhận: BIDV đã xem xét và đánh giá đối tác có năng lực tài chính, phương án hợp tác kinh doanh khả thi, đảm bảo trả nợ gốc trong vòng 9 năm.
Về việc này, cũng trong tháng 11/2019, Bộ Công an đã có 2 công văn đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh (địa phương cấp phép đầu tư dự án) và Ngân hàng Nhà nước (cơ quan chủ quản của BIDV) cho biết quan điểm về việc trên.
Tháng 12/2019, Ngân hàng Nhà nước có công văn đề nghị Bộ Công an tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để BIDV hoạt động ổn định, an toàn, tiếp tục hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đã được NHNN phê duyệt.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có công văn thống nhất và ủng hộ đề nghị của BIDV về việc đưa đối tác có năng lực tài chính vào thực hiện tái cơ cấu dự án.
Bên cạnh đó, Do Holdings, HAGL và các đối tác đã xác nhận và cam kết với cơ quan điều tra về hiệu quả của phương án hợp tác kinh doanh đảm bảo trả toàn bộ dư nợ gốc 1.252 tỷ đồng của Công ty Bình Hà cho BIDV trong vòng 9 năm nếu được tham gia hợp tác.
Theo tính toán của Holdings, HAGL và các đối tác, trung bình mỗi năm sẽ trả được 139 tỷ đồng. Đồng thời, trong vòng 2 năm tiếp theo, sẽ thanh toán hết số tiền hơn 311 tỷ mà BIDV không có khả năng thu hồi từ khoản vay của dự án nuôi bò thua lỗ của Công ty Bình Hà.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2018, Công ty Bình Hà xác định kể từ khi thực hiện dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty lỗ lũy kế 915 tỷ đồng (năm 2015 lỗ 14,3 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 261 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 519 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2018 lỗ 120 tỷ đồng).
Còn theo số liệu kế toán của công ty đến tháng 11/2018, tổng tài sản chỉ còn 569 tỷ đồng/tổng dư nợ vay cả dài hạn và ngắn hạn là 1.459 tỷ đồng.
Tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự vào tháng 11/2018, Công ty Bình Hà xác định với tình hình tài chính và kết quả kinh doanh trên thì không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn cho BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh. Số tiền BIDV không có khả năng thu hồi 890 tỷ đồng.
Quá trình điều tra đến nay, BIDV cũng đã nỗ lực phối hợp với cơ quan điều tra thu hồi thêm được 207 tỷ đồng nên tổng dư nợ gốc của Công ty Bình Hà chỉ còn 1.252 tỷ đồng. Cùng với đó, số tiền BIDV không có khả năng thu hồi đến nay là 683 tỷ đồng.
Đồng thời, BIDV đề nghị ghi nhận thêm các chi phí hợp lý, hợp lệ hình thành lên tài sản của Công ty Bình Hà, chưa được ghi nhận vào số tiền 569 tỷ đồng tổng tài sản trên sổ sách của công ty.
Nếu cho đối trừ số tiền này thì số tiền BIDV không có khả năng thu hồi tại Công ty Bình Hà chỉ còn 311 tỷ đồng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone