Doanh nghiệp thủy điện sẽ còn khó khăn đến nửa đầu năm 2020, nhiệt điện đón tin vui từ giá than

Thanh Long - 09/10/2019 07:22 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù xác xác suất xảy ra hiện tương El Nino đã giảm mạnh, tuy nhiên, lượng mưa thấp trong mùa mưa năm 2019 làm cho các hồ thủy điện không tích được nước dẫn tới các doanh nghiệp thủy điện sẽ tiếp tục khó khăn cho ít nhất đến hết nửa đầu năm 2020. Trong khi đó, việc giá than thế giới giảm mạnh đang đem lại thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp nhiệt điện than.

VNF
Doanh nghiệp thủy điện sẽ còn khó khăn đến nửa đầu năm 2020, nhiệt điện đón tin vui từ giá than

Theo báo cáo cập nhật ngành điện vừa được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố, sản lượng điện thương phẩm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng 9-12%/năm từ năm 2014 trở lại đây.

Theo dự báo của Quy hoạch điện 7 điều chỉnh và Quyết định 219 của Thủ tướng Chính phủ, sản lượng điện thương phẩm của EVN tiếp tục tăng bình quân khoảng 10%/năm từ năm 2018 đến 2020.

Tuy nhiên, kể từ năm 2014 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng công suất đặt toàn hệ thống đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện.

Năm 2019, công suất đặt dự kiến sẽ tăng khoảng 14,8%, tuy nhiên phần lớn công suất tăng lên đến từ điện mặt trời và điện gió là những nguồn năng lượng có tỷ lệ sản lượng thương phẩm thấp trên công suất lắp đặt hơn nhiều so với các nhà máy nhiệt điện (điện mặt trời sản xuất được khoảng 2 triệu kWh/1MW, điện gió sản xuất được khoảng 2,8 triệu kWh/1MW, nhiệt điện sản xuất được khoảng 6-7 triệu kWh/1MW).

Nếu hiệu chỉnh công suất đặt theo khả năng phát điện thì công suất lắp đặt 2019 chỉ tăng khoảng 7,8%, thấp hơn so với mức tăng của nhu cầu điện là 10,4%.

Theo nhận định của BVSC, EVN sẽ cần phải tăng cường huy động từ các nhà máy chạy dầu có giá thành rất cao và tăng cường nhập khẩu điện nhưng vẫn có thể xảy ra nguy cơ thiếu điện nếu xuất hiện sự cố ở một số nhà máy có công suất lớn.

Nguồn cung điện tăng trưởng chậm kéo dài trong khi nhu cầu tiêu thụ điện vẫn tăng trưởng đều đặn khoảng 10%/năm đã gây áp lực lên khả năng cung ứng điện của hệ thống dẫn tới EVN cần đẩy mạnh huy động điện từ các nhà máy nhiệt điện và mức giá trên thị trường cạnh tranh tăng cao.

Giá điện trên thị trường phát điện cạnh gần như giao dịch ở mức trần trong suốt mùa khô. Mặc dù giá điện có dấu hiệu hạ nhiệt khi vào mùa mưa nhưng vẫn cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

BVSC dự báo giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao trong nửa cuối năm 2019 do tình hình thủy văn tiếp tục không thuận lợi cho các công ty thủy điện.

Cụ thể, từ nửa cuối năm 2018 tới nay, hiện tượng thời tiết El Nino đã có tác động rõ rệt lên khu vực Miền Trung và Tây Nguyên làm cho lượng mưa ở các khu vực này thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Điều này làm cho mực nước ở nhiều hồ thủy điện thấp hơn mực nước chết và nhà máy không thể vận hành.

Theo số liệu từ EVN thì mực nước hụt so với mức nước dâng bình thường là 29,37 tỷ m3, tương ứng sản lượng điện bị thiếu hụt lên tới 12,49 tỷ kWh.

Thủy văn bất lợi đã làm cho kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, với 15 trong tổng số 19 doanh nghiệp thủy điện được thống kê giảm doanh thu và lợi nhuận.

Viện nghiên cứu thời tiết quốc tế của Đại học Columbia dự báo rằng xác suất hiện tượng El Nino trong cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đã giảm mạnh và chỉ còn khoảng 40%.

"Tuy nhiên, lượng mưa thấp trong mùa mưa năm 2019 làm cho các hồ thủy điện không tích được nước dẫn tới các doanh nghiệp thủy điện sẽ tiếp tục khó khăn cho ít nhất đến hết nửa đầu năm 2020", BVSC nhấn mạnh.

Với các doanh nghiệp nhiệt điện, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, việc thiếu nguồn nguyên liệu than đã làm cho nhiều nhà máy nhiệt điện than không đủ nguyên liệu để tận dụng công suất phát khi giá trên thị trường phát điện cạnh tranh tăng cao, thậm chí một số nhà máy phải tạm dừng phát ở một số tổ máy.

Để giải quyết cho bài toán thiếu than và thiếu điện, Thủ tướng chính phủ và Bộ Công thương đã cho phép Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc nhập khẩu than về trộn với than trong nước phục vụ cho mục đích phát điện. Điều này đã giúp cho đa số các nhà máy đủ nguồn nguyên liệu than để phát điện.

Mặc dù giá than nhập khẩu cao hơn so với giá than trong nước khoảng 5-10% nhưng theo BVSC, điều này chưa tác động đáng kể lên kết quả hoạt động kinh doanh do giá than được chuyển qua giá điện đối với phần sản lượng theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, giá than thế giới đang trong xu hướng giảm khá mạnh, giá than cho nhà máy điện Australia cuối tháng 9/2019 đã giảm 44,5% so với mức giá đỉnh vào tháng 7/2018. Theo dự báo được Bloomberg tổng hợp thì giá than dự kiến sẽ ổn định quanh mức hiện tại trong năm tới.

"Giá than nhập khẩu có độ trễ do thời gian đấu thầu nên giá than nhập khẩu trong giai đoạn vừa qua không giảm nhanh như giá than thế giới nhưng dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp cho các nhà máy nhiệt điện than gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường phát điện cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận", BVSC cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác