Tiêu điểm

Doanh nghiệp muốn không có tài sản hữu hình mà vẫn có thể đi vay

(VNF) - Lãnh đạo Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD đặt vấn đề làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình mà có thể đi vay để sản xuất được.

Ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Quay một cảnh phim phải có 5 - 7 loại giấy phép

Tại hội nghị, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD cho biết tổng quan thị trường điện ảnh, các hệ thống rạp có phim Việt chiếm khoảng 30% thị phần, so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ này khoảng 70-90%.

Bên cạnh đó, doanh thu phim Việt khoảng từ 18-33%, so với những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc là 50-70%. Tỉ lệ bán vé trong những năm gần đây của Việt Nam tăng 20-40%.

Đánh giá cần phải khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa, lãnh đạo BHD mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất như cho vay nông nghiệp. Làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình mà có thể đi vay để sản xuất được.

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Theo bà Hạnh, để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó, ví dụ như rạp chiếu phim, phim trường. Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm hơi xa thì được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa.

Về thủ tục hành chính, bà Hạnh cho biết để quay một cảnh phim đơn giản phải xin nhiều giấy phép, trong đó có giấy phép của Sở Văn hóa, giấy phép của phường, Công an phường, công ty cây xanh nếu quay ở công viên cây xanh, phim có hành đông cháy nổ phải xin phép cơ quan phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài ra, bà Hạnh cũng cho rằng cần xử lý nghiêm các vấn đề bản quyền. "Ăn trộm một cái xe máy có thể đi tù nhưng quay trộm, phát sóng một bộ phim 30-40 tỷ đồng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính", bà Hạnh nói.

Còn theo bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng giám đốc Sun Group, hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án về du lịch, văn hóa là những dự án đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm.

Lãnh đạo Sun Group cho rằng cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ví dụ như về cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, cơ chế khuyến khích đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối.

Trong khi đó, bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hà Nội Grapevine, đánh giá Việt Nam có tiềm lực trở thành trung tâm công nghiệp sáng tạo của Đông Nam Á, châu Á. Nhưng các không gian sáng tạo theo mô hình phi lợi nhuận đang gặp khó khăn vì thuế cao, tương tự các lĩnh vực kinh doanh khác. 

Bà Ly đề xuất miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không gian sáng tạo trong 3 năm đầu tiên và trong 2 năm tiếp theo thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 10% và miễn giảm thuế thu nhập đối với các dự án công – tư.

Tại hội nghị, lãnh đạo FPT Play thì nêu hiện trạng các nền tảng OTT thuần Việt đang rất khó khăn để cạnh tranh với các nền tảng OTT đa quốc gia như Netflix, Spotify... Cuộc cạnh tranh hiện tại đang tập trung vào nội dung gốc (các đơn vị tự phát triển nội dung) với chi phí đầu tư vô cùng lớn.

Nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ cho ngành công nghiệp văn hóa

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Trong đó, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, còn dàn trải; việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, phương thức đối tác công - tư (PPP) chưa đạt yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20-30.000 tỷ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.

Tin mới lên