Ngân hàng

Doanh nghiệp miền Trung khó vực lại đà tăng trưởng dù lãi suất hạ nhiệt

(VNF) - Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức, các ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng, với cách giảm chậm rãi và dè dặt như hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế cả nước nói chung và tại miền Trung nói riêng.

Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang “neo” ở mức cao, các doanh nghiệp sản xuất đang khó tiếp cận với các gói hỗ trợ.

Ngân hàng giảm lãi suất dè dặt

Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã 3 lần thực hiện giảm các mức lãi suất điều hành. Động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN đã tạo dư địa để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Theo đó, các ngân hàng trên địa bàn cả nước nói chung và ở miền Trung đã thực hiện giảm lãi suất cho vay. Song theo đánh giá của người dân, doanh nghiệp thì mức giảm chưa được như kỳ vọng.

Theo ghi nhận thực tế, các “ông lớn” như Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank đã chủ động hạ lãi suất cho vay. So với thời điểm đầu năm, lãi suất cho vay của các ngân hàng này đã giảm từ 2 – 3%/năm.

Tại ngân hàng Vietcombank từ ngày 1/1/2023 - 30/4/2023, lãi suất cho vay VNĐ đã giảm 0,5%/năm và từ ngày 1/5/2023 - 31/7/2023 tiếp tục giảm 0,5%/năm cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.  Trong đó, ưu tiên lĩnh vực sản xuất – kinh doanh với lãi suất cho vay dao động từ 7,2 – 8,5%/năm tuỳ từng kỳ hạn.

Gần đây nhất, vào ngày 26/5/2023, BIDV đã tiếp tục thực hiện điều chỉnh lãi suất lần thứ 4 với tổng mức giảm từ đầu năm lại nay gần 3%/năm. Theo đó, lãi suất thấp nhất hiện nay của BIDV là 7,3%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; các kỳ hạn trung và dài hạn dao động từ 9,5 – 10,2%/năm.

Đồng hành cùng khách hàng hiện nay lãi suất vay tại Agribank cũng đã thấp hơn khoảng 3%/năm so với thời điểm đầu năm 2023. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn của Agribank hiện dao động từ 7 – 10%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 10 – 11%/năm.

Điển hình, tại Hà Tĩnh, từ ngày 3/4/2023, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất với quy mô nguồn vốn 500 tỷ đồng. Đối tượng vay vốn là những khách hàng vay mới phục vụ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, các khoản vay mới giải ngân từ ngày 3/4/2023 - 19/5/2023, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay ưu đãi 7,5%/năm trong vòng 6 tháng đầu, kể từ ngày giải ngân. Nhưng sau 6 tháng được hỗ trợ lãi vay thì chi nhánh áp dụng lãi suất theo quy định tại Agribank nơi cho vay, thời hạn cho vay đến 12 tháng…

Doanh nghiệp vay vốn vẫn gặp nhiều khó khăn

Trên thực tế, việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động là điều kiện quan trọng cho việc giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng lãi suất cho vay thời gian qua vẫn cao. NHNN lý giải do hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế…

Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77.000 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát thấp do tổng cầu yếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Điều này đặt ra cho NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) bài toán đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất là đúng và cần thiết nhưng chưa đủ, mà song song với đó cần cơ chế cởi mở hỗ trợ doanh nghiệp bởi lãi suất điều hành hiện nay còn cao hơn mức lãi hồi tháng 9/2020 từ 0,5 - 1%. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn chịu lãi suất cho vay 13- 15%/năm từ các ngân hàng thương mại.

Nhiều ngân hàng thương mại công bố gói vay mới lãi suất rẻ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ở mức 9-10%/năm. Dù là tín hiệu vui, nhưng việc tiếp cận vốn vay lãi suất này không dễ dàng!

Ông Hoàng Phi Hùng, Giám đốc công ty thực phẩm đóng tại Nghệ An phân trần: "Chúng tôi có chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo với các hợp tác xã, nên để đảm bảo lượng lớn vốn nhập hàng từ đầu năm nay chúng tôi đã vay vốn tại một NHTM với lãi suất hơn 14%/năm, đến nay lãi suất đã giảm nhiều rồi nhưng chúng tôi vẫn phải chịu lãi suất cao theo gói vay cũ, bởi muốn hưởng lãi suất ưu đãi thì chúng tôi phải trả lại tiền cho ngân hàng và thực hiện vay gói mới. Nhưng với số tiền vay lớn, nay hàng thu mua vào chưa xuất ra nên chúng tôi chưa thể gom đủ số tiền gốc đã vay".

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty chế biến Gỗ tại Quảng Trị cũng cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi cũng đang rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Dù NHNN liên tục thông báo các chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng thực tế để tiếp cận được gói vay lãi suất ưu đãi đòi hỏi phải đáp ứng nhiều điều kiện…".

Tại Hà Tĩnh, nhiều doanh nghiệp cũng không khỏi lo lắng vì bị tắc dòng tiền vay. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, chủ một hợp tác xã (HTX) thủy sản tại địa phương chia sẻ hiện tại, các nhà máy chế biến thuộc HTX rất khó khăn. Sản phẩm vừa không có đầu ra, vừa bị tắc dòng tiền, không có tiền trả nợ cho ngân hàng đến hạn. "Chúng tôi đã buộc phải giảm giá đẩy hàng nhằm thu hồi vốn để tất toán cho ngân hàng để tìm gói vay mới", ông Dũng cho biết.

Vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo NHNN xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thủy sản vay. Thế nhưng đến nay, doanh nghiệp trong HTX này vẫn chưa thể tiếp cận được, chưa nói đến việc người nuôi tôm và sản xuất tôm giống càng thấy vay vốn là vấn đề xa vời, theo chia sẻ từ ông Dũng.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho hay thời gian qua, họ phải phải đối mặt với áp lực từ việc lãi suất ở mức cao và tỷ giá USD biến động trong thời gian dài. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp, không thể vay vốn ngân hàng vì không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nhóm nợ xấu. Do đó, cần có quy định, điều kiện vay vốn riêng cho ngành, xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của các doanh nghiệp.

Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp, người dân kiến nghị Chính phủ, NHNN và các ngân hàng thương mại tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay, tiến tới ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ... đối với các doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn trong giai đoạn này.

Tin mới lên