Diễn đàn VNF

Doanh nghiệp FDI nhiều ưu đãi vẫn lỗ, doanh nghiệp nội nộp ngân sách lớn nhất

(VNF) - Khu vực FDI luôn có lợi nhuận trước thuế lớn, hiệu quả sử dụng vốn cao, liên tục mở rộng kinh doanh. Nhưng số nộp ngân sách nhà nước vẫn đứng sau khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.

Doanh nghiệp FDI nhiều ưu đãi vẫn lỗ, doanh nghiệp nội nộp ngân sách lớn nhất

Bức tranh chưa toàn vẹn của doanh nghiệp FDI

Tại Báo cáo tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp FDI năm 2021 gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2022, Bộ Tài chính đánh giá: Sự tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp FDI phần lớn đến từ nguồn tài trợ bên ngoài; các chỉ tiêu sinh lời một số lĩnh vực vẫn còn âm, chưa được cải thiện; nộp ngân sách vẫn chưa tương xứng với tổng mức đầu tư; số doanh nghiệp FDI báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị lỗ.

Đáng chú ý, trong năm 2021, số doanh nghiệp FDI báo lỗ là 14.293 doanh nghiệp (chiếm 55% tổng số doanh nghiệp), tăng 11% so với năm 2020 với giá trị là 168.334 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 16.258 doanh nghiệp (chiếm 62% tổng số doanh nghiệp), tăng 8% so với năm 2020 với giá trị là 706.146 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402 doanh nghiệp (chiếm 17% tổng số doanh nghiệp), tăng 15% so với năm 2020 với giá trị là 162.233 tỷ đồng.

"Tỷ trọng doanh nghiệp lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn doanh nghiệp báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các doanh nghiệp FDI chưa đạt hiệu quả và chưa phát huy được tiềm lực của mình. Như vậy, cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", Bộ Tài chính nhận xét.

Ngoài ra, nhiều năm nay khu vực FDI ghi dấu ấn về thành tích xuất khẩu. Song, dù chiếm tới 65-70% kim ngạch xuất khẩu cả nước mỗi năm, thế nhưng khu vực này cũng nhập khẩu rất lớn. Các mặt hàng nguyên vật liệu như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, sản phẩm hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày… có trị giá nhập khẩu cao hơn rất nhiều trị giá xuất khẩu (nhập siêu).

Một trong những nguyên nhân được Bộ Tài chính chỉ ra là do doanh nghiệp FDI chủ yếu sử dụng nguyên vật liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên vật liệu được doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Điều này cho thấy mức độ lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đến các khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế. Cho nên, các sản phẩm mà nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu chủ yếu là hàng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, công nghệ chưa cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp.

Đây cũng là khu vực được nhận nhiều ưu đãi về thuế phí, đất đai. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, mặc dù thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phổ thông theo Luật Thuế TNDN là 20%, nhưng với ưu đãi miễn, giảm thì mức thuế suất của các doanh nghiệp FDI thường là 5-10%. Một số tập đoàn có dự án lớn mức thuế chỉ là 3-6%. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp FDI có lợi nhuận cao nhưng nộp thuế lại rất ít.

4 công ty con của một doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam có lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo tài chính năm 2018 là 112.478 tỷ đồng, nhưng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp chỉ là 3.241 tỷ đồng (tương đương mức thuế TNDN chỉ 2,88%). Năm 2019 lợi nhuận kế toán trước thuế là 105.037 tỷ đồng nhưng số thuế đã nộp là 4.944 tỷ đồng (thuế TNDN 4,71%). Năm 2020 lợi nhuận kế toán trước thuế là 95.333 tỷ đồng, nộp thuế TNDN là 4.426 tỷ đồng (thuế TNDN 4,64%).

Một doanh nghiệp FDI khác của nước ngoài, lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2020 là 5.727 tỷ đồng, nhưng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp chỉ là hơn 158 tỷ đồng (tương đương mức thuế TNDN 2,77%).

Số nộp ngân sách của khu vực FDI chưa tương xứng với tiềm năng, ưu đãi cũng chính là những cảnh báo xuyên suốt của các bộ ngành và các nhà kinh tế lâu nay.

Nhìn vào số liệu tại Sách trắng doanh nghiệp 2022 được Tổng cục Thống kê biên soạn cũng thấy rằng số nộp vào ngân sách của doanh nghiệp FDI là dấu hỏi lớn. Bởi lẽ, bình quân giai đoạn 2016-2020 mỗi năm doanh nghiệp FDI tạo ra tới 392,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chiếm tới 45,3%  tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp nhà nước tạo ra 198 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chiếm 22,9% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 275,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,8%.

Phân tích kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 của khu vực FDI, Bộ Tài chính cũng có những đánh giá đáng chú ý.

Theo Bộ Tài chính, doanh thu của khu vực FDI năm 2021 là 8.567.847 tỷ đồng, tăng 1.384.851 (tăng 19%) so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế là 366.222 tỷ đồng, tăng 83.585 tỷ đồng (tăng 29,6%). Theo đó, số nộp ngân sách nhà nước là 179.630 tỷ đồng, tăng 15.292 tỷ đồng (tăng 9,3%) so với năm 2020. Nhưng Bộ Tài chính đánh giá: Số nộp NSNN có tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận sau thuế cho thấy rằng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Đó là lý do đã nhiều ý kiến từ lâu nay đặt ra nghi vấn chuyển giá, né thuế của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam. Bởi nhiều doanh nghiệp FDI có tên tuổi không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn liên tục báo lỗ.

Khu vực tư nhân Việt Nam nộp ngân sách lớn nhất, tạo nhiều việc làm nhất

So với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn về quy mô. Song số liệu thu ngân sách lại cho thấy đây là khu vực có đóng góp ngân sách nhiều nhất, vượt xa các khu vực còn lại, kể cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Biểu đồ dưới đây cho thấy điều đó:

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 tiếp tục đặt ra mục tiêu thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cao nhất với 312.919 tỷ đồng; Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 229.714 tỷ đồng. Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước 168.582 tỷ đồng.

Nhìn vào biểu đồ trên, cũng có thể thấy tốc độ gia tăng mức đóng góp vào ngân sách của khu vực kinh tế tư nhân cũng cao hơn hẳn hai khu vực doanh nghiệp còn lại. Điều này thể hiện sự bền bỉ và đóng góp tích cực của khu vực kinh tế này vào ngân sách.

Sách trắng doanh nghiệp 2022 được Tổng cục Thống kê biên soạn cũng cho thấy: Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút nhiều lao động nhất, đứng thứ hai là doanh nghiệp FDI và cuối cùng là doanh nghiệp nhà nước.

Giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra doanh thu chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 13,2 triệu tỷ đồng, chiếm 57,0% doanh thu toàn bộ doanh nghiệp, tăng 101,3% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; doanh nghiệp FDI tạo 46 ra 6,6 triệu tỷ đồng, chiếm 28,8%, tăng 118,6%; doanh nghiệp nhà nước tạo ra 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm 14,2%, tăng 15,1% (trong đó doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo ra 2,1 triệu tỷ đồng, chiếm 9,0%, tăng 16,4%).

Trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất 2021 được Tổng cục Thuế công bố cũng ghi nhận nhiều con số đáng chú ý. TOP 10 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất có 8 doanh nghiệp “nội”, và 2 doanh nghiệp FDI. Top 50 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất ghi nhận sự hiện diện của hơn 30 doanh nghiệp “nội”.

Những dẫn chứng trên cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn và bất lợi, nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang là trụ cột vững chắc của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm, đem lại thu nhập cho hàng triệu lao động.

Vì vậy, những chính sách được ban hành cần hướng đến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển lành mạnh, công bằng, cạnh tranh bình đẳng với những doanh nghiệp FDI. Có như vậy, Việt Nam mới xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tin mới lên