Diễn đàn VNF

TS Trần Đình Thiên: Hoàn cảnh bất thường, cần giải pháp khác thường

(VNF) - Trong bối cảnh việc giải ngân đầu tư công rất chậm và khó có điều kiện tháo gỡ nhanh, cần khuyến khích tính năng động của thị trường vốn tư nhân, đặc biệt là qua thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

TS Trần Đình Thiên: Hoàn cảnh bất thường, cần giải pháp khác thường

PGS. TS Trần Đình Thiên

Để thảo luận những vấn đề và triển vọng kinh tế Việt Nam, trước hết, cần làm rõ hoàn cảnh mà kinh tế thế giới đang lâm vào. Điều này càng cần thiết đối với nền kinh tế Việt Nam hồi phục sau dịch đang còn yếu nhưng lại có độ mở cửa rất cao, trong khi kinh tế thế giới đang trong tình thế “gay go”.

Không gian kinh tế thế giới “bất ổn, bất định và bất trắc”

Sau hai năm vật lộn với tình trạng bất ổn do Covid-19, hiện nay, kinh tế thế giới hiện vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, thậm chí còn lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, gay go hơn gấp bội. Dự báo của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế đều cho thấy xu hướng xấu đi của kinh tế thế giới trên cả hai phương diện: Bất ổn vĩ mô và lạm phát gia tăng đi liền với nguy cơ suy thoái toàn cầu. Lạm phát tăng cao, đạt đỉnh trong hơn 40 năm qua ở Mỹ, Anh và EU. Nền kinh tế Trung Quốc vật lộn với “zero covid” trong khi nước Nga chịu cấm vận kinh tế trên toàn tuyến. Suy thoái kinh tế hiện hữu ngày càng rõ dưới tác động của khủng hoảng kép – năng lượng và lương thực – trong khi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn rất nghiêm trọng.

Tình thế hiện nay của kinh tế thế giới được diễn đạt khái quát bằng thuật ngữ “stagflation” - đình trệ và lạm phát song hành. Đây thực sự là tình thế đặc biệt khó khăn, rất khó để thoát ra một khi đã lâm vào.

Trong tầm nhìn dài hạn, kinh tế thế giới bộc lộ hai vấn đề đặc biệt quan trọng.

Một là sự chấm dứt của thời đại “tiền dễ” (easy money). Giai đoạn bùng nổ tín dụng theo tinh thần “nới lỏng định lượng” (QE-quantitative easing), được Chính phủ nhiều nước theo đuổi hàng chục năm qua, với chính sách bơm tiền “dễ” nhằm kích thích tiêu dùng, qua đó, kích thích tăng trưởng - đã đến lúc phải chấm dứt. Một giai đoạn mới, khởi đầu bằng tình trạng lạm phát tăng cao chưa từng thấy như đã nêu ở trên, kéo theo xu thế siết chặt tiền tệ, sẽ làm thay đổi cấu trúc tài chính – đầu tư trên toàn cầu.

Trong sự tích hợp của xu thế chấm dứt “nới lỏng”, chuyển sang “siết chặt tiền tệ” với yêu cầu cấp bách chống lạm phát mà đa số các nền kinh tế đang nỗ lực thực thi, khó có thể trông đợi một sự phục hồi tăng trưởng và ổn định nhanh chóng của kinh tế thế giới. Cách tiếp cận này sẽ tác động mạnh đến xu thế tăng lãi suất, tính chất bất thường, khó đoán định của tỷ giá hối đoái và động thái kém tích cực hơn của các dòng vốn trên phạm vi toàn cầu.

Hai là nỗ lực ngăn chặn xu thế mất cân bằng trong nền kinh tế toàn cầu, vốn bắt nguồn từ sự trỗi dậy lâu dài và mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc.

Với sự dẫn dắt của Mỹ, toàn cầu đang diễn ra quá trình “tái định vị” các chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, với trục chính là nỗ lực kéo giảm sức hấp dẫn đầu tư, thương mại của Trung Quốc, chuyển đầu tư ra khỏi nền kinh tế này.

Việc tăng cường phong tỏa, cấm vận nền kinh tế Nga hầu như trên tất cả các tuyến như thương mại, đầu tư, tài chính, công nghệ…, với hệ lụy là những biện pháp đáp trả quyết liệt từ hai nền kinh tế này, sẽ tác động cực kỳ mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới theo hướng gây bất ổn và cực kỳ khó đoán định.

Nguy cơ khủng hoảng “kép” trở nên gay gắt hơn, khả năng bùng nổ những cuộc khủng hoảng tầm cao do cấm vận tài chính, cấm vận công nghệ, … là những điều phải được tính đến cho giai đoạn tới một cách nghiêm túc.

Thế nhưng rung lắc mạnh cũng có nghĩa là xuất hiện cơ hội bứt phá cho những ai biết “chớp thời cơ”. Dịch Covid-19 cho thấy tính dễ bị tổn thương cao của nền kinh tế toàn cầu, nhưng nó cũng bộc lộ những tiềm năng công nghệ đặc biệt to lớn của thế giới khi chuyển sang thời đại công nghiệp 4.0. Nhận định này được chứng thực bởi sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới, có sức thúc đẩy tăng trưởng phi thường, đặc biệt là kinh tế số, gắn với sự xuất hiện “đột biến” của hàng loạt tỷ phú và sự gia tăng nhanh chóng khối lượng tài sản của họ trong những năm qua.

Rõ ràng là nhiều năng lực phát triển mới mẻ và to lớn đang được thế giới, ở tất cả các cấp độ phát triển, tạo ra.

Cần mạnh dạn “bơm vốn, tiếp máu” cho nền kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam đang trong một hoàn cảnh khá éo le: trụ vững qua hơn 2 năm sóng gió do đại dịch, đang có triển vọng phục hồi tăng trưởng khá nhanh, do đó, có cơ hội tốt để chớp thời cơ trỗi dậy mạnh mẽ, song thực lực yếu, đặc biệt là của khu vực nội địa, lại bị suy giảm đáng kể sau đại dịch.

Khu vực doanh nghiệp Việt đang thực sự cần được “tiếp máu”, được cởi bỏ các trói buộc để có thể đứng dậy nhanh. Trong khi đó, nguy cơ nợ xấu gia tăng, mối đe dọa lạm phát cao, chủ yếu do tác động “nhập khẩu lạm phát” ngoài tầm kiểm soát. Nền kinh tế giữ được nhịp tăng trưởng tích cực của Việt Nam lại có độ mở cao, bị lệ thuộc nặng vào khu vực FDI và thị trường thế giới. Cho dù hơn hai năm qua, nền kinh tế đã vượt qua được tình trạng “đứt chuỗi” toàn cầu một cách ngoạn mục, giữ được thành tích xuất nhập khẩu, thì hiện tại, nó đang chịu tác động tiêu cực mạnh từ bên ngoài theo cả hai chiều – đẩy lạm phát lên và kéo tăng trưởng xuống - do giá xăng dầu, giá lương thực và chi phí logistic tăng cao trong động thái khó lường của hệ thống tài chính – tiền tệ thế giới.

Tính đối nghịch của xu thế tác động nêu trên cho thấy mức độ khác thường và độc đáo của hoàn cảnh phát triển mà nền kinh tế nước ta đang lâm vào.

Trong bối cảnh đó, giữ ổn định vĩ mô, đồng thời tranh thủ chớp thời cơ để trỗi dậy đặt ra như một bài toán “nghịch biến”, một thách thức “kép” mà Chính phủ và cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có sứ mệnh giải quyết.

Tuy nhiên, có cơ sở để tin rằng Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để vượt qua thách thức đó.

Thứ nhất, trong những năm qua, đặc biệt thời kỳ xung đột kinh tế giữa các cường quốc – đối tác kinh tế lớn của Việt Nam (Mỹ và Trung Quốc) và giai đoạn dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ năng lực điều hành kinh tế, kiềm chế lạm phát và giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm thế tăng trưởng vững chắc, nhờ đó, lòng tin của thị trường, doanh nghiệp đối với Chính phủ ngày càng được nâng cao.

Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam đang có đà phục hồi tăng trưởng tốt và thế ổn định vĩ mô vững để có thể tận dụng thời cơ tạo “bứt phá” phát triển. Thông điệp “Phục hồi và phát triển” của Chính phủ trong Chương trình hành động “hậu Covid-19” cho thấy không chỉ khát vọng phát triển mà quan trọng hơn là cách nhận diện tình thế và quyết tâm chớp thời cơ trỗi dậy, thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới.

Cách tiếp cận đó phù hợp với bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp khó khăn trong khi Việt Nam đang hội tụ nhiều điều kiện để có thể tiến vượt lên.

Theo cách tiếp cận đó, Việt Nam cần mạnh dạn và tích cực “bơm vốn, tiếp máu” cho nền kinh tế, dồn lực để khu vực doanh nghiệp Việt phục hồi nhanh. Chính phủ phải tập trung tháo gỡ các điểm tắc nghẽn cơ chế để giải phóng năng lực kinh tế nội địa vốn dồi dào nhưng đang bị yếu do chính những trói buộc này.

“Chớp thời cơ để bứt phá và trỗi dậy” phải được coi là nguyên tắc chủ đạo định hướng hoạt động của nền kinh tế tại thời điểm hiện nay.

Để hiện thực hóa nguyên tắc đó, trong hoàn cảnh bất thường, việc áp dụng một hệ giải pháp “khác thường” là điều bắt buộc. Mấu chốt để giải quyết “song đề” phát triển hiện nay của nền kinh tế phải là cách tiếp cận “khác thường” đối với vấn đề lạm phát. “Dĩ độc công độc” chính là cách giúp nền kinh tế vượt qua thế “lưỡng nan” tăng trưởng – lạm phát mà nó đang lâm vào.

Hiện tại, xu thế lạm phát tăng cao ở Việt Nam chủ yếu do tác động của các yếu tố “chi phí đẩy” do giá các loại đầu vào nhập khẩu như nguyên liệu, xăng dầu, logistics.... gia tăng. Giá lương thực – thực phẩm trong nước tăng cũng bắt nguồn từ giá lương thực thế giới và giá đầu vào nhập khẩu của sản xuất nông nghiệp tăng.

Lập luận này hàm nghĩa xu thế lạm phát ở Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố chi phí đẩy từ bên ngoài chứ không chủ yếu vào việc tăng cung ứng tiền tệ trong nước. Tăng cung ứng tiền chỉ là yếu tố “hỗ trợ” và đây là yếu tố mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát, căn cứ vào diễn biến tình hình.

Trong khi đó, yêu cầu phục hồi doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế, cộng hưởng với mục tiêu “nhanh chóng trỗi dậy - chớp thời cơ”, đang trở nên cấp bách – có thể nói là cấp thiết nhất hiện nay, kể cả từ khía cạnh ổn định. Nền kinh tế đang yếu chỉ có thể ổn định thực sự khi sức khỏe của nó được phục hồi và nguy cơ gia tăng nợ xấu ngân hàng bị chặn lại.

Nền kinh tế đang “khát vốn” đòi hỏi phải được “tiếp máu” bằng một lượng tiền vượt trội so với bình thường.

Cần lưu ý thêm rằng xu thế lạm phát tăng cao mà nền kinh tế đang đối mặt sẽ làm cho tình trạng doanh nghiệp đang yếu trở nên xấu đi nhanh chóng. Do đó, việc bơm vốn phục hồi doanh nghiệp sớm, với quy mô đủ lớn, trước khi tác động tiêu cực của lạm phát, của nợ xấu tăng cao “đè bẹp” chúng là giải pháp cần phải được mạnh dạn thi hành, theo đúng tinh thần “lấy độc trị độc”.

“Không được sợ lạm phát thái quá” chính là điều kiện cần để thực thi giải pháp bơm tiền “nghịch biến” đó. Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát, Chính phủ đang tích cực kiềm chế “lạm phát chi phí đẩy” trong khả năng cao nhất có thể. Không có lý do gì để phải e ngại lạm phát đến mức bỏ lỡ cơ hội phục hồi và chớp thời cơ vượt lên. Vấn đề ở chỗ Chính phủ dự tính và cho phép một mức lạm phát “an toàn”, tức là trong khả năng kiểm soát được để bảo đảm ổn định vĩ mô với tư cách là nguyên tắc nền tảng.

Một số định hướng, đề xuất

Thứ nhất, trong năm 2022, Việt Nam cần và có thể chấp nhận CPI cao hơn mức trung bình những năm qua. Mức CPI dự kiến 5-6% được coi là phù hợp với “tình thế bất thường” để đáp ứng “nhu cầu khác thường” của nền kinh tế, đồng thời vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tạo không gian cho sự điều chỉnh linh hoạt tỷ giá hối đoái và lãi suất trong thế “cân bằng” với xu thế tăng lãi suất và biến động tỷ giá hối đoái trên phạm vi toàn cầu.

Nên lưu ý đây chỉ là mức lạm phát dự kiến. Thực tế có thể CPI sẽ không đạt mức đó. Cho đến nay, CPI vẫn đang được dự báo chỉ trong khoảng 4%. Nhưng việc đặt mức lạm phát “mục tiêu” cao là nhằm bảo đảm mở rộng không gian điều hành chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, để Ngân hàng Nhà nước chủ động trong việc mở rộng tín dụng cho nền kinh tế.

Thứ hai, trong bối cảnh việc giải ngân đầu tư công rất chậm và khó có điều kiện tháo gỡ nhanh, cần khuyến khích tính năng động của thị trường vốn tư nhân, đặc biệt là qua thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây là hai thị trường bậc cao, có độ linh hoạt cao, có thể huy động một lượng lớn nguồn lực xã hội để đáp ứng yêu cầu vốn lớn và cấp bách của nhiều doanh nghiệp, của lĩnh vực bất động sản với nhiều phân khúc đang có tiềm năng trỗi dậy mạnh mẽ. Việc xác định rõ những phân khúc cần và có thể được ưu tiên (ví dụ phân khúc bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở xã hội…), những dự án tốt, những doanh nghiệp đáng tin cậy cần được bơm vốn để phục hồi nhanh mà vẫn bảo đảm an toàn là cần thiết để kích hoạt nền kinh tế, vừa giúp doanh nghiệp phục hồi, vừa giúp hệ thống ngân hàng giải tỏa bớt mối nguy gia tăng nợ xấu.

Cách tiếp cận “siết chặt tín dụng” không phân biệt đối tượng (dự án và doanh nghiệp) thay cho cách tiếp cận “nắn chỉnh dòng vốn” đi ngược lại nguyên tắc thị trường, sẽ gây ra những hậu quả khó lường, có hại cho quá trình phục hồi và trỗi dậy của nền kinh tế.

Thứ ba, đẩy mạnh chương trình cho vay với sự hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Hiện nay, quá trình này bắt đầu được triển khai khá mạnh mẽ. Việc nới lỏng các điều kiện cho vay theo tinh thần hỗ trợ các doanh nghiệp “yếu mà không kém” là cần thiết để một số lượng đông đảo hơn các doanh nghiệp được tiếp cận vốn mà vẫn bảo đảm an toàn cho các ngân hàng.

Thêm vào đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý đến xu thế tăng lãi suất trên thế giới để có phản ứng tích cực kịp thời. Nếu xu thế đó thực sự diễn ra, hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể phải tăng lãi suất theo. Khi đó, chi phí vốn của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng cao, đe dọa triển vọng phục hồi nền kinh tế.

Để phản ứng lại một cách thích hợp, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tính đến khả năng tăng mức độ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp lên cao hơn mức 2% hiện nay. Tăng bao nhiêu là tùy theo điều kiện thực tế. Song về nguyên tắc, sự hỗ trợ tài khóa như vậy là điều đặc biệt cần thiết để tiếp tục hiện thực hóa ý tưởng chiến lược phục hồi và trỗi dậy mà Đảng và Nhà nước đang theo đuổi.

Thứ tư, lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, giúp các doanh nghiệp chỉ “yếu” mà không “kém” có thể vay vốn để sớm phục hồi, đồng thời, tạo “hành lang an toàn” cho các ngân hàng khi cho các doanh nghiệp vay với những điều kiện cởi mở hơn, phù hợp với tình hình khó khăn sau dịch.

Giải pháp “tài khóa” này là đặc biệt cần thiết trong điều kiện hiện nay. Nó phù hợp với nguyên tắc “chi tiêu ngân sách nghịch chu kỳ”, khẳng định tầm quan trọng của sự hỗ trợ tài khóa, của Chính phủ cho nền kinh tế mỗi lúc nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn.

Trên đây chỉ là một số đề xuất mang tính gợi ý và định hướng. Chắc chắn còn nhiều giải pháp cụ thể khác. Trong số đó, đặc biệt phải kể đến yêu cầu đẩy mạnh thực thi Chương trình “Phục hồi và Phát triển” mà Quốc hội đã thông qua từ cuối năm 2021 và Chính phủ đang triển khai.

Tình hình đang diễn biến khó lường. Sẽ không có gì là dễ dàng để đạt được, nhất là những mục tiêu tốt và nhiều tham vọng. Việt Nam cần sự nỗ lực lớn hơn, có sự đồng lòng mạnh mẽ hơn của Chính phủ, xã hội và doanh nghiệp để không chỉ vượt qua, mà còn là vượt lên tình thế khó khăn này.

Tin mới lên