Diễn đàn VNF

Doanh nghiệp 'biểu tượng' của Việt Nam về tay nước ngoài: 'Cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát'

(VNF) - Theo TS. Lê Thái Hà, việc hạn chế sự thâu tóm của giới đầu tư nước ngoài vào các công ty quan trọng trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, nhất là trong những trường hợp có thể mang động cơ chính trị, là cần thiết.

Doanh nghiệp 'biểu tượng' của Việt Nam về tay nước ngoài: 'Cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát'

TS. Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành của Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng, M&A là tất yếu của một cuộc chơi kinh doanh, bởi doanh nghiệp Việt cần những người đồng hành đủ lực và đủ tầm để tiến xa hơn. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều thương vụ M&A giữa nhà đầu tư ngoại cùng doanh nghiệp nội với giá trị ngày càng lớn. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn về việc nhiều doanh nghiệp “biểu tượng” của Việt Nam về tay nước ngoài.

Để làm rõ hơn vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành của Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture.

- Bà có nhận định như thế nào về thị trường M&A tại Việt Nam trong những năm gần đây?

TS. Lê Thái Hà: Trước đại dịch Covid-19, song hành với nền kinh tế, thị trường M&A (sáp nhập và mua lại doanh nghiệp) ở Việt Nam diễn ra khá sôi động. Mặc dù nền kinh tế có trở nên im ắng hơn trong năm 2021 với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,58%, nhưng đây vẫn là một năm mà các giao dịch M&A diễn ra mạnh mẽ.

Xu hướng gần đây cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với ba lĩnh vực là tiêu dùng thiết yếu, tài chính và bất động sản ở Việt Nam. Đây cũng là các ngành thu hút nhiều thương vụ M&A nhất, ước tính chiếm 55 - 60% tổng giá trị giao dịch M&A trong nước những năm qua.

Điển hình là năm ngoái, chúng ta chứng kiến nhiều thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực ngân hàng hay tài chính tiêu dùng ở Việt Nam. Có thương vụ với giá trị lên tới 1,4 tỷ USD như SMBC Consumer Finance (Nhật Bản) mua lại 49% cổ phần của Công ty Tài chính TNHH MTV VPBank, thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Hay đầu năm nay, Tập đoàn Keppel Land vừa ký thỏa thuận ràng buộc với Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long để mua 49% cổ phần trong 3 khu đất tại một khu đô thị ở Hà Nội với tổng giá trị khoảng 120 triệu USD.

Với nhận định gần đây của Nikkei Asia về Chỉ số phục hồi hậu Covid-19, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những hoạt động M&A đáng kể trong năm nay. Bên cạnh những ngành “truyền thống”, các ngành, lĩnh vực mới nổi có thể sẽ thu hút dòng vốn M&A bao gồm công nghệ và năng lượng tái tạo, hay fintech, logistics… do những nhu cầu về đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ, phát triển năng lượng xanh (để hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26).

- Yếu tố nào khiến nhiều doanh nghiệp ngoại chọn Việt Nam làm điểm đến, thưa bà?

Có nhiều lý do cho việc này. Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục tạo ra một môi trường đầu tư an toàn, cơ bản có sự ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô, đặc biệt là trong bối cảnh những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra trên toàn cầu. Vai trò thay thế của Việt Nam trong chiến lược “Trung Quốc cộng một” cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục có lợi cho Việt Nam. Các công ty đa quốc gia tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng của họ tại Việt Nam.

Thị trường ở Việt Nam ngày càng mở rộng nhanh chóng. Việt Nam có sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu thông qua việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do gần đây (như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực). Chúng ta cũng có nguồn cung lao động trẻ chiếm tỷ trọng lớn với giá cả phải chăng. Những yếu tố này là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thêm vào đó, việc Chính phủ thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp Nhà nước đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần của các thương hiệu nổi tiếng trong nước như Petrolimex, Viglacera, Vinatex…

- Nhiều ý kiến cho rằng dịch Covid-19 kéo dài khiến doanh nghiệp Việt khó khăn, kéo theo nguy cơ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ. Bà nghĩ thế nào về điều này?

Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế của nhiều nước vẫn đang chịu những ảnh hưởng nặng nề. Rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả những tập đoàn lớn, đầu ngành đều có thể đối mặt với nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm với giá rẻ. Nguy cơ này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác như Ấn Độ, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Chính phủ các nước này cũng đã lần lượt triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn và bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ bị thâu tóm vào tay những “kẻ săn mồi” với giá rẻ để kiếm lợi nhuận nhanh chóng.

Theo tôi, việc này là cần thiết. Với những thương vụ mua lại thế này, cần kéo dài thời gian xem xét cho phép tiến hành cũng như thiết lập các biện pháp bảo vệ mới cứng rắn hơn và hiệu quả hơn.

Ví dụ, Ấn Độ có thể coi là một trong số những quốc gia có hành động cứng rắn nhất khi đã sửa đổi các quy tắc đầu tư nước ngoài của mình và yêu cầu có sự phê chuẩn của Chính phủ đối với tất cả các hoạt động đầu tư trực tiếp từ các nước láng giềng vào các công ty Ấn Độ.

- Trên thực tế, không thể phủ nhận khi có “bàn tay” của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt vực dậy, phát triển mạnh mẽ. Nhưng bà có lo ngại gì nếu các doanh nghiệp “biểu tượng” của Việt Nam về tay nước ngoài hay không?

Đúng là trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp đang rất cần vốn. Vì vậy, việc cho phép giao dịch M&A tạo nên một nguồn huy động vốn hiệu quả, giúp các doanh nghiệp đang khó khăn tránh rơi vào tình trạng kiệt quệ, thậm chí là phá sản. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy rằng họ có thể cạnh tranh toàn cầu nếu bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài và kết hợp các nguồn lực của nhau, tạo ra một thực thể kinh doanh lớn hơn với mạng lưới phân phối lớn hơn, lợi thế kinh tế nhờ quy mô lớn hơn và nhiều nhân tài hơn ở cấp cao hơn.

Tuy nhiên, với tính chất phức tạp của hoạt động M&A, sự thận trọng là cần thiết, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng vì đại dịch và khi hệ thống luật và cơ chế giám sát của chúng ta chưa hoàn chỉnh. Thực ra, ngay cả khi đại dịch chưa xảy ra, nhiều quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) hay Nhật Bản, Úc cũng đã triển khai các biện pháp hạn chế nước ngoài gia tăng thâu tóm và kiểm soát các công ty quan trọng.

Theo tôi, việc hạn chế sự thâu tóm và kiểm soát của giới đầu tư nước ngoài vào các công ty quan trọng trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, nhất là trong những trường hợp có thể mang động cơ chính trị, là cần thiết.

- Giải pháp là gì, thưa bà?

Theo tôi, cần thiết kế cơ chế giám sát, sàng lọc hiệu quả để chọn được các doanh nghiệp, nhà đầu nước ngoài chất lượng và vốn sạch qua M&A. Thêm vào đó, cần có định hướng chính sách cụ thể xác định những ngành, lĩnh vực nào nên khuyến khích đầu tư theo kênh M&A (nhất là các thương vụ có yếu tố nước ngoài) và những ngành, lĩnh vực nào thì nên giới hạn. Việc này sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm với giá rẻ, đặc biệt là ở các ngành chủ chốt hay nhạy cảm đến an ninh quốc gia như khai thác khoáng sản, dược phẩm, công nghiệp nặng, truyền thông giải trí, hay những doanh nghiệp ở vị trí biên giới, trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Ví dụ, Nhật Bản xác định các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như an ninh mạng, dầu mỏ, hàng không, năng lượng hạt nhân, viễn thông, vũ khí… và yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch mua nhiều hơn 1% cổ phần của doanh nghiệp ở trong các lĩnh vực này đều phải thông báo trước với cơ quan quản lý của Chính phủ. Hay như EU, dù là một trong những thị trường lớn nhất và cởi mở nhất đối với đầu tư nước ngoài, mới đây đã đưa thêm các quy định mới về sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài sau khi gia tăng bất ổn chính trị trên khắp châu Âu về các vụ “mua lại” của các công ty Trung Quốc. Đặc biệt là từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các quốc gia EU trở nên cảnh giác với việc các công ty công nghệ sinh học trong nước bị các thế lực từ nước ngoài thâu tóm.

Nhìn chung, việc kiểm soát giao dịch M&A có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam không những cần phù hợp với quy định pháp luật về cạnh tranh, đầu tư, chứng khoán,… mà còn phải tính đến các yếu tố như lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư, lợi ích cộng đồng cũng như vấn đề đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.

- Theo bà, doanh nghiệp Việt cần làm gì để tạo dựng thương hiệu thành công trên thế giới?

Những năm gần đây, theo báo cáo và xếp hạng của Brand Finance, Việt Nam đã có sự thăng hạng ấn tượng về giá trị thương hiệu quốc gia. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2021, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 2,75 lần từ 141 tỷ USD lên 388 tỷ USD, và hiện giữ vị trí thứ 33 trong danh sách top 100 thương hiệu mạnh nhất toàn cầu.

Nhờ năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và chất lượng hàng hóa, sản phẩm trong nước ngày càng được nâng cao, doanh thu xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Điều này cũng giúp các thương hiệu của Việt Nam được người tiêu dùng trên toàn cầu biết đến nhiều hơn. Thêm vào đó, không thể không kể đến vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài trong việc giúp kết nối và quảng bá thương hiệu, hàng hóa Việt Nam ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, xếp hạng của Brand Finance cũng chỉ ra vị trí khiêm tốn trong nhiều chỉ số mà Việt Nam cần cải thiện, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như môi trường kinh doanh và đổi mới, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu và khả năng cạnh tranh của quốc gia.

Để tạo dựng thành công thương hiệu của mình tại các thị trường mới, ngoài chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ kiến thức để thâm nhập, phát triển và đặc biệt là chú trọng đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu sản phẩm của mình ở nước ngoài.

Điều quan trọng là, bên cạnh việc xác định các lợi thế riêng và sự khác biệt, các doanh nghiệp trong nước cũng cần cập nhật các xu hướng toàn cầu. Cụ thể, chiến lược phát triển của doanh nghiệp cần xem xét, tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc để hướng đến một thương hiệu xanh, có tính bền vững.

Đồng thời, cần thúc đẩy mối quan hệ bền chặt giữa các nhà cung cấp trong nước với các nhà phân phối nước ngoài cũng như thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài đưa sản phẩm Việt Nam vào các kênh, hệ thống phân phối ở nước ngoài. Việt Nam cũng nên ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
 
 

Tin mới lên