TS Trần Đình Thiên: 'Thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng'
Tân Mai -
15/10/2021 12:01 (GMT+7)
(VNF) - Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã mang tới những hướng đi mới cho doanh nghiệp trong nước. Thời điểm này là cơ hội để "dọn dẹp" lại các doanh nghiệp sau khi bị "cơn bão" quét qua, là cơ hội để giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc.
Cán cân M&A đã cân bằng
Trong hai năm qua, dịch Covid-19 đã tác động to lớn đến nền kinh tế trong nước và ngoài nước, tuy nhiên cũng chính từ những sự khó khăn, hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự đứt gãy đột ngột của các chuỗi sản xuất, phân phối lại càng tạo ra nhiều động lực lớn hơn để các doanh nghiệp Việt Nam cùng ngồi lại, hợp tác với nhau thông qua các hình thức tập trung kinh tế, mua bán sáp nhập (M&A).
Cụ thể năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Giá trị có phần giảm so với cùng kỳ, song năm 2019 vẫn ghi nhận những dấu hiệu lạc quan khi các tập đoàn kinh tế lớn trong nước bắt đầu tham gia vào những thương vụ bom tấn, bên cạnh sự góp mặt thường xuyên của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bước sang năm 2020, đại dịch bất ngờ xuất hiện và lan rộng trên toàn cầu đã và đang tác động rất mạnh, đe dọa đến sự phát triển của kinh tế thế giới nói chung, cũng như hoạt động M&A nói riêng.
Trong bối cảnh đó, thị trường M&A tại Việt Nam cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng, giá trị các thương vụ thâu tóm, sáp nhập đều sụt giảm khá nhanh do các nhà đầu tư có những phản ứng thận trọng, đồng thời việc giãn cách xã hội cũng gây trở ngại cho những chuyến khảo sát, tìm hiểu và đánh giá trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Kết thúc "năm Covid-19 thứ nhất", tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam giảm còn 3,5 tỷ USD, tương đương 48,6% so với con số đạt được năm trước đó. Không thể phủ nhận rằng bức tranh tổng thể khi đó là một màu u ám, nhưng đâu đó vẫn có những gam màu tươi sáng nếu như nhìn vào tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp nội - ngoại lúc này đã gần như cân bằng.
Tại hội thảo M&A thời đại dịch - Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị tổ chức sáng 15/10, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết thống kê năm 2018, giá trị giao dịch của các hợp đồng tập trung kinh tế do các doanh nghiệp Việt Nam đứng ở phía bên người mua chỉ chiếm tỷ trọng 11,8%, nhỏ hơn rất nhiều trong khi tỷ lệ doanh nghiệp nước ngoài lên tới 88,2%.
Nhưng ở giai đoạn 2019 - 2020, cán cân này đã dần cân bằng hơn khi mà giá trị các thương vụ thâu tóm, sáp nhập tại Việt Nam do doanh nghiệp nước ta đóng vai trò bên mua đã tăng lên đáng kể, chiếm trên 30% tổng giá trị của toàn thị trường. Tính đến hết quý I, tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp nội đã lên tới 49% - một kết quả hết sức ấn tượng.
Cũng theo ông Hiếu, khẩu vị M&A của các doanh nghiệp đang dần có sự thay đổi. M&A thù địch dường như đang giảm đi và tăng M&A thân thiện. Ở giai đoạn 2019 - 2021 chỉ 11% giao dịch M&A là sáp nhập - tức triệt tiêu 1 bên. Còn lại 80% mua lại (mua cổ phần chiếm tỷ lệ đa số) để kiểm soát, và 9% là liên doanh.
Tuy nhiên hiện các thương vụ M&A đang diễn biến theo chiều ngang (doanh nghiệp kinh doanh cùng 1 thị trường) chiếm 45% giao dịch, cho thấy cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh, quan trọng hơn có 19% các giao dịch theo chiều dọc (hình thành chuỗi) cho thấy, chuyển dịch chuỗi, và chỉ 30% là giao dịch hỗn hợp.
"Cơ hội vàng" không thể bỏ lỡ
Tiếp nối ở góc nhìn lạc quan, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã mang tới những hướng đi mới cho doanh nghiệp trong nước. Thời điểm này là cơ hội để "dọn dẹp" lại các doanh nghiệp sau khi bị "cơn bão" quét qua, là cơ hội để giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc.
Nhưng để nắm bắt được cơ hội này, cần giải được hai bài toán, đó là về cơ chế, chính sách và từ chính nỗ lực của doanh nghiệp. Theo ông Thiên, để doanh nghiệp có thể tái cấu trúc hiệu quả thì cần thay đổi, tháo gỡ cơ chế chính sách. Đây là việc quan trọng, bởi không chỉ giúp thay đổi chân dung cho doanh nghiệp Việt Nam, mà còn mang tới những cơ hội cho đất nước.
Bên cạnh đó, để thực hiện M&A hiệu quả nhất, doanh nghiệp cần sự nỗ lực hơn cả, từ việc phân tích xu hướng, có thể nhận diện cơ hội mới mà các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thay đổi doanh nghiệp, không chỉ trông chờ vào các đối tác quốc tế.
"Chúng ta cần bàn luận như thế nào để đẩy mạnh quá trình M&A để kéo doanh nghiệp yếu đứng dậy, kéo nền kinh tế đứng lên sau đại dịch. Đồng thời, tạo thêm áp lực cho Chính phủ trong việc đưa ra các cải cách, cải tiến... thúc đẩy chính sách để đẩy mạnh M&A", nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Thiên, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam cũng khẳng định thời điểm hiện nay là "cơ hội vàng". Theo ông Ái, doanh nghiệp cần các hướng đi mới, ví dụ như ở ngành F&B thì việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh là cực kỳ quan trọng.
Nhìn rộng ra, trong giai đoạn mới, việc chuyển đổi số là bắt buộc, nhưng phải nhanh hơn nữa. Đây là các xu hướng không thể bỏ qua, là cơ hội cho doanh nghiệp chớp được cơ hội và có chiến lược phù hợp.
Ông Ái cũng cho biết, M&A gần đây có tính định hướng rất cao. Trước đây, có những doanh nghiệp rất nhiều tiền, họ tham gia mỗi lĩnh vực một chút. Ví dụ Vingroup có thời gian định thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, hàng không... nhưng hiện họ đang có định hướng chiến lược rất rõ ràng và cương quyết.
Hay Masan, Novaland đã mở rộng là NovaGroup, Nova Services Group, Nova Consumer Group... Có thể nói, định hướng chiến lược rõ ràng giúp định hướng M&A rõ ràng và cơ hội thành công cao hơn.
Dự báo về thị trường M&A trong thời gian tới, dưới góc nhìn của nhà tư vấn, ông Ái tin rằng sẽ nhanh chóng bùng nổ trở lại, trong điều kiện các nước trên thế giới và cả Việt Nam đã bắt đầu kiểm soát được đại dịch và đã chuẩn bị nguồn lực, nguồn tiền sẵn sàng cho các hoạt động M&A.
Trên thế giới, từ cuối năm 2020, giá trị các thượng vụ đã ghi nhận tăng đáng kể. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ.
Hưởng lợi từ làn sóng này, năm 2021 dù thị trường khó khăn, nhưng vẫn có những thương vụ lớn như thời điểm tháng 9/2021, Tập đoàn Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh siêu thị Emart tại Việt Nam. Với tốc độ tiêm vaccine như hiện nay, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam kỳ vọng thị trường M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc đổ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2021.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.